Tỉnh sáp nhập, một địa phương có thể có nhiều câu lạc bộ bóng đá
Khi sáp nhập nhiều tỉnh, thành phố, sẽ có việc một địa phương có thêm một đến nhiều câu lạc bộ bóng đá (CLB). Vậy Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ xử lý như thế nào khi giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia trong sự biến đổi về mặt địa lý này?

Ảnh minh họa: Xuân Thủy.
Nếu căn cứ theo 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, có rất nhiều CLB ở V-League lẫn Giải hạng nhất có khả năng phải gộp lại làm một. Đầu tiên là CLB TP HCM và B.Bình Dương (cùng V-League), Trẻ TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu (cùng Giải hạng nhất). Tiếp đó là CLB Quy Nhơn Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai (cùng V-League), CLB Quảng Nam và SHB Đà Nẵng (cùng V-League), CLB Trường Tươi Bình Phước và Đồng Nai (cùng Giải hạng nhất), CLB Nam Định (V-League) và Phù Đổng Ninh Bình (Giải hạng nhất). Việc gộp các tỉnh, thành phố là gộp về mặt địa lý nên sẽ có nhiều tên tỉnh hay TP không còn, còn tên thương hiệu của các CLB bóng đá thì vẫn giữ. Đơn giản, tên CLB nó gắn với thương hiệu tài trợ, như Hoàng Anh Gia Lai hay Thép Xanh Nam Định. Điều này đã được lãnh đạo Cục TDTT, VFF và VPF khẳng định.
Cục Thể dục thể thao cho rằng việc sáp nhập sẽ tác động không nhiều đến các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục TDTT cho biết: “Ngành thể thao của các địa phương chắc chắn phải sáp nhập theo cơ cấu hành chính mới. Còn bóng đá chuyên nghiệp thì không bị ảnh hưởng, bởi một địa phương có thể có nhiều CLB”. Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cũng khẳng định việc một địa phương có 2 - 3 CLB chuyên nghiệp là bình thường: “VFF sẽ chủ động nắm bắt tình hình để chủ động phương án xử lý trong trường hợp có vấn đề phát sinh”.
Ở Thủ đô, từ trước đến nay đã có nhiều CLB hoạt động như Thể Công, Công an Hà Nội, Hà Nội FC. Các đội bóng đều có sân chơi riêng, cổ động viên riêng và mỗi trận “derby thủ đô” đều rất máu lửa. Về chuyện liệu có sáp nhập CLB giữa 2 địa phương, đại diện tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Vấn đề quan trọng là mỗi CLB có kế hoạch phát triển bền vững hay không, chứ không lệ thuộc vào việc sáp nhập địa phương. CLB TP HCM và B.Bình Dương đều hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, chi phí của doanh nghiệp, không dùng ngân sách nhà nước”. Tương tự, đại diện của TP HCM nói: “Bóng đá hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần, nên TP HCM càng có nhiều đội bóng càng tốt”.
Nếu có chuyển biến trong ngành thể thao thì sẽ có chuyển biến các Trung tâm huấn luyện thể thao trực thuộc Sở VH,TT&DL. Đây là những VĐV được đào tạo theo ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Hồng Minh cũng cho rằng: “Các trung tâm đào tạo trẻ, huấn luyện thể dục thể thao sẽ phải xem xét lại, không loại trừ khả năng tái sắp xếp. Các giải quốc gia, Đại hội TDTT toàn quốc theo đơn vị hành chính mới”.