Tin tức kinh tế 4/1: Hà Nội thu ngân sách cao kỷ lục
Giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc; kinh tế Thủ đô hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8%; gần 10.000 tỷ đồng vốn được huy động qua thị trường chứng khoán… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 4/1.
Hà Nội dẫn đầu thu ngân sách với hơn 500.000 tỷ đồng
Thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội trong năm 2024 ước đạt 509.300 tỷ đồng, đạt 124,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,8% so với năm liền trước.
Đây là lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 473.800 tỷ đồng, đạt 125,2% dự toán và tăng 24,3%; thu từ dầu thô 4.800 tỷ đồng, đạt 158,8% và tăng 5,2%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 30.400 tỷ đồng, đạt 112,7% và tăng 25,4%.
Cũng trong năm 2024, chi ngân sách địa phương ước thực hiện 112.100 tỷ đồng, đạt 78,7% dự toán năm và tăng 1,4% so với năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển 56.600 tỷ đồng, đạt 73,5% dự toán và giảm 0,7%; chi thường xuyên 55.400 tỷ đồng, đạt 96,7% và tăng 3,7%.
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố năm 2024 đạt 548.700 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023. Trong đó, vốn nhà nước 208.600 tỷ đồng, tăng 17,8%; vốn ngoài nhà nước 305.000 tỷ đồng, tăng 6,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 35.100 tỷ đồng, tăng 8,1%.
Giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc
Giá vàng thế giới trong ngày 4/1 giao ngay 2639,12 USD/ounce, giảm 24,03 USD/ounce so với ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng tại Công ty SJC tăng thêm nửa triệu đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua, nâng giao dịch lên 84 – 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra ra với chốt phiên ngày hôm qua.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng, vàng miếng SJC đang giao dịch ở mức 84,9 – 85,5 triệu đồng/lượng, ổn định cả chiều mua vào và bán ra ra với chốt phiên ngày hôm qua.
Đối với giá vàng nhẫn, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI được niêm yết ở mức 84,5 - 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra ra với chốt phiên ngày hôm qua.
Gần 10.000 tỷ đồng vốn được huy động qua thị trường chứng khoán
Phát biểu tại lễ đánh cồng và thực hiện nghi thức đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán năm 2025 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá, năm 2024 là một năm khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng.
Mặc dù chịu áp lực lớn từ tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán quốc tế nhưng vẫn hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng và ghi nhận những kết quả nổi bật nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước.
Bộ trưởng cũng cho biết, các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đã huy động gần 10.000 tỷ đồng vốn qua TTCK, khẳng định TTCK dần trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tính đến cuối tháng 11/2024 đạt hơn 9,16 triệu tài khoản, tăng 26% so với cuối năm 2023.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 khoảng 6,5%
Tại Tọa đàm "Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025", nhận định về tiềm năng phát triển của nền kinh tế trong năm 2025, các chuyên gia dự báo ở mức 6,5%, song cũng nhấn mạnh nếu tận dụng được chính sách thương mại mới để nâng vị thế cạnh tranh toàn cầu, tăng trưởng của Việt Nam có thể bứt tốc đáng kể.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) TS Nguyễn Quốc Việt thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển.
Bên cạnh đó, việc đồng USD suy yếu và chính sách giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hỗ trợ kinh tế vĩ mô, thuận lợi cho ngành xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận vào thị trường Mỹ.
Mặc dù được dự báo vẫn còn một số rủi ro có thể gặp phải trong năm 2025, nhưng nếu tận dụng được chính sách thương mại mới của Mỹ thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về pháp lý; chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động, năng suất thấp; yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao.