Tinh gọn bộ máy

Làn sóng sáp nhập cao đẳng vào đại học không chỉ dừng lại ở khối trường sư phạm mà ở cả trường đào tạo nghề...

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới đại học, cao đẳng sư phạm của Bộ GD&ĐT, đến năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng đa ngành. Tuy nhiên, làn sóng sáp nhập cao đẳng vào đại học không chỉ dừng lại ở khối trường sư phạm mà ở cả trường đào tạo nghề.

Tỉnh Tây Ninh vừa có thông báo kêu gọi đầu tư xã hội hóa giáo dục tại địa phương. Trong đó có chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh vào một trường đại học có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để thành lập phân hiệu đại học. Trở thành phân hiệu tại địa phương là một trong những phương án sáp nhập của không ít trường cao đẳng sư phạm trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, một số trường cao đẳng đã sáp nhập vào trường đại học sư phạm hoặc trường đại học có đào tạo giáo viên trong vùng hay sáp nhập vào một trường đại học tại địa phương.

Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vừa được sáp nhập vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An để trở thành Trường Đại học Nghệ An. Đại diện nhà trường cho biết, chủ trương sáp nhập ở thời điểm này là hợp tình, hợp lý và cũng giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển sinh của trường.

Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An chỉ đào tạo nguồn nhân lực giáo dục mầm non và tiểu học cho tỉnh Nghệ An và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, khi Luật Giáo dục sửa đổi có yêu cầu nâng chuẩn giáo viên tiểu học và trung học cơ sở lên trình độ đại học thì nguồn tuyển của trường hẹp dần, chỉ còn đào tạo cao đẳng sư phạm mầm non.

Đây cũng là thực trạng của các trường cao đẳng sư phạm còn lại trong cả nước và cơ hội phát triển cho trường này rất khó. Sáp nhập trường cao đẳng sư phạm với một trường đại học có đào tạo giáo viên hoặc trở thành đơn vị đào tạo trong trường đại học địa phương hay trở thành phân hiệu là phương án phát triển để đội ngũ giáo viên phát huy được năng lực. Khi đó, không chỉ đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng mà cả trình độ đại học và giáo viên các ngành khác.

Việc sáp nhập trường, tái cấu trúc hệ thống cao đẳng, đại học sẽ tốt lên nếu đúng hướng, đúng mục tiêu. Sau sáp nhập sẽ kết hợp nhân lực, cơ sở vật chất của các trường cao đẳng với trường đại học/đại học, tạo điều kiện cho sinh viên được thụ hưởng chất lượng đào tạo cao với chi phí thấp nhất do tập trung nguồn lực đầu tư.

Ở hướng ngược lại, nếu không đủ chuẩn, không đủ năng lực sẽ dẫn đến tự đào thải. Điều này có thể thấy rõ qua thực tế hoạt động của Trường Đại học Hải Dương hoặc trước đó là Trường Đại học An Giang sau khi sáp nhập. Sau sáp nhập, Trường Đại học Hải Dương mở thêm 14 ngành đào tạo đại học mới, tuyển sinh tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước.

Sau 5 năm trở thành thành viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học An Giang phải đổi mới liên tục để đáp ứng yêu cầu của một trường thành viên. Điểm chuẩn tuyển sinh vào trường tăng liên tục, số lượng và chất lượng đầu vào tốt hơn nên đầu ra đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường nhân lực lao động.

Sáp nhập trường cao đẳng vào đại học không phải là phép cộng cơ học giữa các đơn vị lại với nhau. Điều quan trọng trong quá trình tái cấu trúc lại hệ thống là để tinh gọn bộ máy quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Các trường sau sáp nhập được tạo điều kiện để từng bước thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính; gia tăng năng lực đào tạo, nghiên cứu, khả năng giải quyết các vấn đề nhu cầu nhân lực của địa phương. Chính vì vậy, sau sáp nhập, các đơn vị phải nhanh chóng hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức với tinh thần chia sẻ, đoàn kết và tự nâng cấp để đáp ứng yêu cầu mới.

Ánh Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-gon-bo-may-post714943.html
Zalo