Tinh gọn bộ máy: Trên gọn, dưới sẽ gọn

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề lớn, quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác này thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn…

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được thì theo đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” thì: “… việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo… Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý…”.

Một phiên họp của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: baovinhphuc.com.vn

Một phiên họp của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: baovinhphuc.com.vn

Thực trạng này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, trăn trở, thảo luận qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội. Thảo luận trong khuôn khổ đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) nói: “Có bộ trưởng nói với tôi rằng "nếu bộ tôi giảm 30-40% biên chế cũng chẳng hề hấn gì".

Nếu những thông tin này chính xác thì chắc chắn sẽ khiến nhiều người giật mình bởi số lượng cán bộ, công chức “chỉ đến công sở uống nước chè và hưởng lương” là quá lớn, không chỉ ở cấp tỉnh, huyện, xã mà ngay cả ở cấp bộ. Cùng với đó là nỗi lo khi việc thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tuy nói nhiều, bàn nhiều nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu cứ như thế này, không có bước đột phá thì đất nước sẽ phát triển ra sao?

Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo không chỉ khiến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bị suy giảm, nảy sinh cơ chế xin-cho, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo điểm nghẽn về thể chế… mà còn khiến ngân sách nhà nước hiện phải dành tới gần 70% để chi thường xuyên (phần lớn là trả lương cho bộ máy), chi cho đầu tư phát triển chỉ còn khoảng 30%-thấp hơn nhiều so với nhiều nước, không thể tạo động lực để phát triển mạnh mẽ.

Chính vì vậy, cần phải quyết liệt sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Làm được điều này mới có thể tạo cơ sở, nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vấn đề đặt ra là làm gì, đột phá vào đâu để thực hiện tốt việc này?

Các chủ trương, giải pháp mà Đảng, Nhà nước đưa ra thời gian qua là đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhiều thời điểm dường như mới chỉ tập trung sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở cấp cơ sở (tỉnh, huyện, xã), chưa làm quyết liệt ở cấp Trung ương (bộ, cơ quan ngang bộ) nên chưa tạo ra hiệu ứng và mang lại kết quả tích cực.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ trong khuôn khổ đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý: “Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng”. Chúng tôi cho rằng, từ ý kiến của Tổng Bí thư đã gợi ý khâu đột phá, đó là phải làm quyết liệt từ trên!

Nếu quyết liệt sắp xếp lại tổ chức bộ máy từ trên, làm từ trên xuống dưới, trước hết sẽ mang lại nhiều thuận lợi vì hiệu ứng nêu gương. Trên đã gương mẫu làm trước thì không có lý do gì để dưới không làm theo.

Mặt khác, khi bộ máy đã được sắp xếp hợp lý, tinh gọn từ cấp trên thì đương nhiên tổ chức bộ máy ở cấp dưới cũng sẽ hợp lý, tinh gọn vì “không có bộ, tỉnh sẽ không có sở; không có sở, huyện sẽ không có phòng…”.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12-11-2024 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2024. Trong đó, Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 12-2024.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-11-2024.

Hy vọng, với những chủ trương, giải pháp đúng đắn, đồng bộ, sự quyết liệt từ trên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thời gian tới sẽ có được những kết quả tích cực.

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/tinh-gon-bo-may-tren-gon-duoi-se-gon-803061
Zalo