Tình yêu sách - câu chuyện chưa bao giờ cũ

Trong xã hội hiện đại, những tưởng các chương trình giải trí, nguồn thông tin vô tận trên Internet sẽ 'lên ngôi' trong lòng người trẻ nhưng không hoàn toàn như vậy, sách vẫn chiếm một vị trí nhất định không thể nào thay thế được. Các bạn trẻ vẫn đọc sách, yêu sách và từng ngày lan tỏa tình yêu đó đến cộng đồng.

Biết đến sách từ khi còn là học sinh tiểu học, Phạm Nguyễn Nam Trân (xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) dành một vị trí rất đặc biệt trong lòng mình cho sách. Thời gian giải lao, nghỉ ngơi, hầu như Nam Trân dùng cho việc đọc sách giấy thay vì lướt mạng xã hội hay đọc thông tin từ Internet.

Nam Trân chia sẻ, em cảm nhận được sự bình yên khi chú tâm vào trang sách. Lúc đó, tâm trí em được thư giãn khi đắm mình vào một thế giới mới mẻ, nhiều màu sắc trong từng trang sách. “Cả đọc sách và tìm hiểu thông tin trên mạng đều cung cấp nhiều kiến thức mới nhưng em vẫn thấy đọc sách thoải mái hơn.

Khi dùng Internet rất dễ bị chi phối bởi lượng thông tin quá nhiều cùng với nhiều thứ khác dễ gây mất tập trung. Đọc sách một khoảng thời gian khiến em dễ chịu, còn lướt Internet lại khiến đầu óc em căng thẳng và mệt mỏi, chưa kể ánh sáng từ máy tính, điện thoại không tốt cho mắt” - Nam Trân nói.

Phạm Nguyễn Nam Trân (xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) nuôi dưỡng tình yêu sách từ ngày còn nhỏ

Từng là học sinh lớp chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Long An (từ ngày 01/9/2024 được đổi tên thành THPT Chuyên Trần Văn Giàu) nên hầu như các tác phẩm văn học kinh điển, Nam Trân đều đã “kinh qua”. Bên cạnh đó, em còn đọc sách kỹ năng sống, sách giáo dục đạo đức,... Vậy nhưng, quyển sách mà cô gái nhỏ yêu thích nhất lại là một quyển nhật ký viết vội của người chiến sĩ trên đường hành quân: Mãi mãi tuổi 20.

Nam Trân kể, trước khi tiếp cận Mãi mãi tuổi 20, em từng đọc một vài truyện dài về chiến tranh vệ quốc của nước ta, tuy nhiên, quyển nhật ký của Nguyễn Văn Thạc để lại trong em cảm giác vừa nể phục, vừa tự hào, khiến em muốn được giới thiệu quyển sách cho nhiều người biết.

Văn hóa đọc đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Hình thành thói quen đọc sách và hãy chia sẻ thói quen đó tới mọi người xung quanh để góp phần phát triển văn hóa đọc trong tỉnh".

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc phát biểu tại Lễ Tổng kết cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc vòng sơ khảo năm 2024

Cũng yêu thích sách và đặc biệt ấn tượng với tác phẩm Mãi mãi tuổi 20, Lê Dương Tịnh Nghi (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) dành thời gian làm 1 video clip giới thiệu về tác phẩm. Video clip của Tịnh Nghi nhanh chóng nhận được sự yêu thích của bạn bè.

Tịnh Nghi cho biết, em bắt đầu nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ khi học THCS. Trong một lần lướt mạng xã hội, Tịnh Nghi đọc được một đoạn giới thiệu sách Nhà Giả Kim, tò mò nên tìm đọc và từ đó nhận ra sách mang đến một chân trời đầy mới mẻ. Tịnh Nghi đặc biệt say mê các tác phẩm văn học cách mạng Việt Nam.

Tịnh Nghi cho biết: “Khi đọc các tác phẩm văn học Việt Nam khắc họa xã hội và dân tộc ta trong những năm tháng kháng chiến, em hiểu hơn về truyền thống anh hùng, sự tài tình của thế hệ cha anh. Từ đó, em luôn nhắc nhở bản thân nỗ lực học tập, sáng tạo để tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang đó. Em cũng đang trong giai đoạn phấn đấu, hy vọng có thể được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong thời gian tới”.

Lê Dương Tịnh Nghi (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) đặc biệt say mê các tác phẩm văn học cách mạng Việt Nam

Lê Dương Tịnh Nghi (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) đặc biệt say mê các tác phẩm văn học cách mạng Việt Nam

Là học sinh Trường THPT Cần Giuộc, Tịnh Nghi năng nổ tham gia các hoạt động của trường, đặc biệt là hoạt động quyên góp sách làm thư viện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và làm sách nói. Tịnh Nghi là người đưa ra ý tưởng, trực tiếp sản xuất các video đọc sách và đăng tải trên kênh YouTube của trường. “Trong thời đại công nghệ phát triển, em nghĩ có nhiều kênh để tiếp cận với sách. Ngoài sách giấy, các bạn có thể đọc ebook hoặc nghe sách nói, điều đó vừa lan tỏa nội dung của sách, vừa có thể giúp người khiếm thị tiếp cận sách dễ dàng hơn” - Tịnh Nghi chia sẻ.

Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, sách vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng giới trẻ. Qua câu chuyện của Nam Trân và Tịnh Nghi, chúng ta thấy sách vẫn là "người bạn" đồng hành giúp các bạn trẻ hoàn thiện bản thân, định hình ước mơ, nhân cách. Việc đọc sách không chỉ là một sở thích mà còn là một hành động góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tinh-yeu-sach-cau-chuyen-chua-bao-gio-cu-a182695.html
Zalo