Tin tức kinh tế ngày 10/11: giá sầu riêng tăng vọt, nguồn cung khan hiếm
Giá vàng nhẫn tăng nhẹ; quy mô nền kinh tế số Việt Nam vượt mốc 36 tỷ USD; giá sầu riêng tăng vọt, nguồn cung khan hiếm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 10/11.
Giá sầu riêng tăng vọt, nguồn cung khan hiếm
Vừa qua, ngày 9/11 công ty và vựa thu mua sầu riêng tại Tiền Giang đã công bố mức giá thu mua sầu riêng Thái loại A (trọng lượng từ 1,9 - 5kg) từ 190.000 - 195.000 đồng/kg. Loại B có giá thấp hơn, từ 170.000 - 175.000 đồng/kg.
Sầu riêng Ri 6 loại A cũng có mức giá từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, trong khi loại B dao động từ 115.000 - 120.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục, phản ánh nhu cầu lớn từ thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh các vựa thu mua đang gặp phải tình trạng khan hiếm hàng.
Tuy nhiên, dù mức giá này hấp dẫn, tình trạng cung cấp hàng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của các thương lái. Theo thông tin từ nhiều vựa thu mua, dù đã đưa ra mức giá cao, nhưng số lượng sầu riêng thu mua vẫn hạn chế.
Giá vàng nhẫn tăng nhẹ
Giá vàng thế giới trong ngày 10/11 giao ngay ở mức 2.684,7 USD/ounce, giữ ổn định so với phiên trước.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 10/11, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 82 – 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng miếng DOJI niêm yết ở mức 82 – 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn tròn trơn tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết 83,42 – 85,12 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên chiều mua vào nhưng tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với hôm qua so với chốt phiên hôm qua.
Hơn 202.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến nay, bình quân một tháng cả nước có hơn 20.200 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cụ thể, trong tháng 10, cả nước có gần 14.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 153.500 tỷ đồng, tăng 26,5% về số doanh nghiệp và tăng 65,4% về vốn đăng ký so với tháng 9/2024. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giảm 9,8% về số doanh nghiệp và tăng 9,5% về số vốn đăng ký.
Tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước có gần 136.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% về số doanh nghiệp và tăng 4,1% về vốn đăng ký. Bình quân số vốn đăng ký của một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2024 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Quy mô nền kinh tế số Việt Nam vượt mốc 36 tỷ USD
Báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company ước tính nền kinh tế số tại Việt Nam có quy mô 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động 90-200 tỷ USD.
Như mọi năm, thị trường thương mại điện tử tiếp tục là trụ cột chính khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế số. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, quy mô của thị trường thương mại điện tử có thể mở rộng lên 63 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các ngành vận tải và thực phẩm đóng góp 4 tỷ USD, du lịch trực tuyến góp 5 tỷ USD và truyền thông trực tuyến góp 6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực này đều khoảng 12-16%.
Hà Nội thúc đẩy kích cầu tiêu dùng
UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên địa bàn Hà Nội năm 2025.
Kế hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương, hợp tác liên kết trong đầu tư sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường.
TP sẽ sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới. Khơi thông thị trường, khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất mà thành phố có thế mạnh, năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu.