Tinh gọn bộ máy: Ai ở, ai về?

Khi thực hiện tinh gọn bộ máy tất yếu phải có người ở, người về. Với những người rời khỏi Nhà nước nhường chỗ cho người khác ở lại, cần chính sách ưu đãi để họ ra bên ngoài tìm việc mới.

2 vấn đề cần giải quyết

Liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW 2017 của Trung ương, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ với VietNamNet.

Ông Lợi cho rằng, tinh gọn bộ máy là việc phải làm để tạo động lực cho đất nước phát triển. Thế nhưng, vấn đề thực hiện như thế nào đang đặt ra những thách thức không nhỏ.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, khi tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế có 2 vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là phải làm chuyển biến nhận thức của cả hệ thống chính trị, của người lao động, cán bộ công chức, viên chức xem tinh gọn bộ máy là cuộc cải cách không thể không làm.

Thứ hai là việc thực hiện tinh gọn phải thống nhất quan điểm, tư tưởng, tránh việc giảm biên chế dẫn đến sự bất công bằng, không đồng thuận và mâu thuẫn xã hội; tránh tình trạng những người phải về thiệt thòi, không thỏa mãn.

Khi thực hiện tinh giản, người ở lại phải biết hy sinh, người về thì Nhà nước phải hỗ trợ thỏa đáng, thậm chí vượt trội để họ có thể thích ứng, nhanh chóng tìm được việc làm mới.

Đối với người còn dưới 5 năm công tác, nên có chính sách giải quyết, động viên về hưu sớm với tinh thần “về sớm nhường chỗ cho người ở lại”. Với những người này, Nhà nước nên ban hành chính sách về hưu thông thoáng như về không phải trừ tỷ lệ hưởng lương hưu, hoặc có thể trừ ít, thậm chí hỗ trợ một khoản tiền như chính sách lâu nay vẫn làm để họ bảo đảm cuộc sống khi thôi làm Nhà nước.

Ảnh minh họa: CTV

Ảnh minh họa: CTV

Đặc biệt, với những người về hưu trước tuổi nhưng vẫn còn khả năng làm việc, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ để họ có thể làm việc, cống hiến cho xã hội. Lưu ý không nên để tình trạng đủ 20 năm công tác đóng BHXH, khi về vẫn được hưởng nguyên mức hưởng theo tỷ lệ lương hưu tối đa (không bị trừ phần trăm cho những năm về hưu trước tuổi).

Đối với những người còn thời gian làm việc 10-15 năm, khi ra khỏi Nhà nước có thể giải quyết chế độ theo hướng hỗ trợ một khoản tiền nào đó, không nên cho tăng tỷ lệ nghỉ hưu. Những người này ngoài hỗ trợ ngắn hạn bằng tiền, còn có thể hỗ trợ dài hạn cho vay vốn làm ăn nếu có điều kiện phát triển sản xuất, hoặc có nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp…

Phải giữ chân được người tài

Việc tinh giản bộ máy được đánh giá là việc làm khó, thậm chí rất khó vì nó liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số người. Do vậy, nếu làm không thận trọng có thể dẫn đến tình trạng đẩy khó khăn cho những người bị tinh giản.

Trong cơ quan đơn vị Nhà nước hiện nay đâu đó vẫn có tình trạng anh nói rất hay nhưng làm rất kém, vì thế khi thực hiện tinh gọn phải xem xét thấu đáo, tính toán cụ thể để người thực sự làm được việc ở lại cống hiến. Sắp xếp đúng năng lực thì họ sẽ phát huy được hiệu quả, tăng năng suất lao động “một người bằng ba bốn người”.

Cũng cần nói thêm, khi tinh giản, muốn bộ máy vận hành tốt thì phải giữ chân được người tài, người có năng lực thì bộ máy mới vận hành trơn tru, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám, làm cho tổ chức bộ máy vận hành kém hiệu quả.

Đơn cử chỉ lấy ví dụ trong ngành y, bác sĩ giỏi nếu ra ngoài làm việc thì thu nhập của họ rất cao, nhưng nếu Nhà nước không giữ chân được họ ở lại thì bệnh viện công sẽ hết người giỏi để điều trị cho người bệnh.

Vì vậy, khi thực hiện tinh giản bộ máy phải công khai, minh bạch, công bằng dân chủ để người không đúng vị trí việc làm thì động viên người ta về, còn người có năng lực thì đừng đẩy người ta ra. Đây là vấn đề phải làm thận trọng, bởi nếu không sẽ xảy ra tình trạng người giỏi phải nghỉ việc, còn người không có khả năng vẫn “bám” lại Nhà nước.

Mục tiêu của việc tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm số lượng mà còn phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Vì thế, cần ưu tiên bố trí sử dụng những người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội.

Tóm lại, việc tinh giản bộ máy không thể không làm, nhưng việc này cần được thực hiện một cách thận trọng, có kế hoạch chi tiết và chính sách phù hợp để tránh gây khó khăn cho người lao động. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa mục tiêu cải cách hành chính và đảm bảo an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng.

Nên có lộ trình

Chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng về tinh gọn bộ máy chỉ bàn tiến không bàn lùi, nhưng phải tính thêm lộ trình, phương pháp thực hiện để làm sao việc tinh gọn được thực hiện dân chủ, êm ấm, tạo ra sự ổn định xã hội.

Tránh tình trạng sáp nhập hai đơn vị, mỗi đơn vị 400 người và 300 người nhưng phải loại gần một nửa số người thì vô cùng khó khăn, gây bức xúc cho những người phải nghỉ việc, gây hỗn loạn xã hội.

Khi sáp nhập, đối với các đơn vị phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách, hoặc phụ thuộc một phần thì cần phải làm ngay.

Tuy nhiên, với các đơn vị tự chủ lâu nay Nhà nước thả ra vẫn có thể làm đủ sống, khi nhập lại thì dứt khoát phải làm nhưng có lộ trình, bước đi, có giải pháp để đảm bảo sự công bằng an toàn, không để người lao động rơi vào tình cảnh nghỉ việc trở thành gánh nặng xã hội.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-gon-bo-may-ai-o-ai-ve-2354052.html
Zalo