Tình chiến đấu keo sơn giữa Nga và Triều Tiên từ quá khứ đến hiện tại

Hai nước Nga và Triều Tiên đã hồi sinh mối quan hệ quân sự bền chặt có từ thời Chiến tranh Lạnh. Lực lượng Triều Tiên vừa hỗ trợ đáng kể cho Nga trong trận chiến Kursk.

Vừa qua, cả Nga và Triều Tiên đều xác nhận điều được dư luận quốc tế đồn đoán bấy lâu nay: Binh sĩ Triều Tiên đã tích cực tham gia các hoạt động quân sự của Nga. Tuyên bố xuất hiện ngay sau khi Nga tuyên bố giải phóng hoàn toàn tỉnh Kursk khỏi lực lượng Ukraine. Theo phía Nga, các đơn vị Triều Tiên đóng vai trò then chốt trong trận chiến Kursk này.

Binh lính Triều Tiên tham chiến tại Nga để hỗ trợ Nga giành lại Kursk. Ảnh, đồ họa: RT.

Binh lính Triều Tiên tham chiến tại Nga để hỗ trợ Nga giành lại Kursk. Ảnh, đồ họa: RT.

Tổng thống Nga Putin tuyên bố: “Nhân dân Nga sẽ bao giờ quên sự hy sinh của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên. Chúng tôi sẽ mãi mãi tôn vinh những anh hùng này, những con người đã hiến dâng sinh mạng của mình cho nước Nga, cho nền tự do chung của chúng ta”.

Tổng thống Putin ca ngợi các đơn vị đồng minh đã sát cánh chiến đấu với binh lính Nga, bảo vệ nước Nga như bảo vệ đất nước của chính họ.

Quan hệ đồng minh hình thành trong lịch sử

Moscow và Bình Nhưỡng có lịch sử hợp tác quân sự từ thời Chiến tranh Triều Tiên. Vào đầu thập niên 1950, khi Chiến tranh Lạnh lên tới cao trào trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã hậu thuẫn cho Hàn Quốc bằng quân bộ, còn Trung Quốc đưa quân yểm trợ cho Triều Tiên.

Trong khi đó, Liên Xô hậu thuẫn Triều Tiên một cách âm thầm hơn. Đầu tiên, Liên Xô viện trợ cho Triều Tiên xe tăng, pháo phản lực Katyusha và vũ khí bộ binh. Bước ngoặt xảy đến khi các phi công ưu tú của Liên Xô, bao gồm cả những phi công dạn dày kinh nghiệm trận mạc trong Thế chiến II, trực tiếp tham chiến trên bán đảo Triều Tiên. Họ lái máy bay MiG-15 hiện đại thời đó dưới danh nghĩa “tình nguyện viên”, đôi lúc mặc quân phục của Trung Quốc hoặc Triều Tiên. Những phi đội này quần thảo với máy bay F-86 Sabre của Mỹ trên bầu trời bán đảo Triều Tiên. Đoàn Tiêm kích 64 của Liên Xô đóng vai trò quyết định trong cuộc không chiến đó.

Mối quan hệ thời chiến năm xưa vẫn chưa phai nhạt. Và ngày nay, Triều Tiên lại đến giúp đỡ người bạn Nga.

Khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài, Nga bắt đầu sử dụng đạn dược do Triều Tiên sản xuất. Trước nỗ lực cô lập từ phương Tây, Nga đẩy mạnh quan hệ với các nước còn lại, và Triều Tiên nổi lên như một trong những nhà cung cấp tin cậy các thiết bị quân sự cho Nga.

Vào ngày 24/10/2024, hai nước Nga - Triều Tiên phê chuẩn Hiệp ước Đối tác chiến lược, có quy mô rộng lớn. Theo đó, mỗi bên có nghĩa vụ trợ giúp quân sự “bằng mọi phương tiện có sẵn” trong tình huống một bên bị tấn công vũ trang. Hiệp ước này đặt nền móng cho việc Triều Tiên triển khai quân sang Nga.

Súng AK-12 của binh sĩ Triều Tiên tham chiến tại Kursk. Ảnh: Washington Post.

Súng AK-12 của binh sĩ Triều Tiên tham chiến tại Kursk. Ảnh: Washington Post.

Thử thách trong trận mạc dưới bóng cờ Nga

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi quân nhân Triều Tiên chiến đấu ở Kursk (Nga) là những “anh hùng”. Ông coi sự tham chiến của họ là “sứ mệnh thiêng liêng” nhằm củng cố quan hệ với Nga. Bình Nhưỡng có kế hoạch dựng đài tượng niệm để tôn vinh những người lính ấy.

