Tisco: Những mảng sáng tối từ tình hình tài chính 9 tháng
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, cổ phiếu TIS, sàn UPCoM) đối diện tình hình kinh doanh khó khăn, với lợi nhuận quý III và 9 tháng năm 2023 đều thua lỗ. Tuy nhiên, công ty này cũng đang đặt kỳ vọng bù đắp phần nào dòng tiền từ thu hồi các khoản nợ thông qua một số vụ kiện đang theo đuổi.
Lợi nhuận của Tisco giảm, công nợ gia tăng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.414 tỷ đồng, giảm 7,4% (so với cùng kỳ năm trước); doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đạt 6.789 tỷ đồng, giảm 28,7%.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý III/2023 ghi nhận mức âm 58,5 tỷ đồng, mức thua lỗ theo đó lớn gấp hơn 2 lần so với con số thua lỗ hơn 25 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt âm 195 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là dương 7,9 tỷ đồng.
Thực chất, những con số sụt giảm kinh doanh của Tisco nói riêng và các doanh nghiệp thép nói chung cũng nằm trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 9/2023, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 876.043 tấn, giảm lần lượt so với tháng trước là 6% và giảm 20% so với tháng 9/2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023: sản xuất thép xây dựng đạt 7,722 triệu tấn, giảm 21,6%; bán hàng đạt 7,738 triệu tấn, giảm 20%. Trong đó, xuất khẩu đạt 344.676 tấn, giảm 12,9%.
Chịu gánh nặng lớn từ chi phí lãi vay
Chi phí lãi vay là một trong những gánh nặng khá lớn đối với Tisco trong 9 tháng năm 2023, khi khoản chi phí này đạt mức gần 129 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với mức gần 63 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, ngoài hoạt động kinh doanh, Tisco cũng còn đang đối diện một số vấn đề khác trong quản trị tài chính, trong đó đáng chú ý là quy mô tăng mạnh của các khoản phải thu. Cụ thể, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp này tại thời điểm cuối tháng 9/2023 là 761 tỷ đồng, tăng 52,5% so với thời điểm đầu năm.
Trong bối cảnh các khoản phải thu tăng mạnh, sức ép thu tài chính đối với doanh nghiệp sẽ khá lớn nếu không thực hiện hiệu quả công tác thu nợ. Đặc biệt, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng đang có quy mô khá lớn với 9.011 tỷ đồng, lớn gấp 5,36 lần vốn chủ sở hữu. Riêng giá trị các khoản nợ ngắn hạn cũng đã là 6.479 tỷ đồng và theo đó, hoạt động bán hàng thu nợ nếu không cân đối đủ bằng giá trị các khoản nợ đến hạn thì doanh nghiệp sẽ khó điều tiết được dòng tiền nhằm phục vụ các hoạt động kinh doanh thường xuyên.
Nhọc nhằn cân đối dòng tiền
Điểm thuận lợi trong bức tranh tài chính của Tisco trong 9 tháng năm 2023 là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn đạt dương gần 77 tỷ đồng, có phần được cải thiện so với dòng tiền thuần trong kinh doanh âm gần 172 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022. Đây là yếu tố khá quan trọng giúp cho Tisco cân đối được các nguồn lực tài chính trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, việc duy trì được dòng tiền bền vững vẫn là vấn đề khó với đại gia ngành thép này, trong đó, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới gần 348 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9 cũng là một con số cho thấy hoạt động thu nợ cũng không mấy dễ dàng.
Để giải quyết các vấn đề liên quan đến công nợ khó đòi, thời gian qua Tisco cũng phải theo đuổi khá nhiều vụ kiện tụng. Một trong những vụ kiện đang theo đuổi là khoản phải thu Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Hà Nam, Tisco đang khởi kiện Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) với tư cách là bên thực hiện bảo lãnh. Đây là một vụ án từng qua nhiều lần xét xử nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại dây dưa kéo dài. Hiện tại, vụ án đang tiếp tục thực hiện các giai đoạn xét xử tiếp theo.
Một vụ án khác liên quan đến khoản phải thu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng. Vụ án này đã được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên án Công ty Tân Hồng phải thanh toán nợ cho Tisco. Tuy nhiên, hiện nay Tisco vẫn đang kháng cáo phúc thẩm để yêu cầu một ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Ngoài ra, một số vụ việc Tisco là bên đứng giữa trong các quan hệ nợ nần và thế khó trong những trường này là một mặt công ty phải có nghĩa vụ trả bên chủ nợ, nhưng bên con nợ thì việc đòi tiền cũng khá mệt nhọc. Chẳng hạn như trong Dự án mở rộng gang thép giai đoạn 2, Tisco phải trả 830 tỷ đồng cho các ngân hàng số tiền lãi thực tế từ khi dự án chậm tiến độ (tháng 5/2011) đến thời điểm vụ án liên quan đến dự án này bị khởi tố hình sự. Các bị cáo được nêu trong bản án phải bồi thường lại cho Tisco số tiền trên.
Tuy nhiên đến hết quý III/2023, Tisco cũng mới nhận được số tiền bồi thường là gần 79 tỷ đồng do Cục Thi hành án dân sự Hà Nội thu từ các bị cáo trong vụ án và đã được công ty ghi giảm vào chi phí lãi vay đã vốn hóa của dự án.
Thị trường thép xây dựng có tín hiệu bớt khó khăn hơn từ cuối quý III
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 9/2023 đạt mức cao nhất tính theo tháng kể từ đầu năm 2023, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và một số dự án khác.