Tỉnh Gia Lai phát huy nguồn lực tín dụng chính sách xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững

'Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội (Chỉ thị 40), thực tế cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tính sáng tạo, tính nhân văn sâu sắc; là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, phù hợp điều kiện thực tế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân', lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã khẳng định như vậy khi nói về Chỉ thị 40.

“Bệ đỡ” của người nghèo

Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ Chỉ thị 40 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư đã giúp tỉnh Gia Lai đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là giúp người nghèo, người yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ổn định cuộc sống, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Năm 2017, anh Kpuih Tit ở làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ (Gia Lai) vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn TDCS đầu tư trồng 800 cây cà phê. Với sự nỗ lực của gia đình và sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông xã, vườn cà phê của gia đình anh phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định, bình quân mỗi năm thu nhập từ vườn cà phê hơn 70 triệu đồng. Từ nguồn thu này, gia đình anh Kpuih Tit sửa chữa nhà ở và tích lũy một phần để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Năm 2020, sau khi trả hết nợ cũ, gia đình anh tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Cơ cho vay 50 triệu đồng để trồng thêm 400 cây điều và chăm sóc vườn cà phê. Hiện nay, gia đình anh không chỉ có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững mà chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.

 Chị Mlơnh (ngoài cùng, bên trái) và nhiều người dân xã Glar, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Chị Mlơnh (ngoài cùng, bên trái) và nhiều người dân xã Glar, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Cũng vươn lên thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ngày một tốt hơn nhờ nguồn vốn TDCS xã hội, chị Ha Nõm ở làng Ktu, xã Chư Ă, TP Pleiku (Gia Lai) phấn khởi nói, nguồn vốn TDCS có lãi suất thấp, thời hạn dài, hộ vay không phải thế chấp tài sản, được giải ngân, trả nợ tại điểm giao dịch ở địa phương rất thuận tiện. Đây thực sự là “bệ đỡ” cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống, nhất là người đồng bào DTTS ở tỉnh miền núi như Gia Lai.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, TDCS xã hội đã triển khai đến 100% xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Bình quân hằng năm tăng tín dụng từ 10% trở lên. Tính đến ngày 20-6-2024, tổng dư nợ đạt 7.288 tỷ đồng, tăng 4.495 tỷ đồng so với năm 2014, với 156.574 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, giúp cho 55.555 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vượt qua ngưỡng nghèo; tạo điều kiện cho 53.968 lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập. Hoạt động TDCS xã hội trở thành công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương ở Gia Lai đều cho rằng, việc thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06 đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đối với hoạt động TDCS xã hội. Hoạt động TDCS xã hội được hoàn thiện về mọi phương diện, phát huy vai trò chủ lực, trụ cột của TDCS trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng chí Lê Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ia Sao, huyện Ia Grai (Gia Lai) phấn khởi nói: “Nguồn vốn TDCS xã hội đã tạo việc làm cho 105 người lao động; giúp 380 lượt hộ nghèo, 750 hộ cận nghèo, 279 hộ mới thoát nghèo của xã Ia Sao có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. TDCS xã hội còn giúp 4 người chấp hành xong án phạt tù có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng. Đây là tính nhân văn của TDCS xã hội”.

Bên cạnh đó, việc thực hiện TDCS xã hội vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần phải được khơi thông để chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước phát huy tốt hơn nữa trên thực tế. Nhất là đẩy mạnh truyền thông để mọi người dân hiểu và mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế; bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các chương trình TDCS kịp thời hơn; lồng ghép tốt hơn các chương trình, dự án, hoạt động tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội với công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật ở các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các tổ chức hội ở cơ sở...

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai khẳng định, công tác TDCS xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Vì vậy cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội các cấp; kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đạt 15% tổng nguồn vốn TDCS xã hội trên địa bàn tỉnh.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai giảm nhanh; giai đoạn 2014-2015 giảm từ 23,73% xuống còn 11,36%; giai đoạn 2016-2021 giảm từ 19,71% xuống còn 16,55%; giai đoạn 2021-2023 giảm từ 12,09% xuống còn 8,11%.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tinh-gia-lai-phat-huy-nguon-luc-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-giam-ngheo-nhanh-ben-vung-791862
Zalo