'Tỉnh an toàn giao thông' không chỉ dừng ở mô hình thí điểm
Tháng 9 năm ngoái, Bộ Công an đã chọn Bắc Ninh làm thí điểm xây dựng mô hình 'Tỉnh an toàn giao thông'. Dù mới 1 năm triển khai thực hiện, nhưng mô hình 'Tỉnh an toàn giao thông' ở Bắc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao khi làm thay đổi bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Bắc Ninh đã triển khai mô hình với cách làm, bước đi phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể, đạt những kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Ngay khi được chọn làm thí điểm, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 87-NQ/TU về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" và triển khai đến từng cấp, ngành, đến tận các chi bộ, đảng bộ cơ sở, khu phố.
Ở thời điểm Nghị quyết số 87-NQ/TU chưa được ban hành, tình hình trật tự an toàn giao thông ở Bắc Ninh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: Hạ tầng giao thông chưa tương xứng với quy mô phát triển kinh tế - xã hội và mật độ phương tiện; còn nhiều bất cập về tổ chức giao thông; hình thành một số điểm ùn tắc giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông; vi phạm về trật tự, an toàn giao thông còn xảy ra ở nhiều nơi, kể cả trên các tuyến đường thủy, đường sắt; vẫn còn tiềm ẩn tình trạng xe quá khổ, quá tải, vượt quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi tham gia giao thông; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông còn thấp…
Nhận thức rõ những tồn tại, bất cập, Bắc Ninh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tỉnh đặt quyết tâm đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về Luật Giao thông đường bộ, sao cho phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng. Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, kết nối hài hòa các phương thức giao thông vận tải; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan bảo đảm trật tự an toàn giao thông tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện mục tiêu phải làm thay đổi diện mạo trật tự an toàn giao thông, tỉnh lấy con người làm trung tâm, là trọng tâm, là chủ thể nhằm thực hiện hiệu quả mô hình “Tỉnh an toàn giao thông”; Khơi dậy niềm tự hào, hình thành đặc trưng "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh; Khắc phục triệt để các bất cập trong tổ chức giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện; Ứng dụng triệt để công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông, trong đó phải tạo chuyển biến trước hết từ hệ thống chính trị, lan tỏa đến các tổ chức, doanh nghiệp, trường học, tổ dân phố, thôn xóm, các dòng họ, tôn giáo và nhân dân.
Có thể nói, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, bước đầu làm thay đổi bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, nếu như một số hạn chế, bất cập về trật tự an toàn giao thông tồn tại nhiều năm trước đây, thì khi thực hiện “Tỉnh an toàn giao thông”, Bắc Ninh đã khắc phục được.
Cụ thể, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân có chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người Bắc Ninh. Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông được đổi mới, hiệu quả; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Trật tự công cộng được xử lý quyết liệt, tạo bộ mặt đường phố, lòng đường, vỉa hè thông thoáng, an toàn; tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Những kết quả đạt được cho thấy, việc triển khai mô hình "Tỉnh an toàn giao thông" ở Bắc Ninh có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Nếu từng tỉnh, từng thành phố bảo đảm an toàn giao thông thì cả nước an toàn giao thông. Bởi vậy, từ hiệu quả bước đầu triển khai thí điểm ở Bắc Ninh, mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” cần được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành phổ khác trên cả nước, có lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương.
Muốn vậy, mô hình này cần được đánh giá một cách toàn diện, từ việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện, ứng dụng khoa học công nghệ, việc quản lý nguồn lực, công tác phối hợp thực hiện; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông... Có như vậy mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” phát huy được hiệu quả lâu dài, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.