Tin tức thế giới 24 giờ: Rộ tin Nga điều quân từ châu Phi về bảo vệ vùng Kursk

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas, nhiều diễn biến mới nảy sinh khi mỗi ngày trôi qua.

Rộ tin Nga điều quân từ châu Phi về bảo vệ vùng Kursk

Các thành viên của lữ đoàn Medvedi (tiếng Anh: Bears) đang đóng quân tại quốc gia Burkina Faso ở châu Phi sẽ được điều động đến vùng Kursk để ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Ukraine, tờ Le Monde đưa tin hôm 30/8.

Theo tờ báo Pháp, lữ đoàn gồm 300 thành viên này, được cho là có liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga, đồn trú tại Burkina Faso từ tháng 5, thực hiện đảm bảo an ninh cho một số nhân vật chủ chốt, bao gồm cả người được cho là đứng đầu chính quyền quân sự, Đại úy Ibrahim Traoré.

Sự hiện diện của họ ở quốc gia Tây Phi này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Nga nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trên “lục địa đen”. Tuy nhiên, khoảng 100 thành viên thuộc Medvedi đang được rút về.

Nga được cho là đang đưa100 sĩ quan bán quân sự của mình khỏi Burkina Faso về nước để bảo vệ vùng Kursk. Ảnh: Yahoo!News

Nga được cho là đang đưa100 sĩ quan bán quân sự của mình khỏi Burkina Faso về nước để bảo vệ vùng Kursk. Ảnh: Yahoo!News

Theo Le Monde, lý do chính thức khiến họ đột ngột rời đi, chỉ 3 tháng sau khi đến, là do họ được điều động tham gia vào các nỗ lực phòng thủ của Nga tại khu vực Kursk – nơi đã chứng kiến hoạt động quân sự gia tăng kể từ khi Ukraine phát động cuộc tấn công vào ngày 6/8.

Chỉ huy lữ đoàn Medvedi, Viktor Yermolayev, hoạt động dưới bí danh "Jedi", đã xác nhận việc tái triển khai trong một cuộc trao đổi với Le Monde vào ngày 22/8 thông qua dịch vụ nhắn tin được mã hóa Telegram.

Ông cho biết quyết định rút khỏi Burkina Faso là để đáp lại nhu cầu cấp thiết phải tăng cường phòng thủ của Nga trước cuộc tiến công của Ukraine. Ông Yermolayev tuyên bố, "Tất cả binh lính Nga đang quên đi vấn đề của họ và đoàn kết để chiến đấu với kẻ thù".

Các chi tiết khác xuất hiện vào ngày 27/8 khi kênh Telegram của lữ đoàn công bố một thông điệp xác nhận họ sẽ quay trở lại Crimea, nơi nhóm này đóng quân. Thông điệp này liên kết trực tiếp việc tái triển khai với các sự kiện gần đây ở khu vực Kursk, nhấn mạnh vai trò của lữ đoàn trong việc ứng phó với mối đe dọa quân sự gia tăng.

Ukraine thay chỉ huy không quân sau vụ F-16 rơi

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 30/8 đã cách chức Chỉ huy Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk, theo một sắc lệnh của Tổng thống.

Việc sa thải được công bố chỉ một ngày sau khi Quân đội Ukraine xác nhận rằng một máy bay phản lực F-16 đã bị rơi và phi công lái chiếc tiêm kích này đã tử nạn khi đẩy lùi một cuộc tấn công lớn của Nga hôm 25/8.

Ông Zelensky không đưa ra lý do sa thải, nhưng đề cập rằng nhân sự phải được bảo vệ và cần phải tăng cường cấp chỉ huy. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, Trung tướng Anatoliy Kryvonozhka sẽ tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ chỉ huy lực lượng này.

Quân đội Ukraine không đưa ra lý do cho vụ rơi máy bay nhưng cho biết máy bay đã rơi khi đang tiếp cận một mục tiêu của Nga. Ông Oleshchuk hôm 25/8 cho biết rằng các đối tác từ Mỹ đang giúp điều tra vụ việc.

Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Reuters rằng vụ rơi máy bay dường như không phải do hỏa lực của Nga và các nguyên nhân có thể là do lỗi của phi công hoặc hỏng hóc cơ học, và vụ việc vẫn đang được điều tra.

