Tinh hoa, khí phách của dân tộc anh hùng, Quân đội anh hùng

Hội thảo khoa học 'Quân khu 4 - Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc' do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với với Bộ tư lệnh Quân khu 4 tổ chức đã nhận được gần 50 tham luận của thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quân khu 4; các anh hùng, tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhân chứng lịch sử. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số tham luận tại Hội thảo.

Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4: Phát huy những giá trị bài học trong kháng chiến vào xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu trong tình hình mới

Việc phát huy những giá trị bài học trong kháng chiến vào xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) trên địa bàn Quân khu trong tình hình mới, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; đồng thời phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các lực lượng.

Tổ chức triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó cần tập trung chăm lo xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, “thế trận lòng dân” vững chắc; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, gắn phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng an ninh; nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT gắn với quá trình hoàn chỉnh thế trận phòng thủ Quân khu…

Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4.

Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4.

Trong tương lai, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có thể diễn ra ở thời gian ngắn, có khi rất ngắn, bằng những phương tiện chiến tranh hiện đại, vũ khí công nghệ cao và mức độ ác liệt gấp nhiều lần so với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì vậy, việc sẵn sàng để tổ chức đánh trả được ngay khi địch thực hành tiến công, cũng như việc huy động tập trung các lực lượng, trong đó lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt để tổ chức các chiến dịch, trận chiến đấu đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; của tất cả các cấp, các ngành ngay trong thời bình là phải có kế hoạch và sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện trong xây dựng “thế trận quốc phòng toàn dân” theo tư duy quân sự hiện nay, đó là: “Tổ chức triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc, để ngăn ngừa, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến”.

Đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Thường vụ Đảng ủy - Bộ tư lệnh Quân khu 4 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ Quân khu và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

----------------------------

PGS, TS Cao Văn Trọng, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương: Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta

Từ vị trí địa lý, văn hóa cốt cánh riêng có của đất và người Quân khu 4 mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò chiến lược địa bàn Quân khu 4, từ đó xác định xây dựng hậu phương Quân khu 4 trở thành tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Điểm nổi bật là địa bàn Quân khu 4 được coi là “điểm nối” giữa hai miền Bắc - Nam, giữa Việt Nam với chiến trường Lào với các trục giao thông chính chạy dọc theo hướng Bắc - Nam, xuyên qua địa bàn các tỉnh cùng nhiều mạng đường ngang nối giữa vùng rừng núi miền Tây với vùng trung du đồng bằng ven biển, nối từ địa bàn Quân khu sang vùng Hạ Lào, Nam Lào. Các trục giao thông lớn như quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam chạy suốt địa bàn, qua rất nhiều sông lớn, cầu phà, công ngầm, đèo cao, vực sâu…

PGS, TS Cao Văn Trọng, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo.

PGS, TS Cao Văn Trọng, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó, Đảng ta đã sớm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu phương Quân khu 4 vững mạnh toàn diện, trở thành tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó chú trọng lấy việc xây dựng tiềm lực chính trị làm nền tảng vững chắc trong quá trình chuẩn bị mọi mặt của nhiệm vụ xây dựng hậu phương; xây dựng tiềm lực kinh tế và giao thông vận tải…

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương, chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào. Với tiềm lực của hậu phương chiến lược được xây dựng trong 10 năm hòa bình, được củng cố, xây dựng và bảo vệ vững chắc trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền của đế quốc Mỹ trên địa bàn, những đóng góp, chi viện nhiều mặt cho các chiến dịch, nhiều hướng chiến trường của hậu phương Quân khu 4 là liên tục về thời gian, càng về sau càng to lớn hiệu quả và kịp thời hơn.

