Tinh gọn bộ máy, ưu tiên người tài trong sắp xếp các đơn vị hành chính
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Bên hành làng Quốc hội Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu khi trao đổi về nội dung này.
Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Quốc hội:
Vấn đề khó nhất là chọn người đứng đầu khi sáp nhập
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khẳng định: Sáp nhập thì dễ, nhưng chọn cán bộ mới là khó.

Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Quốc hội.
Công tác cán bộ do Đảng lãnh đạo toàn diện nên chúng ta xác định công tác tổ chức, lựa chọn những cán bộ đảm đương được công việc không dễ. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, sau hợp nhất, sáp nhập chính quyền các địa phương, tâm thế cán bộ xác định đó là sự phân công nhiệm vụ.
Các cơ quan có thẩm quyền sẽ lựa chọn cán bộ để phân công nhiệm vụ sao cho phù hợp và mọi người đều bắt tay ngay vào làm việc và đều có việc để làm; làm sao đảm bảo công việc được phân công phải hài hòa, hợp lý.
“Tôi nghĩ rằng, các cơ quan tham mưu của Đảng cũng như Quốc hội, Chính phủ cũng sẽ suy nghĩ, quyết định những công việc rất cụ thể vì con người cụ thể. Cái này cũng rất khó. Chọn đúng người thì việc hanh thông, chọn không đúng người thì việc dễ bế tắc, có khi lại còn làm tổn hại đến tổ chức. Quốc hội nên có thông điệp trong các nghị quyết sáp nhập là tạm thời giữ nguyên giá trị giấy tờ trước đây trong 5 năm trừ trường hợp đổi mới. Không bắt người dân đi đổi các loại giấy tờ", đại biểu Hoàng Anh Công nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội: Giám sát chặt chẽ việc xử lý tài sản công sau sáp nhập
Chủ trương sắp xếp lại bộ máy tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là một cuộc cách mạng, chúng ta làm rất quyết liệt, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
Đây là một bước ngoặt rất lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong quá trình đó, việc đồng bộ hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng thực tiễn đòi hỏi rất cao đối với công cuộc sáp nhập. Thế nhưng, việc quan trọng là nắm bắt được điểm nghẽn để tìm ra những bất cập để từng bước tháo dỡ.
Trước mắt, những gì đã có quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn thì vận dụng để triển khai. Lần này Quốc hội thảo luận nhiều dự án luật, trong đó tập trung vào dự án Luật chính quyền địa phương để phục vụ cho sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Những gì bất cập trong luật thì chúng ta tiếp tục sửa đổi. Còn những gì mới phát sinh từ thực tiễn mà luật pháp chưa điều chỉnh sửa thì Quốc hội thảo luận điều chỉnh luật. Ví dụ, sau khi hợp nhất cấp xã, số lượng cấp phó thừa ra thì trong 5 năm tới phải tính toán và tinh giản theo đúng số lượng theo quy định.
"Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ việc xử lý tài sản công, chắc chắn là như vậy. Chúng ta làm việc rất quyết liệt, rất tích cực nhưng cũng phải có lộ trình. Việc xử lý trụ sở, nhà làm việc dôi dư sau sáp nhập đòi hỏi xử lý ngay bây giờ, theo tôi cần cân nhắc kỹ và cũng cần phải có độ trễ. Cái gì đã rõ, đã chín thì làm luôn và làm ngay, còn cái gì chưa cần thiết thì chúng ta tính toán lại. Thế nên tôi nghĩ không phải cái gì cũng phải làm ngay và luôn, chúng ta cân nhắc thật kỹ, sử dụng một cách hiệu quả hơn, tốt hơn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, để các cơ quan, các đơn vị hành chính mới về các ngành, đặc biệt là người đứng đầu người ta sẽ phải tính toán lại", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Chuẩn bị tâm thế, tư tưởng sau sắp xếp đơn vị hành chính địa phương
Đứng trước yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước, rất cần thiết phải tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính địa phương. Với sự đồng thuận của Đảng, nhất trí ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng này.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.
Kế hoạch của Trung ương, Chính phủ đã nêu rất rõ, chậm nhất đến ngày 15/8/2025 tất cả các đơn vị hành chính cấp xã mới phải đi vào hoạt động; chậm nhất đến ngày 15/9/2025, các tỉnh, thành mới sau sáp nhập phải đi vào hoạt động. Tại Kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và nhiều dự án luật khác, hướng đến mốc thời gian ngày 15/8 và 15/9 để chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động bình thường; đảm bảo rằng khi cán bộ, công chức ở cấp xã cũng như cấp tỉnh đã được sắp xếp, bố trí vào vị trí mới sẽ toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, không còn gì phải bản khoăn, lo lắng.
Thực tế, tất cả các cơ quan hành chính, cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị đều xác định phải bắt tay vào làm việc trong môi trường mới, điều kiện mới, hoàn cảnh mới. “Họ và ngay cả bản thân tôi cũng chuẩn bị tâm thế, tư tưởng, cũng như xác định điều kiện đi lại, ăn ở khi các địa phương đã hợp nhất mà phải đi làm xa nhà”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết.
Điều cán bộ, công chức, viên chức mong chờ là có những quy định hỗ trợ về nơi ăn, chỗ ở, điều kiện đi lại, cũng như các quy quy định pháp lý minh bạch, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. “Tôi nghĩ, khi các cấp giải quyết được những yếu tố này thì bộ máy mới vận hành thông suốt, không bị gián đoạn”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh.