TMT Motors báo lỗ cao nhất lịch sử, cổ phiếu biến động mạnh
Kết thúc năm 2024, TMT Motors báo lỗ sau thuế 315,5 tỷ đồng, trong khi năm 2023 vẫn lãi 2,4 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
CTCP TMT Motors (HoSE: TMT) vừa công bố BCTC quý 4/2024 với doanh thu thuần 649,2 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty này lỗ gộp 42 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của TMT giảm đến 99,7% về mức 0,19 tỷ đồng; chi phí tài chính cũng giảm 11,4% về 32,72 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 28,8%, tương ứng tăng lên 44,71 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận âm 1,53 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 47,2 tỷ đồng, tức giảm 48,73 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi chi phí, TMT Motors báo lỗ sau thuế 120,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 vẫn lãi 26,6 tỷ đồng, đánh dấu 3 quý liên tiếp công ty này báo lỗ.
Lũy kế cả năm 2024, TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần 2.324,4 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2023. Kết quả, công ty này lỗ sau thuế 315,5 tỷ đồng, trong khi năm 2023 vẫn lãi 2,4 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Trong năm 2024, Ô tô TMT đặt kế hoạch doanh thu 2.645,96 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 38,57 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc năm 2024 với việc ghi nhận lỗ thêm 315,44 tỷ đồng, Ô tô TMT đã không thể hoàn thành kế hoạch năm 2024.
Tính tới 31/12/2024, Ô tô TMT ghi nhận lỗ lũy kế 259,7 tỷ đồng, bằng 69,6% vốn điều lệ (vốn điều lệ 372,9 tỷ đồng). Trong đó, đầu năm Công ty còn ghi nhận lãi lũy kế tích lũy là 52,7 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Ô tô TMT giảm mạnh tới 32,4% so với đầu năm đạt mức 1.465,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 486,97 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng tài sản. Bên cạnh đó, TMT Motors đang nắm giữ 302 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi.
Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Ô tô TMT lên tới 627,4 tỷ đồng, bằng 511,7% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm tỷ lệ tổng nợ vay trả lãi trên vốn chủ sở hữu chỉ 290,7%). Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 441,6 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 185,8 tỷ đồng.
Trong diễn biến mới nhất, gần đây TMT thông báo sẽ đưa những mẫu xe điện Trung Quốc vào Việt Nam. Trong thông báo mới nhất, TMT Motors cùng liên doanh SGMW (SAIC – General Motors – Wuling) đã đạt thỏa thuận mở rộng thêm dải sản phẩm xe điện mới có sức cạnh tranh cao, dự kiến nhập khẩu xe mẫu và sản xuất, lắp ráp tại nhà máy của TMT Motors từ năm 2025 trở đi.
Theo đó, TMT Motors dự kiến đưa thêm 4 mẫu xe khác của thương hiệu Wuling vào Việt Nam để tăng lựa chọn cho người tiêu dùng. Các mẫu xe bao gồm: Wuling Mini EV Macaron 4 (phiên bản 3 cửa và 5 cửa), Wuling Hongguang EV và Wuling Zhiguang EV.
Trước đó, hai bên đã thống nhất đưa 3 mẫu xe điện là Baojun E100, Baojun Yep và Baojun Yep Plus vào Việt Nam trong quý 1-2/2025. Đáng chú ý, Baojun E100 có thiết kế hai chỗ ngồi với giá bán kèm pin dưới 150 triệu đồng. Cả 7 mẫu xe Trung Quốc mà TMT Motor dự kiến phân phối đều sạc điện tại nhà qua ổ cắm dân dụng 220V.
Bên cạnh đó, vào ngày 31/12/2024, lô xe Wuling Bingo đầu tiên nằm do TMT Motors sản xuất trong 500 khách hàng đặt cọc mua xe đã được xuất xưởng bàn giao cho đại lý để bàn giao cho khách hàng đúng như cam kết tại ngày ra mắt sản phẩm. Lô xe đầu tiên bao gồm hai bản Wuling Bingo 333 và Wuling Bingo 410 với các màu: Trắng café, hồng sakura, xanh mint, xanh ocean, đen carbon sẽ được giao đến tay khách hàng từ cuối tháng 12 đến trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trong năm 2025, TMT Motor đặt kế hoạch tiêu thụ hơn 8.075 chiếc xe trong năm 2025, trong đó, xe tải nhẹ (3.456 chiếc) và xe điện (3.404 chiếc) là 2 sản phẩm chủ lực. Mục tiêu doanh thu (không bao gồm VAT) đạt gần 3.839 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 300 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TMT gây chú ý với những biến động mạnh trong những ngày cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Có thời điểm, mã này tăng gần gấp đôi, chạm mốc 14.600 đồng/ngày 9/1. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/2 mã này hiện ở mức 11.050 đồng/cp.