Tình trạng mất việc làm trong ngành xuất bản thế giới đang trầm trọng
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, nhân sự của ngành xuất bản sách tại nước này giảm từ mức 91.100 vào năm 1997 người xuống còn 54.822 người vào năm 2023.
Con số trên không gây ngạc nhiên sau một năm ngành xuất bản thường xuyên sa thải nhân viên. Nhưng trong thời buổi liên tục chứng kiến sự hợp nhất của các công ty, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và sự xuất hiện của các mô hình xuất bản thay thế, dữ liệu mới này cho thấy tình trạng mất việc làm trong ngành xuất bản trong ba thập kỷ qua là rất trầm trọng.
Nếu con số trên chính xác, thì khoảng 40% việc làm trong ngành xuất bản truyền thống đã biến mất trong vòng chưa đầy 30 năm.
Việc làm xuất bản phục hồi chậm sau đại suy thoái
Số liệu thống kê của Cục Thống kê Lao động (TKLĐ) Mỹ lấy từ dữ liệu việc làm chi tiết của các nhà xuất bản sách, bao gồm các doanh nghiệp "thực hiện các hoạt động thiết kế, biên tập và tiếp thị cần thiết để sản xuất và phát hành sách", bao gồm "dạng in, điện tử và âm thanh".
Năm 1990, Cục TKLĐ Mỹ ghi nhận tổng số việc làm trong ngành xuất bản sách là 85.800. Sau đó, số việc làm đạt đỉnh ở mức 91.100 vào tháng 6/1997 và về mức 84.600 vào tháng 12/2008.
Nhưng số lượng việc làm trong ngành dường như không phục hồi sau quá trình tái cơ cấu hậu thời kỳ Đại suy thoái 2007 - 2009. Năm 2012, việc làm đã giảm xuống còn khoảng 70.000 và năm 2016 xuống còn khoảng 60.000.
Con số này chạm đáy vào năm 2021 ở mức 51.161, giảm đến 44% so với mức đỉnh điểm vào năm 1997. Năm 2023 - số liệu thống kê gần đây nhất được công bố vào tháng trước - số lượng việc làm đã phục hồi nhẹ, lên mức 54.822.
Đáng chú ý, khoảng 20% việc làm trong ngành xuất bản năm 2016 - tức 10.269 việc làm - là ở TP New York. Năm 2023, con số đó đã giảm xuống còn 9.540, tương đương 17,4% lực lượng lao động xuất bản.
Để lý giải cho xu hướng việc làm toàn thời gian trong ngành xuất bản sách giảm kể từ thập niên 1990 thì chìa khóa chính là bối cảnh nhiều thay đổi đáng kể: công nghệ mới; sự hợp nhất giữa các nhà xuất bản... Điều này khiến việc so sánh ngành xuất bản ngày nay với cách đây ba thập kỷ trở nên khó khăn.
Những đổi thay của ngành xuất bản
Một báo cáo năm 1992 do Simba Information lập ra đã liệt kê 20 công ty thuộc mọi phân khúc xuất bản với doanh số tối thiểu 200 triệu đôla. Trong 20 nhà xuất bản đó, 10 công ty vẫn tồn tại đến nay, sau khi thâu tóm 10 công ty còn lại. Mỗi thương vụ sáp nhập đều kèm theo sự hợp nhất và hậu quả là số việc làm giảm khi các công ty cải thiện hiệu suất hoạt động của mình.
Xuất bản đã trở nên hiệu quả hơn trong thời đại kỹ thuật số. Bất chấp số lượng việc làm xuất bản suy giảm đáng kể thì doanh số của ngành vẫn đang tăng trưởng - dù mức tăng trưởng này không theo kịp lạm phát và thậm chí có vẻ đang chậm lại.
Ví dụ, trong thập niên 1990, tăng trưởng doanh số hàng năm vượt mức 5%. Đến đầu thập niên 2000, sức tăng trưởng chậm lại còn khoảng 1,5% mỗi năm và đạt 25 tỷ đôla vào năm 2007, theo dữ liệu từ Hiệp hội Nhà xuất bản Mỹ Kỳ. Trong khi đó, số liệu gần đây nhất cho thấy doanh số bán hàng vào năm 2023 là 29,9 tỷ đô la.