Gã khổng lồ quốc phòng Mỹ bị phạt vì xuất khẩu hàng cấm

RTX Corp (trước đây là Raytheon) sẽ phải nộp khoản tiền phạt 200 triệu USD để giải quyết các cáo buộc rằng gã khổng lồ hàng không vũ trụ & quốc phòng này đã 750 lần vi phạm Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ đề ngày 30/8.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các nhân viên của RTX đã tham gia vào nhiều vụ mua bán thương mại trực tiếp bất hợp pháp, bao gồm việc xuất khẩu trái phép hàng hóa quốc phòng tới các địa điểm bị hạn chế, bao gồm Iran, Lebanon, Nga và Trung Quốc.

RTX đã tự nguyện tiết lộ tất cả các hành vi vi phạm bị cáo buộc và hợp tác với các nhà điều tra. Một nửa số tiền phạt, 100 triệu USD, sẽ được hoãn trả với điều kiện số tiền này được sử dụng để tăng cường chương trình tuân thủ nội bộ của Raytheon.

Trong cuộc họp báo cáo thu nhập vào ngày 25/7, RTX nói với các nhà đầu tư rằng công ty đã dành ra khoảng 1 tỷ USD để giải quyết 3 vấn đề pháp lý riêng biệt "chủ yếu được xác định trong quá trình sáp nhập Rockwell Collins và Raytheon Co. vào RTX".

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố hôm 30/8 là vấn đề pháp lý đầu tiên trong số 3 vấn đề và bao gồm cả việc cung cấp nhầm tài sản trí tuệ và công nghệ cho quốc gia đối thủ của Mỹ.

Israel kết thúc chiến dịch ở Khan Younis và Deir al-Balah

Quân đội Israel hôm 30/8 tuyên bố đã kết thúc chiến dịch lớn kéo dài một tháng tại các thành phố Khan Younis và Deir al-Balah ở phía Nam Dải Gaza, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã tiêu diệt hơn 250 chiến binh trong nhiệm vụ này.

Các tuyến đường hầm do nhóm Hamas của Palestine sử dụng với tổng chiều dài hơn 6 km đã bị phá hủy trong chiến dịch và thi thể của 6 con tin đã được đưa về, Lực lượng Phòng vệ Israel (Quân đội Israel - IDF) cho biết.

Cùng ngày, Israel cho biết thủ lĩnh Hamas chịu trách nhiệm về thành phố Jenin ở Bờ Tây đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự quy mô lớn của họ ở phía Bắc khu vực này.

"Wassem Hazem, thủ lĩnh Hamas ở Jenin, đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch ở khu vực phía Bắc Samaria (Bờ Tây)", cơ quan tình báo nội địa Shin Bet và cảnh sát Israel cho biết trên nền tảng mạng xã hội X.

Hai thành viên Hamas khác có mặt trên chiếc xe chở ông Hazem cũng thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay khi họ cố gắng chạy trốn khỏi xe. Israel cho biết đã tìm thấy vũ khí và chất nổ trong xe.

Cơ quan y tế tại Ramallah (Bờ Tây) xác nhận có 3 trường hợp tử vong. Cơ quan này cho biết, tình hình ở Bờ Tây đã xấu đi đáng kể kể từ khi giao tranh nổ ra ở Gaza vào tháng 10 năm ngoái, với 643 người Palestine thiệt mạng trong các hoạt động quân sự, giao tranh hoặc các cuộc tấn công của Israel.

Binh sĩ Đức cuối cùng rời khỏi Niger

Quân đội Đức, Bundeswehr, hôm 30/8 đã chính thức rút những người lính cuối cùng khỏi Niger, kết thúc nhiệm vụ kéo dài 8 năm.

Cụ thể, 60 người lính cuối cùng trong khu vực đã được đưa bằng máy bay ra khỏi căn cứ không quân hiện đã bị bỏ hoang của quân đội tại thủ đô Niamey và về đến Đức vào cuối ngày 30/8.

Việc rút quân của Bundeswehr đã được chính thức hóa tại một buổi lễ ký kết ở Niamey, Niger. Ảnh: DW

Việc rút quân của Bundeswehr đã được chính thức hóa tại một buổi lễ ký kết ở Niamey, Niger. Ảnh: DW

Niger từ lâu đã được coi là đối tác đáng tin cậy của châu Âu và Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng năm ngoái, quốc gia này đã bị một chính quyền quân sự tiếp quản.

Berlin ban đầu đã công bố quyết định rút quân vào tháng 7, lưu ý rằng họ không có thỏa thuận hợp tác làm việc với chính quyền quân sự mới. Tổng cộng, từng có khoảng 3.200 binh lính Đức đã phục vụ trong khu vực trong quá trình triển khai.

Minh Đức

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-tuc-the-gioi-24-gio-ro-tin-nga-dieu-quan-tu-chau-phi-ve-bao-ve-vung-kursk-204240831094648139.htm
Zalo