Tỉnh Lâm Đồng phê bình các địa phương chậm đấu giá khoáng sản

Ngày 17/2, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục, tổ chức đấu giá khối lượng cát, sạn, sỏi (khoáng sản làm vật liệu xây dựng) đã thu hồi, tận thu từ hoạt động nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi trong nhiều năm qua.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng phê bình Chủ tịch UBND các huyện chậm hoàn tất các thủ tục để đưa khoáng sản ra đấu giá, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nguồn thu của Nhà nước và đẩy giá vật liệu xây dựng lên cao trong thời gian qua.

Hiện tại, chỉ có huyện Lạc Dương và Di Linh là hoàn tất các thủ tục để đưa 24.322m3 cát sỏi ra đấu giá. Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cũng đã thẩm định trình phê duyệt giá khởi điểm và phương án đấu giá khoáng sản của hai địa phương này.

Cát sỏi có được từ nạo vét lòng hồ ở Lâm Đồng đắp thành đống lớn vì vướng thủ tục đấu giá.

Cát sỏi có được từ nạo vét lòng hồ ở Lâm Đồng đắp thành đống lớn vì vướng thủ tục đấu giá.

Tỉnh Lâm Đồng đang có 19 giấy phép khai thác, tận thu khoáng sản làm vật liệu xây dựng hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện đang còn hiệu lực (2 giấy phép do Bộ Công Thương cấp, 17 giấy phép do UBND tỉnh cấp). Suốt 3 năm qua, toàn bộ cát sỏi tận thu từ việc nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi không thể bán được do vướng mắc nhiều quy định liên quan. Theo quy định, nguồn cát sỏi có được từ hoạt động tận thu do nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi phải được thẩm định, lập hồ sơ để đấu giá.

Vướng mắc lớn nhất là việc tính toán, xác định khối lượng cát sỏi tận thu, giá khởi điểm để đấu giá chưa có quy định cụ thể, chưa có hướng dẫn chi tiết việc xác định chi phí nạo vét và hoàn trả chi phí này cho doanh nghiệp sau đấu giá... Do không thể thực hiện việc đấu giá khoáng sản, hàng trăm nghìn mét khối cát sỏi tận thu từ việc nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi tại Lâm Đồng "chết đứng", đẩy doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất, không còn chi phí để vận hành và tái sản xuất. Cát sỏi nạo vét lên đắp đống như núi, mưa lớn lại trôi xuống lòng hồ, gây lãng phí, ảnh hưởng tới nguồn thu của Nhà nước và tiền bạc của doanh nghiệp.

Trong đó, phần lớn cát sỏi phục vụ các công trình đầu tư công và tư nhân tại Lâm Đồng lại phải chuyển từ tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Bình Thuận lên với quãng đường cả trăm cây số. Điều này giá vật liệu xây dựng tại TP Đà Lạt và một số địa phương khác của tỉnh Lâm Đồng tăng vọt, cao gấp hai tới ba lần so với các tỉnh lân cận. Sự khan hiếm vật liệu xây dựng cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ các dự án đầu tư công và nguồn vốn đầu tư. Nhiều công trình buộc phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm dừng thi công vì không tìm được nguồn đất đắp, cát sỏi san lấp mặt bằng.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà và Đơn Dương nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tổ chức đấu giá khối lượng cát sỏi đã được thu hồi, tận thu trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. UBND tỉnh Lâm Đồng giao các địa phương phải hoàn thành hồ sơ trong tháng 2/2025.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/tinh-lam-dong-phe-binh-cac-dia-phuong-cham-dau-gia-khoang-san-i759401/
Zalo