Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải Đông Nam Á vào 2025

Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 11,72%, cao nhất trong 10 năm qua, nhờ vào sự đóng góp từ cảng biển. Đầu tư hạ tầng và tối ưu hóa quy trình tại cảng đang giúp tỉnh tiến gần mục tiêu thành trung tâm dịch vụ hàng hải Đông Nam Á...

Ảnh minh họa: Toàn cảnh đón tàu trọng tải trên 200 ngàn tấn tại Cái Mép - Thị Vải.

Ảnh minh họa: Toàn cảnh đón tàu trọng tải trên 200 ngàn tấn tại Cái Mép - Thị Vải.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang chứng kiến những đột phá mạnh mẽ trong ngành cảng biển và logistics, với những kết quả ấn tượng trong năm 2024. Cụ thể, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng của tỉnh đạt hơn 138,2 triệu tấn, vượt 23% so với kế hoạch đề ra. Sản lượng hàng hóa tính theo TEU (đơn vị đo lường container 20 feet) đạt 10,8 triệu TEU, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Những thành tích này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của ngành cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, nhờ vào các giải pháp cải thiện hạ tầng và tối ưu hóa quy trình hoạt động. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang đối mặt với một số thách thức để phát huy tiềm năng xứng tầm với nội lực.

ƯU TIÊN NÂNG CẤP HẠ TẦNG ĐỂ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG

Một trong những cột mốc quan trọng là Cảng quốc tế Gemalink trở thành đơn vị đầu tiên xếp dỡ cùng lúc hai tàu tải trọng lớn với sản lượng xếp dỡ cao nhất Việt Nam, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cùng với đó, Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải cũng xác lập mốc 1 triệu TEU trong năm nay, củng cố vai trò quan trọng trong việc biến cụm cảng này trở thành cảng trung chuyển hàng đầu khu vực.

Cảng Quốc tế Gemalink - Ảnh: Gemalimk.

Cảng Quốc tế Gemalink - Ảnh: Gemalimk.

Sự tăng trưởng này không chỉ đến từ sự phát triển của các cảng biển, mà còn nhờ vào việc nâng cấp hạ tầng giao thông và các sáng kiến phát triển logistics. Nỗ lực trong việc nạo vét luồng hàng hải Vũng Tàu - Cái Mép xuống độ sâu âm 15,5m đã giúp tăng khả năng đón các tàu lớn và rút ngắn thời gian chờ đợi thủy triều, từ đó giảm chi phí cho các hãng tàu và nâng cao hiệu quả sản xuất. Đầu tư vào hạ tầng giao thông luôn là ưu tiên đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để đảm bảo kết nối đồng bộ, tạo điều kiện phát triển cảng biển và dịch vụ logistics trong những năm tới.

HƯỚNG ĐẾN TRUNG TÂM LOGISTICS HÀNG ĐẦU KHU VỰC

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong các ngành mũi nhọn như cảng biển, logistics, và hóa dầu.

Thứ nhất,thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đặc biệt trong ngành logistics. Dù tỉnh sở hữu nhiều ngành kinh tế trọng điểm như hóa dầu, logistics, cảng biển, và điện, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao vẫn rất lớn. Mỗi năm, Bà Rịa - Vũng Tàu cần khoảng 1.500 lao động có tay nghề cao cho các dự án lớn như Cái Mép và tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Dù có nhiều chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực ngành logistics vẫn thiếu trầm trọng. Tỉnh cần tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế để đẩy mạnh đào tạo nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành cảng biển và logistics.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics vẫn còn nhiều hạn chế. Các dịch vụ vận chuyển và kho bãi cần tối ưu hóa nhờ công nghệ hiện đại, cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ ba, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư chưa hiệu quả. Mặc dù tổng vốn đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu trong và ngoài nước đạt 1,919 tỷ USD, tăng 1,86 lần so với năm trước, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực vẫn là một thách thức. Các dự án lớn như nhà máy Polypropylene và kho ngầm LPG của Công ty Hyosung Vina (1,67 tỷ USD) và Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (5,3 tỷ USD) đã đi vào hoạt động, nhưng ngành hóa dầu đang gặp khó khăn do chu kỳ suy thoái. Các chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất và chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu.

Để hỗ trợ, các cơ quan chức năng cần có chính sách ưu đãi thuế và bảo hộ ngành hóa dầu trong nước, đồng thời đảm bảo môi trường pháp lý minh bạch để thu hút đầu tư quốc tế vào các dự án cảng biển và logistics.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh đang phấn đấu sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Mục tiêu này nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, đặc biệt trong các ngành logistics và cảng biển, đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam. Tỉnh xác định ngành logistics là một trong bốn trụ cột kinh tế chính, với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển, dịch vụ hàng hải khu vực Đông Nam Á và đầu mối logistics lớn của vùng Đông Nam Bộ vào năm 2025.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần giải quyết những thách thức liên quan đến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, và thúc đẩy chuyển đổi số. Mặt khác, việc hình thành các trung tâm logistics lớn sẽ cần sự đầu tư mạnh mẽ từ cả khu vực công và khu vực tư nhân, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong phát triển.

Quỳnh Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tinh-ba-ria-vung-tau-dat-muc-tieu-tro-thanh-trung-tam-dich-vu-hang-hai-dong-nam-a-vao-2025.htm
Zalo