Tình quê chan chứa trong sắc màu thổ cẩm

Quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng được ví như 'viên ngọc xanh' nơi núi rừng Đông Bắc, nổi tiếng với truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng, nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Mỗi nghề truyền thống đều gắn với nét đặc trưng về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng hay phong tục riêng của mỗi địa phương, trong đó có những họa tiết đầy sắc màu của làng nghề thổ cẩm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng.

Ngôi làng Luống Nọi bình yên với mái ngói âm dương dưới những dãy núi trập trùng xanh ngát.

Thổ cẩm là sản phẩm được dệt thủ công không thể thiếu trong đời sống của người dân tộc Tày. Với những hoa văn, họa tiết đầy màu sắc, thổ cẩm trở thành một nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi có truyền thống lâu đời hơn 500 năm. Chính từ ngôi làng này, biết bao sản phẩm thổ cẩm đã “ra đời” và chứa đựng trong mỗi tấm thổ cẩm ấy là hồn cốt văn hóa, là bao ký ức về quê hương. Làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi cũng chính là quê ngoại của tôi - nơi gắn bó và ghi đậm dấu ấn suốt một thời tuổi thơ tươi đẹp.

Ngày đó, mái ngói đỏ tươi chưa phủ kín ngôi làng nhỏ. Bên dưới những dãy núi trập trùng ngát xanh là những mái ngói cổ xưa đượm màu hoài cổ của một thời đã đi vào quá khứ. Phía xa là những rặng tre khẽ rì rào vẫy gọi trong cơn gió thoang thoảng khói lam chiều. Tiếng nhạc bình yên nơi quê ngoại đã in sâu trong tâm hồn, những loài hoa nhuộm đầy sắc hương đã tự nở rộ nơi trái tim của trẻ thơ ngày ấy... Tôi tò mò khi trước mắt là vô vàn màu sắc rực rỡ, những khung cửi ấy sao mà cao, những cái “vòng tròn” ấy sao lại cứ quay quay theo sự điều khiển của người lớn... Rồi cả những hoa văn đầy màu sắc trên những tấm vải, vừa lạ mà vừa đẹp... Theo năm tháng, lớn dần lên trong tình yêu thương của gia đình, trong cả những lời kể của bà, những lời gợi nhắc về “truyền thống” trong giọng điệu đầy tự hào của mẹ. Càng lớn, tôi càng có cảm nhận và hiểu rõ hơn về tấm vải thổ cẩm quê hương. Mẫu thổ cẩm của đồng bào Tày có hơn 20 loại hoa văn, họa tiết khác nhau như: hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai và các loại hoa lạ trong rừng chỉ có ở miền núi (bjoóc chắm, bjoóc kíp, bjoóc tròn, bjoóc pắt...). Một số muông thú hươu, nai, ngựa, chim, bướm... được thể hiện trên hoa văn thổ cẩm của người Tày.

Kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày bao gồm các công đoạn quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi là sự kết hợp hài hòa giữa hoa văn, màu sắc và đường nét. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý khéo léo trên nền chủ đạo là màu trắng đục, tạo nên bản sắc riêng, độc đáo chỉ có ở nơi đây. Từ các màu chủ đạo xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen, người Tày đã pha chế các gam màu đậm, nhạt, hay tương phản phù hợp theo ý tưởng cho từng sản phẩm, không bị gò bó trong một quy thức nhất định. Cách phối màu ấy cũng chính là thứ tạo nên bản sắc riêng của văn hóa truyền thống người Tày mà không thể nhầm lẫn với hoa văn của các dân tộc khác.

Tấm vải thổ cẩm với nhiều màu sắc, hoa văn, họa tiết đẹp mắt.

Nét độc đáo trong dệt thổ cẩm của người Tày ở Cao Bằng là các hoa văn được tạo mặt trái của tấm thổ cẩm. Công cụ máy móc để dệt ra sản phẩm là khung cửi, con thoi bằng gỗ và que tre vô cùng thô sơ. Khi tạo hoa văn, tất cả mọi lập trình đã có trong bộ óc của người nghệ nhân, họ nghĩ ra như nào sẽ dệt ra sản phẩm như vậy, không có mẫu sẵn. Khi người dệt giăng những que tre trên khung cửi là đã lập trình sẵn sẽ đưa sợi vải nào vào và con thoi đưa qua, đưa lại. Mỗi lần giăng chỉ tạo được một hoa văn. khi muốn tạo hoa văn khác phải lập trình lại từ đầu. Những hoa văn, họa tiết thổ cẩm ấy là hình ảnh của chiếc địu bà và mẹ thường hay dùng. Chiếc địu yêu thương mà mẹ tảo tần địu tôi những tháng ngày bố vắng nhà đóng quân ở một nơi xa; chiếc địu mà bà làm “người mẹ” lần thứ hai để đỡ đần địu cháu. Đó là chiếc địu nâng đỡ giấc mơ của những ngày thơ bé, của biết bao đứa trẻ miền non nước Cao Bằng. Là tình yêu gắn bó, niềm tự hào, khát vọng viết tiếp sự đa dạng của những nghệ nhân dệt thổ cẩm.

Tuy quá trình tạo ra một tấm vải thổ cẩm không hề dễ dàng, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự tỉ mỉ của những bàn tay khéo léo, nhưng những tấm thổ cẩm được dệt nên, tỏa sáng vẻ đẹp của riêng nó; vải thổ cẩm được dùng để may địu, may túi, tấm trang trí lọ hoa... Ngoài ra, ở Luống Nọi người ta còn dệt ra những chiếc khăn quàng cổ, ga trải giường.

Khung cửi truyền thống dệt thổ cẩm.

Hiện nay, tại Luống Nọi, nghệ nhân Nông Thị Thược với 48 năm trong nghề là người dệt thổ cẩm dân tộc Tày đầu tiên ở Cao Bằng được phong tặng nghệ nhân làng nghề truyền thống. Gia đình bà được công nhận là thành viên đối tác của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Năm 2016, được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”; danh hiệu “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu Việt Nam” năm 2018. Mới đây nhất, vào đầu năm 2024, làng nghề Luống Nọi đã đón nhận Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề thủ công truyền thống “Nghề dệt thổ cẩm của người Tày xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng”.

Ngày nay, những sản phẩm thổ cẩm của làng nghề Luống Nọi được quảng bá trong và ngoài nước. Với những màu sắc rực rỡ, hoa văn đẹp mắt và hơn hết, nó chứa đựng hồn quê và tâm huyết của những nghệ nhân; là niềm tự hào của quê hương non nước Cao Bằng.

TK (Theobaocaobang.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tinh-que-chan-chua-trong-sac-mau-tho-cam-225795.htm
Zalo