Tình nguyện cống hiến cho xã hội

Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng vừa vinh dự nhận Kỷ niệm chương 'Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lâm Đồng' nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Lâm Đồng (3/4/1975 - 3/4/2025) và ông cũng mới được vinh danh Nhà bảo trợ tiêu biểu toàn quốc.

Ông Lực nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được Trung ương tuyên dương Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng

Ông Lực nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được Trung ương tuyên dương Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng

Với trách nhiệm là người đứng đầu Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng, ông Lực đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nhà hảo tâm, gặp nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế, vận động được tổng số tiền và hiện vật trị giá 830 tỷ đồng, cứu sống 1.675 trẻ em và bệnh nhân nghèo ở Lâm Đồng và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh bạn bị bệnh tim bẩm sinh; 25.727 người cao tuổi được phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo miễn phí; 7.000 xe lăn, xe lắc, xe bại não được trao cho người khuyết tật và bệnh nhân bị tai biến, bại liệt; 593 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch, mảng hắc tố, trẻ bị dị tật do bỏng được các bác sĩ quốc tế phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật thẩm mỹ; 1.700 máy trợ thính đã được trao cho học sinh khiếm thính và những người già kém thính lực; 10.820 thẻ Bảo hiểm y tế được tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn; 239 ngôi nhà tình thương được xây dựng, nhiều gia đình được hỗ trợ từ 200 triệu đồng đến 820 triệu đồng để chữa bệnh, xây sửa nhà, mua công cụ sản xuất và nuôi con ăn học.

Nhiều chương trình nhân đạo được Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng triển khai đã trợ giúp cho gần 900 ngàn lượt người trong và ngoài tỉnh có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn vận động của ông Lực. Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, cá nhân ông Lực đã dành toàn bộ lương hưu trong 6 tháng, cùng tiền một năm cho thuê mặt bằng tại nhà và vận động các con trong gia đình đóng góp tổng số tiền gần 500 triệu đồng để tặng 603 phần quà, mỗi phần trị giá 800.000 đồng, giúp cho 603 hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật và bệnh nhân nghèo tại Đà Lạt. Ngoài ra, hàng tháng, gia đình ông Lực đã dành trọn tiền cho thuê mặt bằng tại nơi ở, dành lương hưu và vận động các con đóng góp để chăm lo cho 54 người già neo đơn, mỗi cụ được hỗ trợ một triệu đồng một tháng gồm gạo, nhu yếu phẩm và tiền mặt; việc này được ông Lực duy trì suốt 14 năm qua.

Trong các năm miền Trung và vùng Tây Bắc bị thiên tai, lũ lụt, ông Lực đã kêu gọi hội viên đóng góp để đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ và Thái Nguyên để trợ vốn khôi phục sản xuất cho 2.390 gia đình bị thiệt hại nặng, mỗi gia đình từ 2 - 25 triệu đồng.

Sứ mệnh của Hội Bảo trợ là cứu trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, là mổ mắt mang lại ánh sáng cho người cao tuổi, là hỗ trợ nuôi dạy trẻ mồ côi và giúp những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Xin thành lập Hội là để góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách tỉnh trên lĩnh vực an sinh xã hội, không phải lập Hội để xin tỉnh cấp kinh phí làm nhân đạo. Ông Nguyễn Văn Lực

Ông Lực cùng hội viên và các nhà hảo tâm trao tài trợ cho một gia đình khó khăn có 2 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (ở Phường 8 - TP Đà Lạt) với tổng trị giá hơn 800 triệu đồng từ Chương trình Khát vọng sống

Ông Lực cùng hội viên và các nhà hảo tâm trao tài trợ cho một gia đình khó khăn có 2 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (ở Phường 8 - TP Đà Lạt) với tổng trị giá hơn 800 triệu đồng từ Chương trình Khát vọng sống

Ông Lực cho biết: “Những việc tôi cũng như các hội viên đã làm không chỉ là việc nhân đạo - từ thiện mà đó chính là nghĩa vụ công dân chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương thực hiện quyền được sống của người bệnh hiểm nghèo, quyền được nhìn của người cao tuổi, quyền được nghe của người khiếm thính, quyền hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật và quyền được đến trường của trẻ mồ côi và trẻ em nghèo theo các công ước của Liên hiệp quốc mà Nhà nước chúng ta đã ký kết. Khi tiếp xúc với các nhà tài trợ, tôi đã kêu gọi các tổ chức nhân ái chung tay, nhờ vậy hoạt động của Hội ngày càng mở rộng. Từ 5 chương trình nhân đạo trong năm đầu thành lập, đến nay đã có 17 chương trình nhân đạo từ thiện được Hội triển khai hiệu quả, góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách của địa phương trong việc chăm lo cho những người yếu thế”.

