'Tỉnh rộng - Xã to': Bài cuối - Phải chọn được người đủ tài đức lãnh đạo

Sau khi bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã, sẽ tạo ra những xã có quy mô lớn gấp nhiều lần cả về địa giới hành chính và quy mô dân số, kinh tế xã hội, việc này đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo đứng đầu cơ quan hành chính địa phương cũng phải thay đổi để phù hợp với các yêu cầu thực tiễn.

 "Tỉnh rộng - Xã to" sau sáp nhập cần phải chọn được người đủ tài - đức lãnh đạo. Ảnh minh họa

"Tỉnh rộng - Xã to" sau sáp nhập cần phải chọn được người đủ tài - đức lãnh đạo. Ảnh minh họa

Tinh gọn bộ máy phải đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân

Sát nhập, đồng nghĩa cán bộ sẽ quản lý địa bàn rộng lớn hơn, vậy yêu cầu về trình độ của cán bộ cũng cần phải cao hơn. Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng, quyền lớn thì trách nhiệm cũng lớn và trình độ phải cao hơn rất nhiều. Khi sát nhập, chắc chắn khó khăn là không tránh khỏi. Vậy nên chăng sẽ thí điểm, sau đó lấy ý kiến của dân.

"Trong chỉ đạo của Trung ương, tôi đề nghị cần lựa chọn người đứng đầu tỉnh thành, kể cả cấp xã sau khi sáp nhập phải có bản lĩnh chính trị, vững vàng, năng lực nổi bật, đổi mới... Đồng thời có đạo đức trong sáng, không vì "tỉnh anh, tỉnh tôi".

Cùng với người đứng đầu, đội ngũ cán bộ của tỉnh mới cũng phải được chọn là tiêu biểu cho sự đoàn kết nhất trí của tỉnh mới thành lập, tránh tình trạng "quân anh, quân tôi", mà tất cả phải vì nước, vì dân. Khi chọn được đúng cán bộ sẽ tạo được sự đồng thuận, đồng tâm, nhất trí, đoàn kết trong tỉnh mới để phát triển", ông Nguyễn Túc nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Túc cho rằng, việc sáp nhập phải đảm bảo bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả chứ không phải chỉ đạt được mục tiêu tinh gọn

Ông Nguyễn Túc cho rằng, việc sáp nhập phải đảm bảo bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả chứ không phải chỉ đạt được mục tiêu tinh gọn

Ông Nguyễn Túc cũng nói rằng, vấn đề chống tham nhũng khi sáp nhập cần được lưu tâm, đừng để sát nhập là cơ hội "đục nước béo cò" cho bất cứ ai. Giải quyết bài toán trụ sở sau sát nhập thế nào, chi tiêu tài chính ra sao phải minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh đẩy mạnh chống lãng phí, chống tham ô thì phải thực hiện song song công tác giám sát.

Sáp nhập cũng đồng nghĩa ảnh hưởng đến vấn đề con người, vấn đề dân sinh, đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến quyền, lợi ích của mỗi cá nhân nên đặt ra thách thức lớn về vấn đề nhân sự, tác động không nhỏ đến tâm tư nguyện vọng của nhiều người.

Ví dụ, nếu sáp nhập 3 tỉnh sẽ đặt ra vấn đề ai làm Bí thư, Chủ tịch tỉnh, vì chọn nhân sự không đơn giản. Theo đó, cần tổng kết những bài học, kinh nghiệm từ những lần sáp nhập trước, cần thiết có thể làm thí điểm. Việc sáp nhập phải đảm bảo bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả chứ không phải chỉ đạt được mục tiêu tinh gọn.

"Vừa rồi tôi cũng suy nghĩ về việc nhiều cán bộ xin về sớm, được nhận hỗ trợ một khoản tiền khá lớn. Có thể xảy ra trường hợp người có năng lực lại xin nghỉ, người không có năng lực thì ở lại, chuyện đấy rất nguy hiểm. Vì thực tế nhiều người có tài, giỏi, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân. Họ được các doanh nghiệp mời về, thế là xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Tinh giảm là cần thiết, nhưng phải giữ chân được người tài", ông Nguyễn Túc nói.

Việc chọn ai là người lãnh đạo sau khi sáp nhập, ông Nguyễn Túc cho rằng phải rất thận trọng. Ví dụ 3 tỉnh sáp nhập làm 1 thì đồng chí nào là cán bộ chủ chốt? Chúng ta đã có kinh nghiệm sáp nhập tỉnh trước đây, quan trọng nhất là phải thực hiện sao cho được sự đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh, có dân là có tất cả. Nên việc lựa chọn đồng chí lãnh đạo cũng phải rất thận trọng, dựa vào lòng dân.

Sáp nhập tỉnh, thành, tinh gọn bộ máy phải đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Với việc sáp nhập tỉnh lần này phải làm sao để mặt lợi, mặt ưu việt của việc tinh gọn bộ máy mang lại hiệu quả, hiệu lực thực sự cho dân... Phải tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu ý thức rõ ý nghĩa rất lớn của việc sáp nhập này.

Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Khóa XV, cũng chia sẻ: Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phường tạo ra những địa bàn quản lý rộng hơn, dân số đông hơn, và yêu cầu phức tạp hơn về kinh tế-xã hội. Điều này đòi hỏi cần có khung năng lực mới cho cán bộ lãnh đạo đơn vị hành chính mới như kỹ năng lãnh đạo chiến lược (Khả năng hoạch định tầm nhìn dài hạn, quản lý đa nhiệm, và điều phối các nguồn lực trên quy mô lớn, Kỹ năng phân quyền, giám sát hiệu quả các đơn vị nhỏ hơn để tránh tình trạng "nghẽn cổ chai" trong quyết sách).

