Tinh hoa nghề thủ công hội tụ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Những ngày đầu năm mới 2025, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã trở thành nơi hội tụ của tinh hoa nghề thủ công Việt Nam, với những sản phẩm từ các làng nghề như: Đũi Nam Cao (tỉnh Thái Bình), dệt zèng (dân tộc Tà Ôi, thành phố Huế), cói Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình)…

Nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Nguyên được giới thiệu tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Nguyên được giới thiệu tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Ngày 2/1, tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã khai mạc chương trình “Quà tặng của nhân gian”. Chương trình giới thiệu những làng nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo, với sự tham gia của những nghệ nhân nổi tiếng từ khắp mọi miền đất nước.

Từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, các nghệ nhân làng cói Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) mang đến những sản phẩm thủ công tinh xảo với bề dày lịch sử hơn 200 năm. Khách tham quan còn được gặp gỡ, giao lưu cùng nghệ nhân Đỗ Văn Tấn, người đã có nhiều sáng tạo độc đáo từ chất liệu cói truyền thống.

Trong dịp này, làng đũi lụa Nam Cao (tỉnh Thái Bình), làng nghề có hơn 400 năm lịch sử đem đến những sản phẩm từ tơ tằm đặc sắc. Nghệ nhân Nguyễn Đình Đại trực tiếp giới thiệu các sản phẩm đũi lụa Nam Cao đến công chúng.

Khách du lịch quốc tế hào hứng tham quan các hoạt động trong chương trình.

Khách du lịch quốc tế hào hứng tham quan các hoạt động trong chương trình.

Từ thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) - thủ phủ tơ lụa của Việt Nam, nghệ nhân Huỳnh Tấn Phước cùng thương hiệu Vietnam Silk House đem đến những sản phẩm đặc sắc nhất của tơ lụa Bảo Lộc. Tơ lụa Bảo Lộc không chỉ là nơi sản xuất ra sản phẩm mà còn cung cấp nguyên liệu cho nhiều địa phương sản xuất tơ lụa khác trong cả nước.

Đặc biệt, chương trình còn đem đến những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Nghệ nhân Hồ Thị Hợp sẽ trình diễn nghề dệt zèng của người Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều tại A Lưới (thành phố Huế) - một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ Đắk Lắk, nghệ nhân Bya Hoa mang đến những sáng tạo mới khi kết hợp hoa văn cổ với sợi tơ tằm hiện đại. Tại Sa Thầy (Kon Tum), nghệ nhân Y Mửi, người Gia Rai, sẽ dệt nên những tấm thổ cẩm mang hồn của đại ngàn Tây Nguyên.

Âm nhạc truyền thống cũng là một điểm nhấn với sự xuất hiện của nghệ nhân A Brol Vẻ, người tinh thông 12 loại nhạc cụ của dân tộc Gié Triêng. Từ ngôi làng Kon Chênh trên độ cao 1.200m, đồng bào dân tộc Xơ Đăng và Mơ Nâm sẽ giới thiệu cà-phê xứ lạnh Măng Đen cùng những sản phẩm đan lát từ tre độc đáo…

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu (thứ hai, từ trái sang) cùng các nghệ nhân giới thiệu về nghề thủ công truyền thống.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu (thứ hai, từ trái sang) cùng các nghệ nhân giới thiệu về nghề thủ công truyền thống.

Ngoài giới thiệu các nghề truyền thống, tối 4/1, Văn Miếu-Quốc Tử Giám còn là không gian giới thiệu 10 bộ sưu tập áo dài và thời trang của các nhà thiết kế Silky Vietnam, Viết Bảo và Minh Hạnh. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như: Thanh Lam, Thùy Anh, Y Nhíp, Khang Ngọc, MC Mạnh Khang cùng 50 người mẫu.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu khẳng định: “Quà tặng của nhân gian” không chỉ là nơi giới thiệu những tinh hoa của các địa phương mà còn là dịp để Văn Miếu-Quốc Tử Giám khẳng định vai trò là một không gian sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, nơi kết nối giữa di sản văn hóa truyền thống và nghệ thuật đương đại"

Chương trình diễn ra từ nay đến hết ngày 5/1.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tinh-hoa-nghe-thu-cong-hoi-tu-tai-van-mieu-quoc-tu-giam-post853924.html
Zalo