Tin vui cho người trồng thanh long
Tin vui đến với nông dân trồng thanh long đó là, UBND tỉnh vừa công nhận 30 sản phẩm/ bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024, trong đó có tới 10 sản phẩm chế biến từ thanh long.
Các sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chế biến từ thanh long bao gồm: Các sản phẩm thanh long đỏ lên men; nước ép thanh long 100% nguyên chất; bộ sản phẩm thanh long sấy dẻo đỏ, thanh long sấy dẻo trắng; bộ sản phẩm rượu vang thanh long đỏ và rượu vang thanh long trắng; nước ép thanh long Bảo Long; bộ sản phẩm vang Khải Hoàn thanh long trắng và vang Khải Hoàn thanh long đỏ; bộ sản phẩm rượu vang thanh long Pitayana trắng và rượu vang thanh long Pitayana đỏ; dầu hạt thanh long; bộ sản phẩm trà hoa thanh long; hoa thanh long sấy. Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận, sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh, với hơn 33.000 ha cùng với trên 30 ngàn hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70.000 - 80.000 lao động. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của thanh long Bình Thuận chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn trái. Dù diện tích và sản lượng lớn nhưng giá cả và đầu ra của mặt hàng này liên tục bấp bênh. Bởi lẽ, theo lối mòn truyền thống của người dân và doanh nghiệp là trồng thanh long rồi vận chuyển đường bộ tới biên giới Trung Quốc bán tiểu ngạch nên quanh đi quẩn lại điệp khúc được mùa mất giá. Đặc biệt là vào chính vụ, do sản lượng thanh long lớn nên giá rất rẻ, cộng với việc thị trường tiêu thụ nước ngoài ngày càng khó tính, đòi hỏi trái thanh long phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, dẫn đến đầu ra cho trái thanh long không được đảm bảo. Mặt khác, thời gian bảo quản thanh long cũng khá ngắn nếu không có các biện pháp bảo quản thích hợp. Mặc dù đã khuyến cáo các doanh nghiệp và nông dân phải chuyển sang chuyên canh thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, EURO GAP để có thể xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ, Đài Loan… Tuy vậy, người dân vẫn trồng thanh long theo lối cũ nên đầu ra giá cả vẫn bấp bênh.
Hiện nay thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường chủ yếu vẫn là trái tươi, do đó giải pháp đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thanh long là rất cần thiết. Nhằm đa dạng sản phẩm thanh long, nhiều công ty, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu sản phẩm mới từ thanh long, tạo đầu ra cho trái thanh long. Để giải quyết khó khăn đó nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có giải pháp là chế biến các sản phẩm từ trái thanh long. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu để chế biến ra các sản phẩm từ hoa và trái thanh long bước đầu đã mang lại hiệu quả. Câu chuyện bánh mì, mì tôm làm từ trái thanh long cũng đã truyền cảm hứng đến nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến các sản phẩm khác từ thanh long không chỉ là trào lưu tức thời mà các sản phẩm chế biến từ thanh long được kỳ vọng góp phần tạo đầu ra lâu dài cho loại nông sản này. Thực tế đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu để chế biến các sản phẩm từ thanh long và đã có những thành công nhất định. Các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy, trong vỏ và ruột thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ chứa nhiều hợp chất đa vòng có thể được sử dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao như betanin, phyllocactin, hylocerenin… Đặc biệt vỏ trái thanh long chứa nhiều thành phần betacyanin, các hợp chất màu này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y dược, môi trường, thực phẩm. Do đó, để tăng giá trị và nâng cao hiệu quả kinh tế từ trái thanh long nhiều nhà nghiên cứu đặt ra mục tiêu là sẽ chiết xuất hiệu quả các hợp chất màu từ trái thanh long và ứng dụng để chế tạo các sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm, định hướng ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm và môi trường.
Có thể nói, từ các nghiên cứu để sản xuất ra các sản phẩm từ thanh long đã mở ra nhiều hướng đi mới để từng bước khai thác các tiềm năng, nâng cao giá trị, để mặt hàng này có thể phát triển một cách căn cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng. Cũng từ đây sẽ không còn cảnh trái thanh long được mùa mất giá của nông dân mà sẽ thúc đẩy khâu chế biến đa dạng sản phẩm sau thu hoạch của loại trái cây xuất khẩu chủ lực này để tạo ra những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.