Con số quân nhân Triều Tiên lâm chiến ở Nga vẫn được giữ bí mật. Tuy nhiên, Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc ước tính con số này là 15.000 người.

Phóng viên chiến trường người Nga Alexander Kots cho biết, các binh lính Triều Tiên bắt đầu huấn luyện cường độ cao tại các thao trường Nga trước khi được đưa ra mặt trận. Kots nói: “Họ sống trong điều kiện dã chiến. Ban đầu họ ở vị trí lực lượng dự bị, sau đó chuyển sang vị trí gần chiến tuyến hơn, cuối cùng họ tham chiến trực tiếp”.

Thông tin cho hay, binh lính Triều Tiên gây ấn tượng cho các chỉ huy Nga nhờ vào tính kỷ luật, sự phối hợp và tính bền bỉ. Họ thường quyết không để cho đối phương bắt sống. Một quân nhân Nga nhận xét rằng những người lính Triều Tiên khiến anh ta nhớ đến các chiến binh Wagner mang theo lựu đạn bên người “phòng khi cần thiết”.

Một phóng viên khác, Semyon Pegov, mô tả binh sĩ Triều Tiên chiến đấu như trong điện ảnh: UAV ghi lại các video về đội hình lớn của quân Triều Tiên tiến đều đặn dưới hỏa lực trọng pháo Ukraine, bao gồm cả đạn chùm. Bất chấp thương vong, những người còn lại vẫn hiên ngang tiến lên và tiến công đối phương.

Sinh hoạt của binh sĩ Triều Tiên nơi chiến sự

Những người lính Triều Tiên chủ yếu đóng quân ở khu vực Suzhansky nằm ở phía Nam, quanh các ngôi làng Plekhovo, Guevo và Kurilovka. Lực lượng này bao gồm đặc nhiệm, lính nghĩa vụ và một đơn vị quân y.

Theo hãng truyền thông Nga Mash, quân Triều Tiên sống riêng và liên lạc với phía Nga qua một phiên dịch. Họ được trang bị vũ khí do Triều Tiên sản xuất, bao gồm pháo “Koksan” 170mm. Họ cũng thử món ăn Nga và yêu thích nhạc rap Nga.

Ban đầu rào cản ngôn ngữ là trở ngại đáng kể với các quân nhân Triều Tiên. Để vượt qua khó khăn này, họ ghi nhớ một bảng 10 câu lệnh thiết yếu bằng tiếng Nga, như “Ẩn nấp”, “Yểm trợ cho tôi” và “Bắn”.

Một sĩ quan Nga, sử dụng hô hiệu Kondrat, nói rằng thử thách khó khăn nhất là điều chỉnh lối đánh của binh sĩ Triều Tiên. Người sĩ quan này giải thích: “Lính Triều Tiên muốn xung phong theo đội hình như trong sách vở. Chúng tôi phải thuyết phục họ tiến công bằng những đội nhỏ và linh hoạt vì như thế sẽ hiệu quả hơn”.

Thêm các nhận định từ phía Nga

Andrei Kolesnik - thành viên Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Nga, ca ngợi năng lực tác chiến của lính Triều Tiên: “Họ là tài sản quý. Binh lính Nga chúng tôi đã chiến đấu thực tế từ năm 2014 và có nhiều kinh nghiệm từ đó. Quân Triều Tiên giúp đỡ chúng tôi và cũng thu được kinh nghiệm từ đó. Một đội quân mà không trải qua thực chiến thì thường bị mất đi độ sắc bén về kỹ năng chiến đấu”.

Nhà phân tích Oleg Glazunov cùng chung nhận định: “Lực lượng đặc nhiệm của họ thuộc vào hàng tốt nhất thế giới nhưng chưa trải qua thực chiến từ thập niên 1950. Giờ họ đối mặt với UAV, pháo binh hiện đại và loại hình chiến trường mới”.

Nghị sĩ Kolesnik cũng cho rằng binh lính Triều Tiên đã chiến đấu với lòng can đảm và tính kỷ luật. Theo ông Kolesnik, phẩm chất này của người lính Triều Tiên thực sự nổi bật trong bối cảnh thế giới hiện nay. “Ai cũng có thể học được một vài điều từ Bình Nhưỡng”.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: RT

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/tinh-chien-dau-keo-son-giua-nga-va-trieu-tien-tu-qua-khu-den-hien-tai-post1196555.vov
Zalo