---------------------------

Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam: Bài học lịch sử về sự phối hợp của Quân khu 4 với các lực lượng trong chiến tranh nhân dân còn nguyên giá trị

Cùng với bài học xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn Quân khu 4, bài học về sự phối hợp giữa LLVT Quân khu 4 với các lực lượng trong thế trận chiến tranh nhân dân cũng để lại những kinh nghiệm hết sức quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đó là sự phối hợp giữa các lực lượng của Quân khu, phối hợp với lực lượng chủ lực của Bộ, với các chiến trường và với các địa phương trong cả nước và nước Bạn Lào đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để quân và dân Quân khu hoàn thành nhiệm vụ vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó chính là sự kết hợp chặt chẽ hậu phương với tiền tuyến, dân tộc và quốc tế là một trong những quy luật để tồn tại, phát triển và chiến thắng của quân và dân Quân khu.

 Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam tham luận tại hội thảo

Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam tham luận tại hội thảo

Trong chiến tranh, dự báo khi xâm lược nước ta, kẻ địch sẽ tiến hành chia cắt chiến lược giữa các vùng, miền, nhằm phá vỡ thế liên kết trong tác chiến phòng thủ của ta, tạo thuận lợi cho những hoạt động tác chiến kế tiếp để nhanh chóng giành thắng lợi. Quân khu 4 là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, dễ bị chia cắt chiến lược, bởi đây là một hướng chiến lược quan trọng trực tiếp với đồng bằng Bắc Bộ, cùng nhân dân cách mạng Lào giữ vững biên giới phía Tây, bảo vệ vững chắc hành lang Nam - Bắc, là hậu phương chiến lược của cả nước.

Do vậy, vận dụng những kinh nghiệm phối hợp giữa các lực lượng để quân và dân Quân khu 4 hoàn thành nhiệm vụ vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương để tăng cường phối hợp giữa các lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ củng cố hậu phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nâng cao khả năng phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang có sức chiến đấu cao, hợp tác chặt chẽ với lực lượng vũ trang nước Bạn Lào, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc địa bàn là, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

------------------------------------------------------

Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện lịch sử quân sự: Quân khu 4 là "hình ảnh thu nhỏ" của hậu phương lớn miền Bắc XHCN

Trải qua những năm tháng thủ thách khốc liệt của cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, cũng giống như các quân khu khác ở miền Bắc, hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò của hậu phương Quân khu 4 có nhiều nét tương đồng.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Đó là quá trình vừa xây dựng hậu phương về mọi mặt; vừa chiến đấu để bảo vệ và không ngừng củng cố, phát huy vai trò của hậu phương. Quá trình đó diễn ra trên tất cả các mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa-xã hội. Quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò của hậu phương cũng chính là xây dựng và hoàn thiện thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, do sự chi phối bởi các điều kiện, đặc điểm về tự nhiên, kinh tế và xã hội; nhất là do sự chi phối bởi diễn biến và cường độ khốc liệt của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại nói riêng, của cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung nên quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò của hậu phương Quân khu 4 có một số đặc điểm nổi bật: Hậu phương Quân khu 4 hội tụ đủ cả ba vùng kinh tế - quốc phòng và 3 chiến trường.

Ba vùng kinh tế - quốc phòng, đó là: Vùng rừng núi, vùng trung du đồng bằng và vùng ven biển. Ba chiến trường gồm: Chiến trường A (chiến trường tại chỗ), Chiến trường B (bao gồm B4 - Trị Thiên và B5 – Mặt trận Bắc Quảng Trị), Chiến trường C (Lào); xuyên suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), hậu phương Quân khu 4 luôn thể hiện một hình thái khá đặc biệt – vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường Trị-Thiên và chiến trường Lào, vừa là tuyến đầu chống Mỹ của hậu phương lớn miền Bắc XHCN… Hậu phương Quân khu 4 là "hình ảnh thu nhỏ" của hậu phương lớn miền Bắc XHCN.

PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ QUÂN KHU 4 (lược ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/tinh-hoa-khi-phach-cua-dan-toc-anh-hung-quan-doi-anh-hung-822437
Zalo