Tinh giản biên chế: Cần cơ chế, chính sách phù hợp với người lao động

PGS.TS Lê Thị Thanh Hà cho rằng, khi nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức giảm, thị trường lao động sẽ chuyển dịch chủ yếu sang khu vực sản xuất, kinh doanh, nhất là kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài là có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện để người dân khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư làm ăn thuận lợi, đúng pháp luật.

Vì sao cần tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế?

Phát biểu tại Hội thảo khoa học và thực tiễn “Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế” vừa tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), PGS.TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam sau 40 năm đổi mới đã thu được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn, là hành trang để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tuy nhiên, thực tiễn đổi mới cũng cho thấy, càng đi vào chiều sâu của quá trình đổi mới, chúng ta càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có thách thức lớn là bộ máy của cả hệ thống chính trị cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, không chỉ dẫn đến lãng phí nguồn lực mà còn phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, việc thanh lọc, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là cần thiết.

PGS.TS Lê Thị Thanh Hà nhìn nhận, hiện nay, Việt Nam đang dành khoảng gần 70% ngân sách để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động, như vậy chỉ còn khoảng 30% chi cho đầu tư phát triển, an ninh, quốc phòng. Bộ máy hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng lấn; một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương dẫn đến cơ chế xin - cho, nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn thiếu triệt để.

Từ cuối năm 2024 đến nay, cuộc phát động tinh giảm bộ máy đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của toàn xã hội.

 PGS.TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Hưng

PGS.TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Hưng

Theo PGS.TS Lê Thị Thanh Hà, việc tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế sẽ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ. Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đi đôi với việc sàng lọc, “giữ chân” các cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, thường xuyên đổi mới tư duy, đổi mới sáng tạo trong công việc. Theo đó, số lượng nhân sự giảm nhưng chất lượng sẽ tăng, áp lực cạnh tranh sẽ thúc đẩy mỗi cá nhân nâng cao trình độ chuyên môn, tăng năng suất, hiệu quả lao động.

Việc tinh gọn bộ máy cũng giúp giảm số lượng nhân sự không cần thiết, giảm chi phí dành cho lương, phúc lợi, cơ sở vật chất,… Nguồn lực tài chính tiết kiệm được sẽ đầu tư vào các phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Quá trình tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị cũng giúp thuận lợi hơn trong ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và quản trị trực tuyến, từ đó nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Cấu trúc đơn giản hơn của bộ máy quản lý có khả năng thích ứng tốt hơn với sự thay đổi nhanh chóng của kỷ nguyên số. Bộ máy hệ thống chính trị gọn nhẹ, ít khâu trung gian sẽ giúp giảm thời gian ra quyết định, triển khai quyết định và đánh giá chính sách. Nhờ đó, các quyết định, giải pháp, chính sách được thực hiện nhanh chóng hơn. Đồng thời, giúp người dân ngày càng tin tưởng vào hệ thống chính trị.

Tâm lý e ngại thay đổi, tư duy “an phận” vẫn còn là hiện tượng phổ biến

Nhìn nhận về các vấn đề đặt ra trong tinh giảm bộ máy và tinh giảm biên chế ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Lê Thị Thanh Hà đánh giá, thách thức trước hết là về mặt chức năng, nhiệm vụ. Hiện tại, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, bộ máy đang bị chồng chéo, trùng lắp; việc sắp xếp lại cho khoa học, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong quá trình rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, có tới 20% số cơ quan và đơn vị bị phát hiện có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Điển hình như ở các lĩnh vực như quản lý tài nguyên và môi trường, thanh tra, kiểm tra hay trong các cơ quan cấp huyện, cấp xã, việc phân chia trách nhiệm chưa rõ ràng đã dẫn đến tình trạng nhiều nơi “dẫm chân nhau” trong thực thi công việc, gây lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy.

 Tinh gọn bộ máy đồng nghĩa với việc cắt giảm biên chế và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự. Hình minh họa

Tinh gọn bộ máy đồng nghĩa với việc cắt giảm biên chế và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự. Hình minh họa

Bên cạnh đó là thách thức về mặt nhân sự. Tinh gọn bộ máy đồng nghĩa với việc cắt giảm biên chế và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự. Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến công việc, tâm lý và quyền lợi của cán bộ, công chức. Nếu không có cơ chế, chính sách hợp lý, giải quyết thỏa đáng, việc tinh gọn nhân sự có thể dẫn đến tình trạng bất mãn, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, gây khó khăn lớn trong quá trình thực hiện cuộc cải cách toàn diện bộ máy của hệ thống chính trị.

Với thách thức về mặt thể chế, chính sách, PGS.TS Lê Thị Thanh Hà cho biết mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tinh giản biên chế, song việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định cụ thể vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc tinh gọn bộ máy.

Đồng thời, tâm lý e ngại thay đổi, tư duy “an phận”, sợ khó, tìm cách vụ lợi, né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo vẫn còn là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt trong các cơ quan bộ máy vốn có tính ổn định cao cũng là thách thức lớn. Sự thay đổi đồng nghĩa với việc phá bỏ những “lối mòn”, đòi hỏi sự thích ứng với môi trường làm việc mới, áp lực công việc lớn hơn và yêu cầu về năng lực cao hơn.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp với người lao động chịu tác động trực tiếp

Đề xuất các giải pháp cần triển khai khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, PGS.TS Lê Thị Thanh Hà cho rằng trước hết cần rà soát, cấu trúc lại bộ máy theo chức năng, nhiệm vụ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy của các cấp, các ngành, các địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả.

Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế. Thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, cần tối ưu hóa số lượng nhân sự, đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc mới trong kỷ nguyên số. Tăng cường chuyển đổi số để giảm thiểu nhân sự trung gian. Tăng cường phân cấp, phân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Thứ ba, đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý. Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân sự. Chuyển đổi từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, đặt mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Tinh giảm không chỉ dựa trên số lượng mà còn phải bảo đảm cơ cấu hợp lý và năng lực của đội ngũ nhân sự.

Một giải pháp quan trọng khác được đề xuất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về tinh giảm bộ máy hệ thống chính trị. PGS.TS Lê Thị Thanh Hà nhấn mạnh, cần khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị. Xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn lực và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy.

“Khi nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức giảm thì thị trường lao động sẽ chuyển dịch chủ yếu sang khu vực sản xuất, kinh doanh, nhất là kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Vì vậy, giải pháp vừa có tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài là phải tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, tạo mọi điều kiện để người dân sáng tạo, khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư làm ăn thuận lợi, đúng pháp luật”, PGS.TS Lê Thị Thanh Hà nói.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tinh-gian-bien-che-can-co-che-chinh-sach-phu-hop-voi-nguoi-lao-dong-post408672.html
Zalo