Tinh thần Vovinam trong võ đường gia đình

Phía sau ngôi nhà 169 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) là một võ đường. Ở đó, ngày ngày, anh Hoàng Đình Hải (47 tuổi) cùng các con và học trò miệt mài rèn luyện, hun đúc đam mê với môn võ truyền thống của dân tộc-Vovinam.

Nhờ kiên trì tập luyện cùng tố chất mà các con anh Hải và VĐV đều gặt hái thành tích cao tại các giải đấu cấp tỉnh, quốc gia, mang về niềm tự hào cho gia đình, địa phương.

Không có thành công nào dễ dàng

“Trẻ con mà, đứa nào chẳng mê chơi. Ba đứa con tôi cũng vậy, đứa nào cũng phải dắt vào võ đường, chứ nào có tự nguyện. Dần dần, từ thúc ép thành yêu thích, từ miễn cưỡng thành chủ động”-anh Hải mở đầu câu chuyện về hành trình đặc biệt của các con trên con đường võ đạo.

Anh Hải đam mê môn võ dân tộc từ khi còn nhỏ nhưng mãi đến năm 15 tuổi mới có cơ hội theo học. “Là người Việt, tôi chọn võ Việt. Những đường quyền của Vovinam uyển chuyển, linh hoạt mà dứt khoát, ẩn chứa sức mạnh nội lực. Với tôi, Vovinam không đơn thuần là môn võ mà còn khơi dậy tinh thần, niềm tự hào dân tộc”-anh Hải lý giải về việc lựa chọn theo đuổi Vovinam thay vì các môn võ khác.

Hơn 4 năm gắn bó với Vovinam, anh Hải phải tạm dừng vì cuộc sống mưu sinh, dù ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt. Năm 2006, khi kinh tế gia đình dần ổn định, anh trở lại sàn tập, miệt mài rèn luyện và lần lượt chinh phục các cấp đai. “Năm 2014, tôi là người đầu tiên ở Gia Lai thi võ sư”-anh Hải chia sẻ.

Sau đó, anh có 3 năm đảm nhận vai trò huấn luyện viên võ thuật tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh. Đến cuối năm 2009, anh quyết định về huyện Đak Đoa để phát triển phong trào võ thuật tại địa phương, truyền lửa đam mê võ thuật cho các con và nhiều thế hệ học trò trên địa bàn.

Năm 2015, anh đầu tư hơn 100 triệu đồng để biến khoảng sân sau nhà thành “lò luyện võ”. Mỗi ngày, sau giờ học và luyện tập tại câu lạc bộ, anh và các con trở về với sàn tập quen thuộc. Không trông đợi vào sự tự giác từ con trẻ, anh giao bài tập , yêu cầu các con rèn luyện 1,5 đến 2 giờ mỗi ngày. Công việc bận rộn hay đôi lúc cơ thể mệt mỏi, anh vẫn duy trì buổi tập cùng con. Anh hiểu, muốn các con kiên trì, anh phải là người giữ lửa.

“Tôi nhắc nhủ, nếu các con thực hiện không nghiêm thì làm sao cha có thể nghiêm khắc được với học trò. Vậy nên, học trò thực hiện sai, có khi chỉ bị phạt làm lại động tác đó 20 lần, còn với con mình tôi tăng lên 30 lần. Một bài dạy học trò 1 tuần, tôi dạy con trong 1 tháng. Khi dạy, tôi áp dụng giáo án song hành cả quyền pháp và đối kháng. Tôi cho rằng, năng khiếu chỉ là một phần rất nhỏ, khổ luyện mới là con đường dẫn đến thành công”-anh Hải chia sẻ.

