Tĩnh không 7m: Bước ngoặt giao thông thủy trên dòng Sài Gòn

TP HCM khởi công nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1, mở lối thông suốt tuyến đường thủy chiến lược, giảm áp lực giao thông đường bộ.

Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Binh Phước 1 là 2 dự án quan trọng nhằm đồng bộ hóa tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn, đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông đường thủy và kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng Giao thông đường bộ - chủ đầu tư dự án nâng tĩnh không 2 cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng Giao thông đường bộ - chủ đầu tư dự án nâng tĩnh không 2 cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng Giao thông đường bộ - chủ đầu tư dự án, cho biết cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 được xây dựng trước năm 1975, hiện không đạt tĩnh không theo quy hoạch. Cụ thể, tĩnh không cầu Bình Triệu 1 chỉ đạt 5,5m, trong khi cầu Bình Phước 1 đạt 6m. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến giao thông thủy và hạn chế khả năng phục vụ tàu trọng tải 2.000-3.000 tấn trên sông Sài Gòn.

Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 có tổng mức đầu tư khoảng 133 tỷ đồng, với chiều dài dự án 770m, nâng cao cầu thêm 1,08m, đạt tĩnh không tối thiểu 7m. Trong khi đó, dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, nâng cao thêm 1,25m so với hiện hữu. Cả hai dự án sử dụng công nghệ kích nâng bằng hệ thống thủy lực tiên tiến, đảm bảo an toàn và hạn chế ảnh hưởng đến giao thông.

Theo ông Vinh, việc hoàn thiện hai cây cầu này sẽ đồng bộ hóa tĩnh không trên toàn bộ hệ thống cầu vượt sông Sài Gòn, cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Đồng thời, các dự án còn góp phần giảm tải áp lực giao thông đường bộ, phát triển các cảng thủy nội địa tại TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ.

Cầu Bình Triệu 1 nối TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh, trong khi cầu Bình Phước 1 nối TP Thủ Đức và quận 12. Đây là các cầu thuộc tuyến giao thông huyết mạch với lưu lượng phương tiện lớn, việc thi công nâng cấp đòi hỏi giải pháp kỹ thuật cao và tổ chức giao thông hợp lý.

Dự án do Sở GTVT TP HCM phê duyệt, được triển khai với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị khoa học và các chuyên gia đầu ngành. Nhà thầu thi công cầu Bình Triệu 1 là liên danh Công ty HNS và Freyssinet Việt Nam; đối với cầu Bình Phước 1 là liên danh Công ty Vĩnh Hưng và Freyssinet Việt Nam.

Thời gian thi công hai dự án dự kiến kéo dài 8 tháng, bắt đầu từ quý 1-2025 và hoàn thành trong năm 2025.

Tại buổi lễ khởi công sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của hai dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13 và cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1.

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường phát biểu tại lễ khởi công

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường phát biểu tại lễ khởi công

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho rằng việc nâng cấp các cây cầu cũ, vốn đã được khai thác nhiều năm, là nhiệm vụ khó khăn nhưng cần thiết. Ông nhấn mạnh rằng quá trình thi công nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 phải đảm bảo giao thông vẫn diễn ra bình thường, đặc biệt trên tuyến đường huyết mạch nối TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi giải pháp kỹ thuật hiện đại và sự nỗ lực của đội ngũ kỹ sư, công nhân.

Ông Bùi Xuân Cường cũng chỉ ra rằng việc nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 không chỉ góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông đường thủy mà còn giúp giảm chi phí logistics, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa và giảm tải áp lực giao thông đường bộ. "Khi hai cây cầu này được hoàn thành, tuyến đường thủy chiến lược trên sông Sài Gòn sẽ được thông suốt, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ," ông Bùi Xuân Cường chia sẻ.

Đề cập đến chiến lược phát triển giao thông tổng thể, ông Cường cho biết TP HCM đang chú trọng đầu tư mạnh vào cả ba lĩnh vực: đường bộ, đường sắt và đường thủy. Các dự án như cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát, chỉnh trang kênh Đôi, và xây dựng cầu mới như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long sẽ tăng cường kết nối vùng, đặc biệt giữa các tuyến sông lớn như sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Ông khẳng định giao thông đường thủy là thế mạnh cần được phát huy để giảm áp lực lên hạ tầng đường bộ hiện nay.

Với thời gian thực hiện dự kiến là 8 tháng, ông kêu gọi các đơn vị nỗ lực hoàn thành sớm trong 6 tháng, thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thành các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông.

Ông Bùi Xuân Cường cũng nhấn mạnh vai trò của sông Sài Gòn như một tuyến giao thông chiến lược không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, kết nối đời sống người dân TP HCM với các tỉnh lân cận, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia. "Việc phát triển đồng bộ giao thông đường thủy là cam kết trách nhiệm của TP HCM trong chiến lược phát triển vùng Đông Nam Bộ và cả khu vực phía Nam," ông khẳng định.

Nghi thức khởi công xây dựng công trình nâng tĩnh không 2 cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1

Nghi thức khởi công xây dựng công trình nâng tĩnh không 2 cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1

Ngọc Quý

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tinh-khong-7m-buoc-ngoat-giao-thong-thuy-tren-dong-sai-gon-196241231091132068.htm
Zalo