Tinh hoa văn hóa Kinh Bắc tỏa sáng tại UNESCO

Tối 9/4, tại Trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam với chủ đề 'Việt Nam - Tinh hoa văn hóa và Khát vọng vươn mình' được tổ chức trong không khí trang trọng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn nhấn mạnh, việc giới thiệu Bắc Ninh - quê hương của Quan họ và tranh Đông Hồ - chính là dịp lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt. (ẢNh: KHẢI HOÀN)

Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn nhấn mạnh, việc giới thiệu Bắc Ninh - quê hương của Quan họ và tranh Đông Hồ - chính là dịp lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt. (ẢNh: KHẢI HOÀN)

Chương trình do Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp tổ chức bên lề Kỳ họp lần thứ 221 Hội đồng Chấp hành UNESCO.

Thông qua các tiết mục trình diễn văn nghệ và trải nghiệm văn hóa, Việt Nam mong muốn lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc và nhận được sự ủng hộ của UNESCO trong việc công nhận nghề làm tranh Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

“Việt Nam - Tinh hoa văn hóa và Khát vọng vươn mình” không chỉ giới thiệu đến bạn bè quốc tế vẻ đẹp độc đáo của các di sản văn hóa tiêu biểu của vùng Kinh Bắc như dân ca Quan họ và tranh dân gian Đông Hồ, mà còn khẳng định vai trò tích cực và chủ động của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Trải nghiệm thực hành làm tranh dân gian Đông Hồ. (Ảnh: MINH DUY)

Trải nghiệm thực hành làm tranh dân gian Đông Hồ. (Ảnh: MINH DUY)

Tham dự chương trình có Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu, Phó Tổng Giám đốc Xing Qu, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phụ trách khoa học tự nhiên Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về giáo dục Giannini Stefania, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về thông tin Jelassi Mohamed, cùng đông đảo Đại sứ, Trưởng phái đoàn các quốc gia thành viên UNESCO, chuyên gia và bạn bè quốc tế.

Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh; Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao Văn hóa (Bộ Ngoại giao) Lê Thị Hồng Vân, cùng đại diện cán bộ các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Giới thiệu chương trình, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết, sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh văn hóa, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc và quốc gia.

Nghệ thuật thư pháp thu hút sự quan tâm của quan khách ngoại giao. (Ảnh: MINH DUY)

Nghệ thuật thư pháp thu hút sự quan tâm của quan khách ngoại giao. (Ảnh: MINH DUY)

Tỉnh Bắc Ninh là vùng đất giàu truyền thống nằm ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các làn điệu dân ca, nghệ thuật dân gian.

Cùng với đó, không gian ẩm thực đặc trưng và nghệ thuật thưởng trà độc đáo mang tới cho các quan khách những trải nghiệm khó quên về đời sống tinh thần người Việt. Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh: Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu trà lớn thứ 5 trên thế giới.

Cũng trong dịp này, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), không gian triển lãm giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, đã được UNESCO tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Không gian triển lãm giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, đã được UNESCO tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Không gian triển lãm giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, đã được UNESCO tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Lê Văn nhấn mạnh: Việt Nam đang trong kỷ nguyên vươn mình – một hành trình phát triển dựa trên tri thức, đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn lên. Trên hành trình ấy, văn hóa là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh, là động lực cho phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Ngô Lê Văn, đêm văn hóa Việt Nam càng thêm ý nghĩa khi nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị tư tưởng, đạo đức và di sản văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về hòa bình, nhân văn và hợp tác quốc tế mà Người suốt đời theo đuổi.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc giới thiệu Bắc Ninh - quê hương của Quan họ và tranh Đông Hồ – chính là dịp lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt, đồng thời thể hiện sự gắn bó ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam và UNESCO.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của UNESCO và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, nhằm tăng cường nỗ lực phát huy các giá trị văn hóa.

Nghệ thuật nặn phỗng đất truyền thống Làng Hồ. (Ảnh: MINH DUY)

Nghệ thuật nặn phỗng đất truyền thống Làng Hồ. (Ảnh: MINH DUY)

Giới thiệu về quê hương Kinh Bắc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi cho biết, Bắc Ninh nằm ở cửa ngõ phía đông bắc của Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, là nơi có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời, nơi hội tụ kho tàng văn hóa dân gian.

Ông Lê Xuân Lợi tự hào nhấn mạnh, dân ca Quan họ Bắc Ninh là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu trong các loại hình thức diễn xướng dân gian của Việt Nam và đã được UNESCO vinh danh vào năm 2009. Tỉnh cũng nỗ lực không ngừng suốt 15 năm qua để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản này, đồng thời giới thiệu, quảng bá dân ca Quan họ Bắc Ninh với bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh mong muốn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các nhà ngoại giao và đại diện văn hóa các quốc gia trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa Bắc Ninh, đến với bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia.

Nhân dịp này, ông Lê Xuân Lợi bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của UNESCO trong việc công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp trong năm 2025.

Phó Tổng Giám đốc UNESCO mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò năng động của mình trong lĩnh vực bảo tồn di sản và phát huy các giá trị văn hóa nhân loại. (Ảnh: MINH DUY)

Phó Tổng Giám đốc UNESCO mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò năng động của mình trong lĩnh vực bảo tồn di sản và phát huy các giá trị văn hóa nhân loại. (Ảnh: MINH DUY)

Về phía mình, Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Việt Nam và UNESCO, đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến trụ sở UNESCO.

Ông đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam tại UNESCO với tư cách là thành viên của 6 cơ chế điều hành then chốt.

Ông Xing Qu khẳng định, sự kiện này không chỉ nhằm tôn vinh sự phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam, một đất nước mạnh mẽ, kiên cường vượt lên mọi thử thách, mà còn là dịp để bạn bè quốc tế bày tỏ sự ủng hộ và mối quan hệ gắn bó với Việt Nam.

Phó Tổng Giám đốc UNESCO mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò năng động của mình tại cơ quan chuyên trách về văn hóa của Liên hợp quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn di sản và phát huy các giá trị văn hóa nhân loại.

Đêm quảng bá văn hóa Kinh Bắc với các tiết mục Quan họ mượt mà, sâu lắng đã thực sự chinh phục trái tim của các phái đoàn quốc tế, mang đến những trải nghiệm văn hóa khó quên.

Bên cạnh các hoạt động trình diễn nghệ thuật, sự kiện còn giới thiệu không gian trải nghiệm thực hành tranh Đông Hồ, nghệ thuật thư pháp và nặn phỗng đất, mang đến một hình ảnh Việt Nam vừa truyền thống vừa sáng tạo, đầy tính tương tác và gần gũi.

Ngoài ra, đại diện phái đoàn các quốc gia thành viên UNESCO còn được thưởng thức ẩm thực Việt Nam và nghệ thuật trà Việt.

Không gian giới thiệu hương vị trà Việt từ thương hiệu Sobica. (Ảnh: MINH DUY)

Không gian giới thiệu hương vị trà Việt từ thương hiệu Sobica. (Ảnh: MINH DUY)

Bên cạnh các hoạt động trình diễn nghệ thuật và trải nghiệm văn hóa, sự kiện còn giới thiệu không gian triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất – nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người.

Triển lãm gồm những hình ảnh, tư liệu tiêu biểu về hành trình hoạt động cách mạng và tư tưởng nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó tôn vinh những đóng góp to lớn của Người cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững – cũng chính là những giá trị cốt lõi mà UNESCO đề cao.

KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tinh-hoa-van-hoa-kinh-bac-toa-sang-tai-unesco-post871443.html
Zalo