 Anh Hải tự hào giới thiệu về các bộ huy chương của 3 người con. Ảnh: P.D

Anh Hải tự hào giới thiệu về các bộ huy chương của 3 người con. Ảnh: P.D

Minh chứng cho hành trình miệt mài luyện tập của anh và các con đó là những giấy chứng nhận và nhiều bộ huy chương các loại ở cấp quốc gia, cấp tỉnh. Anh Hải không khỏi tự hào khi nói về thành tích của các con. Con gái lớn Hoàng Thị Khả Tú (SN 2000) từng giành Huy chương Bạc Vovinam toàn quốc. Con trai Hoàng Ngọc Trọng Nguyên (SN 2002) giành Huy chương Vàng Vovinam toàn quốc năm 2019; hiện là sinh viên năm 4 Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh và là thành viên đội tuyển Vovinam Quân khu 7. Còn cậu út Hoàng Minh Rin (SN 2013) dù nhỏ tuổi nhưng đã mang về Huy chương Vàng Vovinam toàn tỉnh năm 2024 ở hạng cân 32 kg.

“Tỉnh có nhiều đối thủ mạnh nên em phải cố gắng nhiều. Mỗi ngày em đều duy trì tập luyện. Ban ngày bận lịch học thì em chuyển lịch tập vào sáng sớm và chiều muộn. Em không ngừng rèn luyện để đạt kết quả tốt hơn , có cơ hội tham gia các giải đấu lớn hơn ”-Rin nói.

 Các em Minh Rin (bên phải) và Phúc Khang (bên trái) trên sàn tập. Ảnh: P.D

Các em Minh Rin (bên phải) và Phúc Khang (bên trái) trên sàn tập. Ảnh: P.D

Dù các con đều xuất sắc song với anh Hải học võ là hành trình không có giới hạn. Do đó, anh nhắc các con: “Mình có thành tích cao đến đâu thì cũng chỉ là hạt cát giữa sa mạc! Phải không ngừng rèn luyện và cố gắng mỗi ngày”.

Là người thầy, người cha trên sàn tập nhưng anh Hải không hướng các con theo nghiệp võ chuyên sâu mà xem đây là nền tảng cho sức khỏe, ý chí và một nghề tay trái hữu ích. Bản thân anh cũng xem võ thuật là đam mê, là nghề tay trái, còn cơ khí mới là công việc chính mang lại nguồn thu nhập nuôi sống gia đình.

Thắp lửa đam mê Vovinam

Chia sẻ về hành trình lan tỏa tinh thần võ đạo đến với các thế hệ yêu võ dân tộc trên địa bàn huyện, anh Hải bộc bạch: "Cuối năm 2009, tôi mở câu lạc bộ dạy Vovinam tại thị trấn Đak Đoa. Khi ấy, nhiều người còn chưa biết đến môn võ này nên câu lạc bộ chỉ có 7 người học, trong đó có 2 con tôi”.

Tuy vậy chỉ sau 3 tháng thành lập, câu lạc bộ đã có VĐV tự tin tranh tài tại Giải vô địch Vovinam tỉnh được tổ chức tại thị xã An Khê. Cả 4 võ sinh tham gia đều thi đấu xuất sắc, mang về trọn bộ huy chương, gồm: 1 vàng, 1 bạc và 2 đồng. Thành tích ấn tượng ấy đã khiến nhiều câu lạc bộ trong tỉnh không khỏi bất ngờ, khâm phục.

Câu lạc bộ Vovinam của anh Hải duy trì hoạt động vào các chiều thứ 3, 5, 7 hàng tuần tại Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa), thu hút 35 học viên nhiều lứa tuổi. Trong đó, người cao tuổi nhất là ông Trần Văn Thành- 68 tuổi. Cách đây 8 năm, vợ chồng ông Thành đưa con trai đến lớp học võ. Trong lúc ngồi đợi, vợ chồng ông thấy các bài quyền cuốn hút nên quyết định theo học. Và rồi tình yêu với môn võ của dân tộc lớn dần, vợ chồng ông cùng đăng ký theo học.

“Học võ không đơn giản, nhất là với người lớn tuổi. Vì vậy, tôi xác định rõ mục tiêu để không bỏ cuộc. Tôi học để bản thân khỏe hơn, nhanh nhẹn hơn và tinh thần minh mẫn hơn mỗi ngày. Tháng 3-2025, tôi đã thi Hoàng đai (đai vàng) ”-ông Thành phấn khởi cho hay.

