Tình yêu Hà Nội của một người Huế
Tôi cầm trên tay tập thơ Phở bia hơi và lời yêu Hà Nội của tác giả Nguyễn Duy Tờ trong những ngày lòng ngập tràn nhớ nhung Hà Nội - nỗi nhớ của một người Huế trót yêu vùng đất Hà thành và mùa thu chốn ấy.
Nhà thơ Nguyễn Duy Tờ phát hành Phở bia hơi và lời yêu Hà Nội đúng vào thời điểm Hà Nội kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô (1954 - 2024) và hướng về 65 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn (1960 - 2025). Đó cũng là món quà anh dành tặng Hà Nội và những người chưa biết, chưa yêu và đang yêu một miền đất linh thiêng hào hoa.
Quả thật, đọc Phở bia hơi và lời yêu Hà Nội, tôi không ngờ rằng một người Huế lại viết về những địa danh, nét văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên, con người Hà Nội một cách tỉ mỉ, tinh tế và sâu sắc cứ như Hà Nội chính là quê hương của anh vậy.
Cũng như ẩm thực Huế có bún bò, nói đến Hà Nội người ta thường nghĩ ngay đến món phở là niềm tự hào của người dân Hà thành, kèm theo đó là tên những quán phở đã trở thành thương hiệu như Phở Thìn, phở Lý Quốc Sư, Bát Đàn... với những hương vị ngàn đời mãi nhớ:“Hà Nội phở/ Trời thương trời nhớ/ Huế cũ xưa anh lại tạm xa/ Dăm tháng một, hai cho vơi mỏi mong/ Dẫu Bát Đàn phải ngóng phải chờ/ Giữa rét sớm và cơn mưa xuân lay bay buốt giá/ Ôi phố cổ/ Có hương thơm gì rất riêng rất lạ/ Rất gần rất ấm/ Rất thanh xuân giữa sáng tinh mơ...”. Yêu phở nên yêu Hà Nội hay vì yêu Hà Nội mà yêu luôn món phở? Có lẽ chỉ những ai thật sự yêu Hà Nội mới định nghĩa được điều này. Riêng tác giả thật thiết tha trong tâm tưởng: “Em ơi/ anh lại được cười, được dậy, được ngồi, được nhớ / Bến tàu điện bận rộn tiếng chuông/ Dịu dàng lối nhỏ Hồ Gươm/ vầng sáng phố Tràng Tiền ngày xa xưa ấy/ một sớm mai nồng nàn ngày xa xưa ấy/ Chị mậu dịch viên áo trắng/ Trao cho ta bát phở/ Chuyền cho em và anh làn hơi ấm/ Mặn mà, dịu êm, đằm thắm/ Sưởi ngày đông giá lạnh Hà Nội/ Cùng thanh trong một lời mời”.
Nhắc đến Hà Nội, người ta cũng không quên những cốc bia hơi vàng sóng sánh được rót trong những chiếc ly thủy tinh xù xì (đặc trưng của ly bia hơi Hà Nội xuất hiện từ thập niên 60 của thế kỷ trước) được tác giả Nguyễn Duy Tờ nhắc đến gợi bao kỷ niệm, nhất là với một người quảng giao như anh có lẽ sẽ không thiếu những buổi sáng, buổi chiều lai rai cùng bè bạn: “...Chẳng ngỏ tạm thời/ Chẳng nói tạm thương/ Mà mê suốt ngày/ Mà yêu suốt đời/ Này, ốm ơi/ Ta sẵn lòng còm cõi lo người/ Nhiều tháng lương thuốc thang/ Để chiều nay ta rời Cố đô/ Ta được nhìn ngọn lá xanh kinh giới/ Bên bìa đậu phụ nóng hổi/ Với chiếc cốc thủy tinh “cổ lai hy” quê mùa thương mến/ Và ly bia phố Tăng Bạt Hổ, Bát Đàn/ Ôi long lanh vàng xanh/ Mát rượi lòng anh...”.
Và tất nhiên rồi, Hà Nội không chỉ có phở, có bia hơi, mà Hà Nội có làn sương mỏng manh hồ Tây, vàng mơ ráng chiều Trúc Bạch, tĩnh tâm chuông chùa Trấn Quốc, hương cốm làng Vòng, hương sữa mùa thu, nhớ cúc họa mi, nhớ cành đào phai ngày Tết... Tất cả là những niềm nhớ, niềm thương góp nên tiếng yêu dành riêng Hà Nội, vậy nên: “Em chớ trách tôi/ Hà Nội, Hà Nội!/ Sáng, tối, đêm, ngày/ Bởi, / Lời Hà Nội / Đâu chỉ tối, sáng, đêm, ngày/ Trời đất, gió, mưa, nóng, lạnh/ Phố, ngõ, làng, thôn, ruộng đồng, bờ bãi/ Xiết bao thay đổi/ Mà lời yêu Hà Nội nào có đổi thay”.
Đọc Phở bia hơi và tình yêu Hà Nội của tác giả Nguyễn Duy Tờ, ta cứ có một cảm giác như đang đi giữa đất trời Hà Nội, bềnh bồng, thân thương giữa những điều cũ mới. Lang thang phố cổ, nghe tiếng leng keng tàu điện sớm khuya, qua những Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Lược, thăm cầu Long Biên, đón gió sông Hồng, hít hà vị cốm, lặng nghe thanh âm thánh thót dương cầm trong ô cửa xanh trên cao, tiếng nói cười lao xao ngõ nhỏ. Tất cả đã làm nên một Hà Nội nhớ thương, một Hà Nội xao xuyến, làm sao có thể chẳng yêu, ngừng yêu.