Tình yêu nghề qua từng đường kim, mũi chỉ

Giữa cuộc sống hiện đại, khi mà mặt hàng thời trang rất đa dạng và khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn chỉ bằng một cái click chuột hoặc cú chạm điện thoại thì vẫn có những khách hàng gắn bó và chọn những trang phục được may thủ công. Và cũng còn nhiều thợ may vẫn cặm cụi với từng đường kim, mũi chỉ. Với họ, không có cuộc cạnh tranh giữa may thủ công và may công nghiệp, càng không có khái niệm tranh giành khách. Họ theo nghề, giữ nghề vì yêu nghề.

Chị Thảo Duyên (phường 2, TP.Tân An) có hơn 20 năm kinh nghiệm may áo dài thủ công

Chị Thảo Duyên (phường 2, TP.Tân An) có hơn 20 năm kinh nghiệm may áo dài thủ công

Chuẩn bị vào năm học mới, tiệm may của chị Thảo Duyên nằm trên con đường nhỏ ở phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An, tấp nập hơn bởi nhiều nữ sinh đến may áo dài. Tiệm may này không chỉ là nguồn thu nhập của cả gia đình mà còn là tâm huyết và đam mê của cô chủ. Dừng tay cắt tấm vải với nhiều đường phấn kẻ, chị Thảo Duyên tâm sự: “Niềm đam mê áo dài của tôi bắt nguồn từ bà nội. Tôi lớn lên bên tiếng máy may của bà, chứng kiến bà tỉ mỉ, chăm chút từng chiếc áo dài. Mỗi lần ngồi cạnh bà, tôi lại bị cuốn hút bởi đường kim, mũi chỉ, rồi dần dần theo nghề, yêu nghề lúc nào không hay”.

Chị Thảo Duyên chưa từng học may qua trường lớp mà chỉ học lỏm từ bà nội. Chị “bén duyên” với nghề hơn 20 năm và không ngừng cập nhật, sáng tạo nhiều mẫu mới phù hợp với xu hướng. Chia sẻ về nghề, chị cho rằng, một chiếc áo dài đẹp phải được chăm chút tỉ mỉ từ lấy số đo, lựa chọn màu sắc, chất liệu vải rồi thiết kế kiểu dáng như thêu hoa, đính cườm sao cho phù hợp với vóc dáng của từng khách. Mọi công đoạn may đều phải chỉn chu.

Khi cuộc sống phát triển, nhiều người thường chọn quần áo may sẵn vì nhanh, tiện lợi và rẻ hơn may thủ công nên những tiệm may thủ công vắng khách hơn trước. “Nhiều năm trước, khi đồ may sẵn chưa thịnh hành như bây giờ, cửa hàng rất đông khách, tôi phải thuê thêm thợ để ráp nhưng bây giờ thì vắng khách hơn nhiều” - chị Thảo Duyên cho biết.

Trước kia, mỗi dịp đầu năm học, tiệm của chị may cả ngàn bộ áo dài nhưng năm nay chỉ có vài trăm bộ. Bên cạnh nhiều khách hàng chọn áo dài may sẵn thì vẫn còn lượng khách chọn may thủ công vì muốn có chiếc áo dài vừa vặn, đường may tỉ mỉ. Chị Mỹ Dung (phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi thích may thủ công vì áo vừa vặn với dáng người, đường may tỉ mỉ. Khi chọn may áo dài, tôi còn được tư vấn về mẫu mã, chất liệu vải, hoa văn,... Điều này thì áo dài may sẵn không đáp ứng được. Tôi may áo dài chỗ chị Thảo Duyên hơn 10 năm nay rồi, tuy giá cao hơn đồ may sẵn nhưng tôi rất hài lòng vì không những được tư vấn nhiệt tình mà thiết kế mẫu mã rất đẹp, mặc lên là vừa ý”.

Nếu những bạn trẻ chọn kiểu dáng đơn giản, năng động thì khách hàng lớn tuổi lại yêu thích sự cầu kỳ, tinh tế. Đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này, chị Thảo Duyên có thợ nhận đính cườm lên áo dài tạo điểm nhấn riêng cho từng chiếc áo. Thợ đính cườm thường là những người lớn tuổi, có kinh nghiệm. Cũng bởi gắn bó với nghề đã lâu nên những người thợ này không muốn chuyển sang nghề khác dẫu việc đính cườm không còn thịnh hành như trước.

Đôi tay khéo léo của những người thợ đính cườm tạo nên điểm nhấn cho chiếc áo dài

Đôi tay khéo léo của những người thợ đính cườm tạo nên điểm nhấn cho chiếc áo dài

Hơn 20 năm làm nghề, chị Thảo Duyên đã chuyển cửa tiệm 6 lần bởi giá thuê mặt bằng cao mà lượng khách hàng ngày càng giảm, có lúc rất vất vả, nản lòng nhưng vì đam mê nên chị cố gắng xoay xở, giữ bằng được nghề may thủ công.

Cũng đam mê may thủ công nhưng phải đến khi kết hôn, chị Mỹ Hằng mới “bén duyên” với nghề. Về làm dâu, chị kế nghiệp nghề may từ cha chồng. Tiệm may trên con đường nhỏ ở phường 1, TP.Tân An là tâm huyết hơn 50 năm của cha chồng chị. Tiệm chị Mỹ Hằng chỉ nhận may theo mẫu, không thiết kế kiểu dáng. Khi may, chị luôn tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, bảo đảm từng chiếc áo được may có nét thanh lịch và tinh tế.

Chị Mỹ Hằng (phường 1, TP.Tân An) chỉn chu trong từng công đoạn may

Chị Mỹ Hằng (phường 1, TP.Tân An) chỉn chu trong từng công đoạn may

Chị Mỹ Hằng cho biết: “Trước kia, có nhiều người đến đặt may nên tôi phải thuê thợ ráp nhưng những năm gần đây, lượng khách ít dần, một mình tôi đảm nhận tất cả các khâu. Với lợi thế mặt bằng có sẵn của gia đình, không tốn chi phí thuê nên tôi cứ duy trì tiệm may. Hơn nữa, làm nghề đã lâu nên tôi tiếp tục theo đuổi vì đây cũng là nghề truyền thống của gia đình”.

Đã từng có giai đoạn nghề may đo thủ công rất thịnh hành. Khoảng 40 năm trước, nhà nào có con gái lớn cũng thường chọn cho con học may để kiếm kế sinh nhai. Theo sự phát triển, ít ai còn theo nghề, thế nhưng vẫn còn nhiều người yêu thích sự tỉ mỉ nên chọn đến các tiệm may thủ công. Đó cũng là lý do chính để những người thợ may giữ lấy nghề. Trong sự nhộn nhịp, hối hả của cuộc sống, tiếng máy may lạch cạch của những người thợ vẫn đều đặn vang lên với mong muốn mang đến cho khách hàng những bộ trang phục ưng ý nhất./.

Phương Thảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tinh-yeu-nghe-qua-tung-duong-kim-mui-chi-a183508.html
Zalo