Vì võ sinh nhiều lứa tuổi khác nhau nên trong quá trình huấn luyện, anh Hải linh hoạt xây dựng giáo án phù hợp. Với võ sinh lớn tuổi, anh tận tình hướng dẫn các bài quyền nhẹ nhàng, vừa sức, đồng thời tiết chế các động tác mạnh để hạn chế chấn thương.

Dạy võ có thu phí song anh Hải cũng có nguyên tắc riêng: thu học phí theo quý, không thu theo tháng. Bởi anh cho rằng, phần lớn học sinh đến lớp là do cha mẹ định hướng, mong con rèn sức khỏe, tránh xa thiết bị điện tử. Chính vì vậy, việc tạo động lực ban đầu để các em gắn bó với võ thuật cần có chiến lược.

“Nếu chỉ học một tháng, các em mới chỉ làm quen vài động tác cơ bản, chưa đủ thời gian để cảm nhận được cái hay của võ thuật. Thu theo quý, học viên tiếc tiền sẽ cố gắng đi học, khi quen lớp, quen bạn, được thi đấu thể hiện bản thân, các em sẽ mê và học nghiêm túc hơn”-anh Hải chia sẻ.

 Anh Hải (hàng sau, thứ 4 từ phải sang) cùng các võ sinh tham gia giải vô địch Vovinam tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: NVCC

Anh Hải (hàng sau, thứ 4 từ phải sang) cùng các võ sinh tham gia giải vô địch Vovinam tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: NVCC

Nói về việc tạo điều kiện để anh Hải mượn sân trường để dạy võ, thầy Nguyễn Văn Tiến-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ-cho biết: “Nhà trường ủng hộ các hoạt động rèn luyện thể chất, đặc biệt là môn võ dân tộc. Không chỉ hỗ trợ sân tập, nhà trường cũng khuyến khích học sinh tham gia nhằm tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích sau giờ học”. Đáng chú ý, nhờ sự đồng hành của anh Hải, nhiều học sinh của trường đã tham gia các hội thao và giành được thành tích cao ở môn võ Vovinam.

Không chỉ truyền dạy Vovinam tại câu lạc bộ, anh Hải dành thời gian kèm cặp những em có tố chất, giúp nâng cao kỹ thuật, tự tin tranh tài ở các giải đấu. “Trước mỗi giải đấu, các em luyện tập đều đặn trong tuần tại câu lạc bộ và tại nhà riêng. Số lượng không đông nhưng đa số đều có thành tích cao”-anh Hải thông tin.

Tại Giải vô địch Vovinam tỉnh Gia Lai năm 2024, Câu lạc bộ Trường THPT Nguyễn Huệ xếp thứ 2 toàn đoàn với 5 huy chương vàng, 6 huy chương đồng. Em Nguyễn Phúc Khang (Trường THCS Võ Thị Sáu, thị trấn Đak Đoa) hào hứng chia sẻ: “Nếu chuẩn bị thi đấu giải thì ngày nào em cũng tập, còn bình thường thì duy trì 3 buổi/tuần. Tập võ mệt nhưng vui. Lần đầu tham gia có huy chương nên em vui lắm!”.

… Không chỉ là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình, Vovinam còn được anh Hải tận tâm truyền dạy, góp phần lan tỏa tinh thần rèn luyện và ý chí vươn lên trong đông đảo võ sinh trên địa bàn huyện. Với anh Hải, mỗi đòn thế là một bài học về lòng kiên trì, mỗi lần ngã là một cơ hội đứng dậy mạnh mẽ hơn. Với tinh thần “dù chỉ với một võ sinh thì câu lạc bộ vẫn hoạt động”, anh Hải không thôi tiếp lửa, lan tỏa tinh thần võ Việt đến với mọi người.

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tinh-than-vovinam-trong-vo-duong-gia-dinh-post318859.html
Zalo