Tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả hoạt động
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Để đạt được mục tiêu này, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vững mạnh. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.
Vậy thế nào là bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vững mạnh? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó phải là bộ máy ít bộ - ngành, ít tầng nấc trung gian, ít cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài đặc tính “ít mà tốt”, tính hiệu quả của bộ máy còn thể hiện ở khả năng tương tác giữa các bộ phận chức năng sao cho giữa họ vừa có sự phân định nhiệm vụ rõ ràng, vừa có sự phối hợp “ăn ý”. Tinh gọn tức là không có ai thừa ra trong bộ máy, luôn “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt” và bảo đảm bộ máy luôn hoạt động thống nhất, nhịp nhàng, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng kể. Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương từng bước phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý. Kết quả tinh gọn bộ máy đã đạt được mục tiêu “6 giảm” (giảm đầu mối; giảm cấp trung gian; giảm số lượng lãnh đạo; giảm biên chế; giảm thủ tục hành chính; giảm chi cho bộ máy hệ thống chính trị) và “6 tăng” (tăng về tính khoa học tổ chức; tăng về chất lượng cán bộ; tăng về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tăng chi cho đầu tư phát triển; tăng niềm tin của nhân dân và tăng sự đồng thuận xã hội). Qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế...
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, việc tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vững mạnh vẫn chưa theo kịp và đáp ứng tốt yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi thiếu kiên quyết, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu đề ra; quá trình rà soát, tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là “xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”. Vì vậy, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ là hết sức cần thiết. Điều này cũng sẽ góp phần tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Ðảng, Nhà nước và bộ máy chính quyền.
Quán triệt sâu sắc quan điểm trên, chiều 6-8 vừa qua, chủ trì phiên họp thứ nhất ra mắt Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ và trao đổi, thống nhất đề cương tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực”.
Tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo người đứng đầu Chính phủ có nghĩa là Chính phủ tinh gọn, bảo đảm phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Các bộ phận trong bộ máy phải hoạt động thống nhất, thông suốt và hiệu quả, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được quy định. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải là những người vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy phục vụ nhân dân; luôn luôn có sự đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...
Dù còn những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng với thành tựu đã đạt được trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục được củng cố; nước ta sẽ sớm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.