Tình bạn cao nguyên
Tôi trèo lên mỏm đá cao, nhón chân với lấy chùm trái dâu rừng chín mọng, khoan khoái thưởng thức, ngửa mặt lên trời tận hưởng cảm giác mà khó có thể tìm thấy ở chốn thị thành.
- Chỗ đó có tổ ong đấy!
Đang lim dim phiêu theo dòng suy nghĩ, tôi bất ngờ bị đánh thức bởi chất giọng trầm ồ đặc trưng của người miền núi, là Điểu Lang, anh bạn người M’nông mà tôi mới quen gần đây.
- Đâu? Có tổ ong hả? Có lấy được không?
Tôi vừa hỏi vừa dáo dác tìm kiếm.
- Được, nhưng đợi một lát, phải có đồ nghề.
Nói đoạn, anh chàng lôi từ trong ba lô sờn cũ ra một bộ áo mưa, một cây sào tre có móc tự chế và bảo tôi.
- Tránh xa ra nhé, chui xuống phía dưới kia đi.
Tôi ngoan ngoãn nghe lời. Bởi những ngày bỏ phố lên rừng của tôi kéo dài chưa được bao lâu mà Điểu Lang đã cứu nguy cho tôi hai lần rồi. Một bận vào tuần trước, khi tôi bị trượt chân xuống thác, cũng may Điểu Lang xuất hiện kéo tôi lên bờ. Bận khác, tôi bị chú chó nhà Thị Hen rượt, cũng là Điểu Lang xuất hiện cứu nguy. Vì vậy tôi mến cậu bạn này lắm.
Điểu Lang ít nói, dường như chỉ nói lúc cần, còn lại chỉ cười cười, rất hiền và hướng nội. Tôi nhí nhảnh, năng động, nói nhiều, thành thử có một người chịu ngồi nghe mình nói linh tinh cũng vui.
Tôi sinh ra và lớn lên ở chốn thành thị. Tháng trước vì thất tình, sau đó lại thất nghiệp nên trong lúc buồn bực, tôi dùng hết số tiền tiết kiệm được sau 3 năm đi làm để lên đây "ở ẩn". Ý định ban đầu của tôi là đi Đắk Lắk, nhưng xe đò chạy ngang qua địa phận xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp thì bị hỏng, thế là tôi xuống xe. Cứ thế tôi vác ba lô đi men theo con đường đất đỏ vào buôn làng.
Bon Ol butung nằm khá sâu bên trong so với đường quốc lộ, là nơi đồng bào M’nông sinh sống, thi thoảng giữa những ngôi nhà sàn xen lẫn một vài căn nhà khang trang của người Kinh. Mọi người thấy tôi thì bất ngờ lắm, vì rất hiếm khi có người lạ tới đây. Thấm thoắt cũng đã gần một tháng, tôi dần quên những nỗi buồn và áp lực, cảm thấy mỗi sáng thức dậy được hít thở không khí trong lành giữa tiếng chim hót véo von thật sảng khoái.
Tôi bắt đầu mở lớp dạy chữ miễn phí cho mấy bạn nhỏ trong bon vào buổi tối. Ban ngày, tôi đi khắp bon chụp ảnh, viết bài gửi cộng tác với một số báo. Ngoài giờ lên rẫy thì Điểu Lang luôn đồng hành với tôi. Hôm nọ, tôi nói với cậu ấy về việc mình sắp quay trở lại thành phố, đôi mắt to với hàng mi rậm của cậu chớp chớp, thoáng chút buồn…
Tôi nhờ Điểu Lang chở ra chợ, tìm mua vài món quà tặng các bạn nhỏ trong buôn. Tôi cũng mua tặng Điểu Lang một cây viết và mũ bảo hiểm mới, không quên dặn cậu nhớ viết thư cho tôi. Tối đó, chúng tôi ngồi nói chuyện tới tận khuya. Lúc này tôi mới biết, Điểu Lang không được đi học, cậu không biết chữ, vậy mà tôi còn dặn cậu ấy viết thư cho mình. Trong lòng tôi áy náy vô cùng.
Ngày về rồi cũng tới, tôi mang theo rất nhiều niềm thương nhớ của núi rừng Tây Nguyên về lại Sài Gòn đông đúc, ngột ngạt. Thi thoảng, khi gặp áp lực trong công việc, tối về tôi lại gọi điện thoại cho Điểu Lang. Dù cậu không biết an ủi hay nói những lời động viên nhưng cậu ấy luôn lắng nghe và tôi cần điều đó.
Và đến một ngày, tôi nhận được lá thư tay từ Điểu Lang, khỏi nói tôi đã bất ngờ thế nào. Bức thư vỏn vẹn 5 dòng với nét chữ nguệch ngoạc, có chỗ còn viết sai chính tả nhưng khiến tôi vui biết bao. Cậu ấy viết thư để thông báo cho tôi rằng cậu đã đi học chữ.
Và tôi tin rằng, dẫu năm tháng qua đi, cậu vẫn mãi là điểm tựa tinh thần vững chãi của tôi…