17 tổ chức quốc tế và hơn 100 nhà tài trợ trong nước đã gắn bó và đồng hành cùng Hội trong các hoạt động thắm đậm tính nhân văn trong suốt những năm qua từ sự kết nối và cách làm của ông Lực. Cũng chính từ các hoạt động hiệu quả, ông Lực đã truyền cảm hứng đến nhiều tấm lòng nhân ái, thu hút thêm nhiều người tham gia Hội, từ 70 hội viên sáng lập, đến nay đã có 1.671 hội viên, trong đó 70% là cán bộ hưu trí, là các giám đốc công ty, chủ các khách sạn và người đứng đầu các doanh nghiệp cùng nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Bản thân ông Lực là tấm gương sáng về nghị lực phi thường trong hình hài mang đầy thương tích sau 7 lần đại phẫu với những nỗi đau trong cơ thể tưởng như không dứt. Nhưng mỗi khi nghĩ đến sự hồi sinh của những người bệnh hiểm nghèo, đôi mắt của các cụ già đã nhìn rõ sau khi thay thủy tinh thể, các cháu học sinh, sinh viên mồ côi đủ tiền trang trải chi phí cho năm học mới, những gia đình đặc biệt khó khăn có sổ tiết kiệm từ nguồn mà ông vận động được, đó chính là dòng suối trong mát xoa dịu những vết thương trên cơ thể mình. Có lần, trở về sau khi đi bàn giao nhà tình thương cho người nghèo ở vùng xa, trái thận ghép trong người ông bị chảy máu, phải nhập viện cấp cứu. Sau ca mổ kéo dài 7 tiếng đồng hồ, các bác sĩ nói với ông rằng: “Anh chỉ sống 3 tháng nữa thôi”. Nhưng với trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Hội, khi xuất viện, ông vẫn làm việc 30 ngày một tháng, vẫn đưa các cháu bé đi phẫu thuật tim, vẫn đứng suốt ngày trong phòng phẫu thuật mắt, bởi ông phải chạy đua với thời gian để giúp người.

Ông Lực góp phần chăm lo cho hàng chục người già neo đơn trong suốt 14 năm qua

Ông Lực góp phần chăm lo cho hàng chục người già neo đơn trong suốt 14 năm qua

Ông Lực chia sẻ: “Tôi đã trải qua đủ những nỗi đau để biết yêu quý những niềm vui nhỏ nhất, đã quá đủ những lần thập tử nhất sinh để biết yêu quý những gì còn lại trên thân thể mình. Vì thế, điều mà tôi sợ nhất là sức khỏe suy giảm khi mình đã bước vào tuổi 71, sợ tuổi cao sức yếu không gánh vác được trọng trách mà lãnh đạo tỉnh và anh chị em hội viên giao phó, không lo được cho những cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh, không giúp được các cháu bé mồ côi và những người mắc bệnh hiểm nghèo. Bệnh tật của tôi không phải là yếu tố thu hút tài trợ, nhưng khi biết người mang bệnh hiểm nghèo như tôi đã dành hết sức lực để những trẻ em dị tật bẩm sinh được phẫu thuật, những người cơ khổ được hỗ trợ sinh kế, các gia đình nghèo có được mái ấm tình thương thì nguồn tài trợ lại dồi dào hơn, số bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Lâm Đồng được trợ giúp cũng nhiều hơn. Và tôi đã thấy được lối đi mà mình đã chọn nên không chỉ sống 3 tháng mà tôi đã sống suốt 14 năm qua sau lần cận kề bên làn ranh sinh tử. Xung quanh tôi còn nhiều trẻ em bị tim bẩm sinh và nhiều người bệnh hiểm nghèo đang cần trợ giúp, còn rất nhiều trẻ mồ côi và trẻ sơ sinh bị bỏ rơi cần những giọt sữa thấm đậm tình người. Có lẽ vì những mảnh đời ấy mà tôi khát khao sống và tôi đang sống những ngày đẹp nhất trong cuộc đời này”.

DIỆU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/tinh-nguyen-cong-hien-cho-xa-hoi-0f0144a/
Zalo