Tính toán của Israel trong việc phát động tấn công quy mô lớn nhằm vào Syria

Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này với lý do họ muốn tránh các vũ khí của chính quyền Assad rơi vào tay những kẻ cực đoan.

Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel. (Nguồn: AFP)

Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzah bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel. (Nguồn: AFP)

Theo bài viết trên trang mạng The New York Times, ngay khi nhận thấy sẽ có sự thay đổi chế độ ở nước láng giềng Syria, Israel đã bắt đầu một chiến dịch không kích quy mô lớn.

Tính đến ngày 10/12, quân đội Israel đã tiến hành ít nhất 350 cuộc không kích phá hủy nhiều trang thiết bị quân sự của Syria, từ tàu chiến, máy bay, xe tăng, hệ thống phòng không, cơ sở sản xuất tên lửa, rocket…

Các quan chức Israel cho biết họ đang phá hủy vũ khí và các cơ sở quân sự để tránh những thứ này rơi vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan khi nhóm nổi dậy dẫn đầu cuộc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad trước đây có liên hệ với Al Qaeda và vẫn bị Mỹ và Liên hợp quốc liệt vào danh sách nhóm khủng bố.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 10/12 tuyên bố: "Chúng tôi không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Syria, nhưng chúng tôi chắc chắn có ý định làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo an ninh của mình."

Ông Netanyahu cũng cho biết Israel muốn xây dựng mối quan hệ với chính phủ Syria mới với một số điều kiện nhất định.

"Nếu chế độ này cho phép Iran tái lập vị thế ở Syria, hoặc cho phép vận chuyển vũ khí của Iran hay bất kỳ vũ khí nào khác cho Hezbollah hoặc tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ và đòi một cái giá đắt," Thủ tướng Israel cảnh báo.

 Một nhà chứa máy bay tại sân bay quân sự Mazzeh gần Damascus bị ném bom ngày 10/12/2024. (Nguồn: AFP)

Một nhà chứa máy bay tại sân bay quân sự Mazzeh gần Damascus bị ném bom ngày 10/12/2024. (Nguồn: AFP)

Chiến dịch của Israel trong hai ngày qua có sức mạnh và quy mô đặc biệt, nhằm đảm bảo rằng bất kỳ ai lên nắm quyền ở Syria đều sẽ bị tước đáng kể sức mạnh quân sự.

Chiến dịch này diễn ra sau nhiều tháng Israel tăng cường không kích Syria, bao gồm cả các kho vũ khí thuộc về Iran và Hezbollah. Nhưng theo các nhà phân tích quân sự, những cuộc ném bom quy mô lớn trong tuần này còn toàn diện và tàn phá năng lực quân sự của Syria hơn nhiều.

Quân đội Israel ước tính đã phá hủy thành công 70-80% năng lực quân sự chiến lược của chính quyền Syria trước đây.

Các mục tiêu bị tấn công bao gồm các sân bay, nhà chứa máy bay, các công trình quân sự, bệ phóng, vị trí bắn, ít nhất 15 tàu hải quân và hàng chục địa điểm sản xuất vũ khí. Các cuộc tấn công nhằm vào Hải quân Syria cũng đã phá hủy hàng chục tên lửa biển đối biển có tầm bắn từ 80 đến 193km.

Các bức ảnh ngày 10/12 cho thấy những chiếc tàu chiến bị chìm tại một xưởng đóng tàu, các tòa nhà đổ nát và tàn tích cháy đen của một trung tâm nghiên cứu khoa học có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của nước này.

 Các tàu chiến của Syria bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel vào cảng Latakia ngày 10/12/2024. (Nguồn: AFP)

Các tàu chiến của Syria bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel vào cảng Latakia ngày 10/12/2024. (Nguồn: AFP)

Miri Eisin, đại tá quân đội Israel nghỉ hưu, người đã theo dõi các cuộc tấn công chia sẻ với Viện Chống khủng bố Quốc tế rằng Israel đang tận dụng thời cơ để làm suy yếu sức mạnh của Syria, điều mà nước này không thể làm trong quá khứ vì nếu làm vậy, Israel sẽ rơi vào một cuộc chiến toàn diện chống lại cả Syria, Hezbollah và Iran.

