Tinh gọn bộ máy tổ chức - 'Cuộc cách mạng'

ĐTO - Sắp xếp lại bộ máy tổ chức trong hệ thống chính trị đã được các cơ quan cao nhất của Đảng (Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương) xác định là việc tất yếu và cấp thiết. Nhưng nhiều năm qua, công việc có vẻ không mấy tiến triển. Tình trạng bộ máy tổ chức tách rồi nhập, xóa rồi phục hồi và nhân sự giảm rồi tăng cứ lặp đi lặp lại. Hiện nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Trung ương Đảng đang quyết tâm và quyết liệt thực hiện “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy tổ chức nhằm làm cho hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tinh thần của “cuộc cách mạng” truyền cảm hứng và sự hành động sôi nổi ở các cấp, các ngành đáng được ca ngợi. Bài viết này bàn luận thêm về “cuộc cách mạng” hay “có tính cách mạng” để cân nhắc thấu đáo và khoa học.

Trước hết, chúng ta hãy lướt qua các khái niệm có liên quan để có thể hình dung tính phức tạp của nó khi luận bàn. Bộ máy tổ chức được hiểu là tổng hợp các bộ phận khác nhau có mối liên hệ và quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, được chuyên môn hóa và có trách nhiệm, quyền hạn nhất định, được bố trí theo từng cấp, nhằm bảo đảm thực hiện chức năng quản lý và phục vụ mục đích chung của tổ chức. Hệ thống là tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất. Khi nói hệ thống chính trị là đề cập hệ thống bộ máy tổ chức chính trị và chính trị - xã hội có cùng một mục đích. Ở Việt Nam, hệ thống chính trị bao gồm Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân) và các tổ chức xã hội nghề nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi một tổ chức chính trị hay chính trị - xã hội có thứ bậc với các quan hệ ngang và dọc cùng những thẩm quyền khác nhau.

Hệ thống chính trị Việt Nam đang thực hiện “cuộc cách mạng” về bộ máy tổ chức. Cần hiểu rằng, cách mạng là thay cũ đổi mới nhưng là sự đổi mới sâu sắc, toàn diện và triệt để. Cách mạng làm thay đổi bản chất của sự vật, hiện tượng. Trong lĩnh vực nhà nước, cách mạng tư sản lật đổ nhà nước phong kiến cai trị bởi một người hoặc dòng họ và cách mạng xã hội chủ nghĩa - cuộc cách mạng vĩ đại nhất của lịch sử loài người - xóa bỏ nhà nước của giai cấp thiểu số bóc lột để trao lại quyền lực thật sự về Nhân dân lao động. Nắm vững những vấn đề căn bản nêu trên, chúng ta có cơ sở để xem xét “cuộc cách mạng” về bộ máy tổ chức hay chỉ là những hoạt động cải cách, đổi mới “có tính cách mạng” về tinh gọn bộ máy tổ chức. Dưới đây là những nội dung cần xem xét:

Xét về triết lý

Điểm đầu tiên và quan trọng nhất của “cuộc cách mạng” đối với một lĩnh vực hay toàn xã hội là cương lĩnh hay triết lý của nó. Đối với “cuộc cách mạng” về tinh gọn bộ máy tổ chức lần này, chúng ta bắt gặp vài nội dung có tính bổ sung, cụ thể hóa và làm rõ hơn những nguyên lý nền tảng về nhà nước. Triết lý cơ bản về nhà nước xã hội xã hội chủ nghĩa mà quyền lực của nó thuộc về Nhân dân - Nhà nước của dân, do dân và vì dân luôn và mãi không thay đổi. Đây là bản chất của nhà nước xã hội xã hội chủ nghĩa. Các nội dung phái sinh của nó là Nhà nước phục vụ, Nhà nước gần dân, công chức là “đày tớ” của dân, tính tự chủ cao của các chủ thể, sự phân quyền... cũng phải giữ vững. Triết lý được bổ sung, làm rõ thêm chính là bộ máy tổ chức hoạt động “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Đây là nội dung “có tính cách mạng” chứ không phải là “cuộc cách mạng”. Bản chất nhà nước được hoàn thiện, nâng cao và hoàn toàn không thay đổi về bản chất.

Xét về bộ máy tổ chức

Những tư tưởng chỉ đạo đối với tinh gọn bộ máy tổ chức lần này “có tính cách mạng” là rõ nét. Đáng chú ý là quan điểm làm từ trên xuống (cấp trên làm gương), “vừa chạy vừa sắp hàng”, sáp nhập tổ chức (đơn vị) có cùng chức năng và từ đó, tinh gọn số lượng nhân sự... Có thể thấy, hệ thống chính trị được “copy”, thiết kế kiểu “song trùng” lãnh đạo với nhiều tầng nấc hành chính theo mô hình nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây đã trở thành lực cản trong thời kỳ mới. Rõ ràng, bộ máy tổ chức ấy cần phải được “phẫu thuật”. Hiện nay, Việt Nam đang quá trình hội nhập sâu vào thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiến hành số hóa các lĩnh vực đời sống xã hội theo tiến trình của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ... Mỗi một nội dung được nêu đều đòi hỏi phải tinh gọn bộ máy tổ chức.

Tuy nhiên, như phần trên có đề cập, bộ máy tổ chức có tính phức hợp (từ “phức tạp” có thể bị hiểu thiên về tiêu cực). Nó là một cơ thể sống. Bộ máy tổ chức bao gồm những con người với nhận thức, tình cảm, năng lực, quan hệ và lợi ích. Nó cần phải được đối xử thận trọng, chu đáo, khoa học. Nhà nước phong kiến đã được hoàn thiện hàng ngàn năm, nhà nước tư sản hiện đại cũng được xây dựng vài trăm năm và nhà nước xã hội xã hội chủ nghĩa đang tìm con đường phát triển chưa có tiền lệ. Do vậy, thái độ dũng cảm, mạo hiểm là cần, nhưng không thể phiêu lưu, nóng vội, thiếu những căn cứ khoa học vững chắc. Điều cần tránh là cách làm theo kiểu “phong trào”, “chiến dịch”, “bắt chước” và nhất là tình trạng nhân danh “cách mạng” khi tổ chức thực hiện.

Nhiều năm trước đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhận thức việc đổi mới, cải cách hệ thống chính trị là tất yếu và cấp thiết. Ngày nay, tinh gọn bộ máy tổ chức đang đặt ra rất cấp bách, phải “vừa chạy vừa xếp hàng”. Từ một bộ máy tổ chức thời kỳ cũ, nó phải được tinh gọn mang “tính cách mạng” mới có thể đáp ứng được yêu cầu “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Với sự nhận thức sâu sắc và quyết tâm mạnh mẽ, công cuộc tinh gọn bộ máy tổ chức lần này chắc chắn thành công. Niềm tin ấy được dẫn dắt bởi nền tảng khoa học về tổ chức với cách làm bài bản và lộ trình thích hợp.

DÂN BIỆN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/tinh-gon-bo-may-to-chuc-cuoc-cach-mang--128150.aspx
Zalo