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Khóa XV

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Khóa XV

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Nhà nước cần điều chỉnh chế độ đãi ngộ phù hợp với trách nhiệm và quy mô công việc tăng lên, đảm bảo cạnh tranh để thu hút người tài, cũng như bổ sung phúc lợi như hỗ trợ đào tạo, bảo hiểm y tế tốt hơn, hoặc chính sách nhà ở cho cán bộ công tác ở vùng khó khăn. Đồng thời có những chương trình đào tạo chuyên sâu tập trung vào quản trị công hiện đại, kỹ năng số, và quản lý dự án cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới.

"Tôi cho rằng, việc sáp nhập hành chính chỉ thành công khi đi kèm cải cách năng lực cán bộ và hệ thống đãi ngộ công bằng. Nếu không, nguy cơ quá tải, tham nhũng, hoặc làm việc cầm chừng từ cán bộ là rất cao. Chúng ta cần xem đây là cơ hội để xây dựng bộ máy công quyền hiện đại, linh hoạt, và gần dân hơn", ông Sơn cho hay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, sau sáp nhập đòi hỏi một số kỹ năng quan trọng phải được nâng tầm ở người quản lý

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, sau sáp nhập đòi hỏi một số kỹ năng quan trọng phải được nâng tầm ở người quản lý

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sau sáp nhập thành đơn vị xã to hơn, khi đó Chủ tịch UBND xã không chỉ làm việc với vài thôn mà có thể điều hành cả chục đơn vị dân cư, với quy mô dân số lên tới hàng vạn người. Điều này đòi hỏi một số kỹ năng quan trọng phải được nâng tầm ở người quản lý.

Chẳng hạn như về năng lực quản lý tài chính - ngân sách cũng là vấn đề cần được chú trọng. Khi quy mô xã mở rộng, nguồn lực tăng lên, nếu người đứng đầu không có tư duy chiến lược và khả năng điều phối hiệu quả, sẽ dễ dẫn đến lãng phí hoặc thất thoát.

Ngoài ra, cũng cần đến cả năng lực ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết. Chủ tịch xã không thể chỉ làm việc trên giấy tờ mà phải làm quen với dữ liệu số, hệ thống thông tin quản lý, phần mềm một cửa điện tử… Đây là năng lực không thể thiếu trong mô hình quản trị hiện đại.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, nếu chỉ sáp nhập địa giới hành chính mà không cải cách phương thức quản trị thì sự thay đổi sẽ không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Khi quy mô mở rộng, nhưng cách làm vẫn như cũ, bộ máy sẽ bị quá tải, người dân sẽ khó tiếp cận dịch vụ công, và hiệu lực, hiệu quả quản lý sẽ suy giảm.

Đặc biệt, nguy cơ "huyện biến mất nhưng bộ máy huyện vẫn tồn tại ngầm" là một vấn đề rất đáng lưu tâm. Nếu chúng ta không thay đổi về cách phân quyền, cách tổ chức công việc và cơ chế kiểm soát, thì bộ máy cũ sẽ tự điều chỉnh để tồn tại như cũ - chỉ là "chuyển hình mà không chuyển hồn". Do đó phải có một cuộc cách mạng về quản trị, với ít nhất ba trụ cột cải cách lớn.

Thứ nhất là tư duy quản trị số. Cách làm cũ dựa vào giấy tờ, xử lý thủ công, qua nhiều cấp trung gian không còn phù hợp. Chúng ta phải xây dựng chính quyền số, nơi dữ liệu được kết nối xuyên suốt, người dân có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cán bộ có thể điều hành bằng hệ thống số hóa. Quản trị số không chỉ giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí mà còn giảm trung gian, minh bạch hóa quy trình và nâng cao hiệu quả phục vụ.

Xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả phục vụ là điều kiện tiên quyết khi sáp nhập địa giới hành chính

Xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả phục vụ là điều kiện tiên quyết khi sáp nhập địa giới hành chính

Thứ 2 là cần phải phân quyền theo vùng. Từ cấp trung gian sang cơ chế điều phối linh hoạt. Trong mô hình mới, có thể giảm vai trò của cấp huyện theo nghĩa hành chính, nhưng không thể bỏ trống khoảng trống quản trị. Thay vì giữ bộ máy huyện như cũ, nên chuyển sang mô hình điều phối vùng - theo lĩnh vực hoặc địa lý - với cơ chế linh hoạt, gọn nhẹ.

Ví dụ, giáo dục, y tế, quy hoạch xây dựng, giao thông… nên tổ chức theo cụm xã hoặc vùng chức năng, do một đầu mối chuyên môn phụ trách, có thẩm quyền và chịu trách nhiệm rõ ràng.

Thứ 3 là cần phải cải cách chế độ công vụ. Từ "biên chế trọn đời" sang "hợp đồng linh hoạt". Một mô hình quản trị hiệu quả đòi hỏi đội ngũ công chức có năng lực, đổi mới, trách nhiệm. Để làm được điều đó, không thể giữ mãi tư duy "biên chế suốt đời".

Cần chuyển dần sang cơ chế hợp đồng có thời hạn, có đánh giá kết quả thực chất, có sàng lọc cạnh tranh. Đồng thời, phải có cơ chế đãi ngộ tương xứng với vị trí, khối lượng và yêu cầu công việc. Người giỏi phải có cơ hội thăng tiến và thu nhập xứng đáng, kể cả ở cấp xã, cấp vùng.

Nhóm PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tinh-rong-xa-to-bai-2-phai-chon-duoc-nguoi-du-tai-duc-lanh-dao-20250402144220037.htm
Zalo