Bên cạnh chiến dịch không kích Syria, ngày 7/12, thậm chí trước khi Tổng thống al-Assad rời khỏi đất nước, lực lượng Israel đã tiến vào lãnh thổ Syria lần đầu tiên sau 50 năm.

Kể từ đó, họ đã kiểm soát vùng đệm phi quân sự rộng hơn 400km2 ở Cao nguyên Golan, nơi được lực lượng Liên hợp quốc tuần tra kể từ cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973.

Israel đã chiếm Golan trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sáp nhập phần lớn vào năm 1981. Hầu hết thế giới coi khu vực này là lãnh thổ Syria do Israel chiếm đóng, nhưng trong những thập kỷ qua, Israel đã kiên quyết bảo vệ vùng đất này.

Bộ trưởng ngoại giao Israel, Gideon Saar, cho biết cuộc xâm nhập của Israel vào vùng đệm do Liên hợp quốc kiểm soát là "có giới hạn và tạm thời."

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, cho biết lực lượng Israel sẽ “thiết lập một khu vực phòng thủ sạch, không có vũ khí và các mối đe dọa khủng bố ở miền Nam Syria.”

Các cuộc tiến công trên bộ đã tạo ra sự suy đoán lo lắng rằng Israel có thể tiến xa hơn trong việc chiếm giữ lãnh thổ của Syria.

Nadav Shoshani, người phát ngôn của quân đội Israel, xác nhận rằng lực lượng Israel đã di chuyển ra khỏi vùng đệm ở một số khu vực nhưng ông này cho biết đó là do địa hình chứ “không phải là một cuộc tấn công”.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên ngày 10/12, ông Shoshani cho biết lực lượng Israel “không tiến về phía Damascus. Chúng tôi không phải là một bên trong cuộc xung đột này và chúng tôi không có bất kỳ lợi ích nào khác ngoài việc bảo vệ biên giới và an ninh của thường dân.”

Phản ứng của quốc tế

Các cuộc không kích dữ dội vào Syria và việc tiến vào vùng đệm tại Cao nguyên Golan vào thời điểm mong manh đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng quốc tế.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, Geir Pedersen, phát biểu với các phóng viên tại Geneva ngày 10/12: "Điều này cần phải chấm dứt,” đồng thời cho rằng khi các phe phái Syria cố gắng chuyển giao có trật tự sang một chính phủ mới, "điều cực kỳ quan trọng là chúng ta không thấy bất kỳ hành động nào từ bất kỳ bên quốc tế nào phá hủy khả năng diễn ra sự chuyển đổi này ở Syria.”

 Xe quân sự Israel tiến vào vùng đệm giữa Israel và Syria tại Cao nguyên Golan ngày 10/12/2024. (Nguồn: AFP)

Xe quân sự Israel tiến vào vùng đệm giữa Israel và Syria tại Cao nguyên Golan ngày 10/12/2024. (Nguồn: AFP)

Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nói với các phóng viên rằng sự hiện diện của lực lượng Israel trong khu vực đã vi phạm thỏa thuận năm 1974 tạo ra vùng đệm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu ngày 9/12 cho biết thỏa thuận năm 1974 đã sụp đổ vì quân đội Syria bảo vệ một số vùng đệm đã rời bỏ vị trí của họ.

Các quan chức Ai Cập cho biết hành động của Israel "vi phạm luật pháp quốc tế, làm suy yếu sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria và lợi dụng tình hình bất ổn hiện tại để chiếm thêm đất của Syria."

Ai Cập kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "có lập trường cứng rắn chống lại các cuộc tấn công của Israel vào Syria, đảm bảo chủ quyền của nước này đối với tất cả các lãnh thổ của mình"./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tinh-toan-cua-israel-trong-viec-phat-dong-tan-cong-quy-mo-lon-nham-vao-syria-post1001349.vnp
Zalo