Tình người giữa phố thị

Mùa Thu tháng Tám, tiết trời Hà Nội thoắt nắng thoắt mưa. Màu nắng không còn đậm như những ngày đầu Hạ mà oi nồng, hanh hao. Trên con đường lúc nắng rát lúc mưa dầm, những mảnh đời lao động nghèo vần vũ với công việc mưu sinh thường ngày...

 Chủ quán phở “treo” Nguyễn Thị Cát Lệ tận tình phục vụ những suất ăn đặc biệt dành cho khách hàng đặc biệt. Ảnh: Mộc Miên

Chủ quán phở “treo” Nguyễn Thị Cát Lệ tận tình phục vụ những suất ăn đặc biệt dành cho khách hàng đặc biệt. Ảnh: Mộc Miên

Trong chiếc sạp gỗ nhỏ, treo lỉnh kỉnh các loại đồ vật móc chìa khóa, dây cột tóc, bấm móng tay, bật lửa… vóc dáng lam lũ, nước da sạm đen vì nắng gió, bà Lê Thị Thành (quê Thanh Hóa) nay đã 73 tuổi ngồi thở mệt bên góc phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tầm trưa muộn, cái nắng, cái đói, cái khát, cái mệt đủ khiến nỗi lòng mảnh đời khó khăn thêm phần cơ cực.

Giữa góc phố ồn ào, một lời chào thân tình, quen thuộc vang lên của chị chủ quán phở “treo” trên phố Bảo Khánh: “Mời cô vào quán ăn, hôm nay có nhiều suất phở “treo” của khách trao tặng”. Vốn dĩ trước đây, bà Lê Thị Thành cùng với những người bán hàng rong trên phố từng nhận những suất cơm nhân ái tại quán ăn này. Hiện nay, chị Nguyễn Thị Cát Lệ là chủ quán ăn. Quán bán bánh cuốn nóng nổi tiếng được trao truyền qua ba thế hệ. Trước đó, quán thường xuyên nấu suất cơm nhân ái tặng những người lao động nghèo, người cao tuổi, người tàn tật, trẻ nhỏ… Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hàng quán đóng cửa nhưng phía bên trong quán ăn vẫn đỏ lửa để nấu hàng trăm suất cơm nhân ái. Gần đây, quán ăn mở thêm mô hình phở “treo”. Ban đầu, những người như bà Lê Thị Thành rất ái ngại vì không tin được ăn phở miễn phí. Sau khi được người chủ quán giải thích cặn kẽ về mô hình hoạt động phở “treo” nghĩa là những thực khách ăn trước rồi mua một hay nhiều phần ăn để dành ở đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng chi trả cho một bữa ăn tử tế, bà Lê Thị Thành cùng với những người bán hàng rong mới dám mở lòng đón nhận.

Bữa trưa muộn nhưng thật ấm lòng người, bà Lê Thị Thành không phải ăn gói xôi nguội ngắt hay suất cơm bụi, bà được thưởng thức món phở Hà Nội và đón nhận sự tử tế của những người con đất Hà thành. Phố thị tấp nập dòng người ngược xuôi, mỗi ngày trên phố lại có thêm nhiều câu chuyện đầy tình người như thế. Từ những suất phở “treo”, hộp cơm nhân ái, cuộc sống mưu sinh của bác đạp xích-lô già, cô lao công có hoàn cảnh khó khăn, cô nhặt ve chai, các cháu nhỏ đánh giày đường phố sẽ vơi bớt phần gánh nặng. Bát phở bình dị thấm đẫm tình người đã lan tỏa lòng nhân ái đến gần hơn với cộng đồng. Với nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa, tinh thần sẻ chia của thực khách ngày một nhiều lên, đồng nghĩa với các suất phở “treo” đều đặn hơn mỗi ngày để nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn đều được đón nhận sự tử tế từ những điều giản dị.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tinh-nguoi-giua-pho-thi-391974.html
Zalo