Tình báo Mỹ và châu Âu tiết lộ tác nhân gây đứt cáp ngầm dưới biển Baltic
Nhiều sự cố đứt cáp ngầm dưới biển Baltic trong những tháng gần đây có thể là do sự cố hàng hải.
Các sự cố này không phải do Nga phá hoại, theo một số quan chức tình báo Mỹ và châu Âu.
Kết luận này phản ánh sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các cơ quan an ninh Mỹ và châu Âu, theo các quan chức cấp cao từ ba quốc gia tham gia vào cuộc điều tra đang diễn ra về một loạt sự cố mà các tuyến năng lượng và thông tin liên lạc quan trọng dưới đáy biển đã bị cắt đứt.
Các vụ việc đã làm dấy lên nghi ngờ rằng Nga đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dưới biển như một phần của chiến dịch tấn công hỗn hợp rộng lớn hơn trên khắp châu Âu. Nga đã bác bỏ cáo buộc.
Cho đến nay, các quan chức cho rằng, các cuộc điều tra của Mỹ và một số cơ quan an ninh châu Âu đã không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy các tàu thương mại bị nghi kéo neo qua các hệ thống dưới đáy biển đã làm như vậy một cách cố ý hoặc theo chỉ đạo của Moskva.
Thay vào đó, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết bằng chứng thu thập được cho đến nay chỉ ra các sự cố do các thủy thủ đoàn thiếu kinh nghiệm phục vụ trên các tàu được bảo trì kém gây ra.
Các quan chức Mỹ đã trích dẫn "những lời giải thích rõ ràng" đã được đưa ra ánh sáng trong từng trường hợp, cho thấy khả năng thiệt hại là do sự cố và thiếu bằng chứng cho thấy Nga có liên quan. Các quan chức của hai cơ quan tình báo châu Âu cho biết họ đồng tình với đánh giá của Mỹ.
Mặc dù ban đầu nghi ngờ Nga có liên quan, nhưng một quan chức châu Âu cho biết có bằng chứng ngược lại. Các quan chức Mỹ và châu Âu từ chối giải thích thêm và phát biểu với điều kiện giấu tên, với lý do tính nhạy cảm của các cuộc điều tra đang diễn ra.
Các cuộc điều tra tập trung vào ba sự cố trong 18 tháng qua, trong đó các tàu di chuyển đến hoặc đi từ các cảng của Nga bị nghi ngờ đã cắt đứt các liên kết quan trọng trong một mạng lưới đường ống dẫn khổng lồ dưới nước, mang khí đốt, điện và lưu lượng internet đến hàng triệu người trên khắp Bắc Âu.
Trong trường hợp gần đây nhất, Phần Lan đã bắt giữ một tàu chở dầu bị nghi ngờ kéo neo qua đường dây điện ngầm nối Phần Lan và Estonia. Chính quyền Phần Lan cho biết tàu Eagle S là tàu chở dầu giúp Moskva bán dầu trên thị trường toàn cầu.
Các trường hợp trước đó liên quan đến một tàu container đăng ký ở Hong Kong (Trung Quốc) có tên NewnewPolar Bear. Tàu này đã làm vỡ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Vịnh Phần Lan vào tháng 10/2023. Ngoài ra, một tàu Trung Quốc tên Yi Peng 3 đã cắt hai cáp dữ liệu ở vùng biển Thụy Điển vào tháng 11 năm ngoái.
Tại hội nghị thượng đỉnh Baltic ở Helsinki vào ngày 14/1 vừa qua, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã công bố kế hoạch tuần tra mới của các tàu khu trục nhỏ, máy bay, vệ tinh, tàu ngầm và một hạm đội nhỏ gồm các thiết bị bay không người lái hải quân được thiết kế để phát hiện hành vi phá hoại dưới biển.
Mặc dù có những tiến bộ trong khả năng giám sát dưới biển, nhưng việc xác định các cuộc tấn công là rất khó khăn. Vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream giữa Nga và Đức vào tháng 9/2022 ban đầu bị đổ lỗi rộng rãi cho Nga nhưng hiện được cho là do một sĩ quan quân đội cấp cao của Ukraine có quan hệ sâu sắc với các cơ quan tình báo của nước này thực hiện.
Các quan chức an ninh châu Âu cho biết cơ quan tình báo của Phần Lan đồng ý với các đối tác phương Tây rằng vụ việc ngày 25/12 vừa qua dường như là một sự cố.