Mặc cho dữ liệu ngành xuất bản rất khó xác định do phương pháp kế toán và nguồn dữ liệu thay đổi, nhưng xu hướng vẫn rất rõ ràng: việc làm trong ngành xuất bản sách đã giảm khoảng một phần ba và doanh số bán hàng đã tăng nhẹ.
Chắc chắn lợi nhuận đã được cải thiện. Tại Triển lãm Sách Mỹ năm 2022, Morgan Entrekin, người đứng đầu lâu năm của Nhà xuất bản Grove Atlantic, đã chỉ ra áp lực ngày càng tăng đối với các nhà xuất bản, đặc biệt là các nhà xuất bản đại chúng, để mang lại biên lợi nhuận cao hơn.
Ông cho biết: “Trong 46 năm, [các nhà xuất bản sách thương mại] chưa bao giờ chứng kiến mức lợi nhuận này”, đồng thời lưu ý rằng thông thường, biên lợi nhuận trong phạm vi 5% được coi là mức lợi nhuận lành mạnh. Ngày nay, 4 trong số 5 nhà xuất bản thương mại lớn báo cáo kết quả tài chính thường có biên lợi nhuận trên 10%.
Xuất bản truyền thống cũng đã nhường lại lãnh thổ cho các mô hình mới. Ví dụ, tự xuất bản trên nền tảng kỹ thuật số bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 2007 với sự ra mắt của Kindle Direct Publishing (KDP) của Amazon. Theo Bowker, vào năm 2021, số lượng sách tự xuất bản - bao gồm sách điện tử, sách in và sách nói kỹ thuật số - đã tăng lên gần 3 triệu, từ hơn 500.000 vào năm 2011.
Cố nhiên dữ liệu doanh số sách tự xuất bản thì khan hiếm và không đáng tin cậy bằng dữ liệu của ngành xuất bản truyền thống. Amazon gần đây đã tiết lộ rằng trong 10 năm Kindle Unlimited hoạt động, các tác giả KDP đã kiếm được hơn 3,5 tỷ đôla tiền bản quyền, trong đó hơn 650 triệu đô la chỉ trong 12 tháng qua.
Nếu cộng thêm doanh số bán sách in và sách điện tử tự xuất bản của các tác giả KDP cũng như doanh số bán hàng từ những nhân tố khác trong lĩnh vực tự xuất bản, tổng doanh số sách tự xuất bản có thể lên tới hơn 3 tỷ đôla mỗi năm.
Nhưng có bao nhiêu người sẽ nhận rằng mình làm việc trong lĩnh vực tự xuất bản? Quan trọng hơn, họ đóng vai trò gì trong số liệu thống kê của ngành xuất bản? Rất ít tác giả tự xuất bản làm việc toàn thời gian.
Và không thể nào có chuyện Amazon và vô số các công ty tự xuất bản khác (gồm BookBaby, Draft2Digital, IngramSpark và Lulu...), tất cả đều hoạt động tinh gọn, đã thu nhận số lượng lớn việc làm mất đi mà Cục TKLĐ Mỹ báo cáo.
Có nhiều bằng chứng cho rằng các nhà xuất bản sách đạt được "hiệu quả" như hiện nay là nhờ vào đội ngũ nhân viên: ít biên tập viên, nhà thiết kế và nhân viên sản xuất toàn thời gian hơn; nhiều công việc chuyển sang cấp trợ lý hoặc thuê ngoài cho những người làm việc tự do trong và ngoài nước - những lao động này không được tính trong số liệu thống kê của chính phủ về việc làm trong ngành xuất bản.
Giữa mọi thay đổi trong vài thập kỷ qua, thật khó kết luận thống kê của Cục TKLĐ Mỹ có phản ánh đúng bức tranh thị trường việc làm trong ngành xuất bản không. Tuy nhiên, chắc chắn không ai trong ngành phản đối rằng vị thế của họ đang lung lay và cơ cấu việc làm trong ngành xuất bản hẳn nhiên đã thay đổi đáng kể - một xu hướng có khả năng sẽ tiếp tục.