Tin tức kinh tế 15/2: xuất khẩu cà phê dự báo vượt đỉnh lịch sử
Giá vàng đồng loạt giảm mạnh; dự báo xuất khẩu cà phê năm 2025 đạt 7 tỷ USD; dự kiến phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tháng 2/2025… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 15/2.
Dự báo xuất khẩu cà phê năm 2025 đạt 7 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tháng 1/2025, xuất khẩu cà phê ước đạt 140.000 tấn với giá trị đạt 763 triệu USD, giảm 41,1% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1/2025 ước đạt 5.450 USD/tấn, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Giá cà phê tăng vượt ngoài dự báo của doanh nghiệp. Để thích ứng với việc giá cà phê cao như hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê buộc phải mua cao, bán cao theo giá thị trường chứ không chốt giá trước từ sớm.
Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh Phan Minh Thông nhận định, các nhà mua cà phê thế giới sẽ đổ xô sang Việt Nam, Indonesia để mua cà phê do đó sắp tới dư địa tăng giá vẫn còn. Năm nay dự kiến, xuất khẩu cà phê sẽ thu về hơn 6 tỷ USD, thậm chí 7 tỷ USD. Đây là tín hiệu tích cực.
Giá vàng đồng loạt giảm mạnh
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay giảm 1,6% xuống còn 2.882,99 USD/ounce so với hôm qua.
Tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), niêm yết giá vàng miếng ở mức 87,3-90,3 triệu đồng/lượng giảm 1 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Tương tự vàng miếng, giá vàng nhẫn giảm 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều. Vàng nhẫn loại 999,9 đang được SJC giao dịch mở mức 87,3-90,1 triệu đồng/lượng.
Đề xuất miễn thuế hàng dưới 2 triệu đồng nhập qua thương mại điện tử
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT).
Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống. Tuy nhiên, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế nêu trên không quá 96 triệu đồng/năm.
Xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị năm 2024 vượt 100 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng của nước ta trong năm ngoái lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng là nhóm hàng đứng thứ 3 về kim ngạch (xếp sau nhóm hàng máy vi tính, điện tử và nhóm hàng điện thoại-linh kiện), với kim ngạch đạt trên 52,19 tỷ USD, tăng 21,02% so với năm 2023.
Còn nhập khẩu nhóm hàng này năm qua cũng tăng mạnh 17,59%, đạt gần 48,89 tỷ USD.
Dự kiến phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tháng 2/2025
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Kho bạc Nhà nước vừa văn bản gửi các nhà tạo lập thị trường và HNX thể hiện, mục đích phát hành là thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách Trung ương năm 2025.
Theo đó, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong tháng 2/2025 là giá trị 45.000 tỷ đồng.
Trong đó, khối lượng phát hành các đợt 5/2, 12/2, 19/2 là 11.000 tỷ đồng/đợt và đợt 26/2 là 12.000 tỷ đồng.
Thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT), nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
EU gửi 12 cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm, nông thủy sản Việt Nam.
Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã liên tiếp gửi 12 cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm, nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm này bị xử lý theo hình thức cảnh báo, thu hồi hoặc thậm chí tiêu hủy do không đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường EU.
Một trong những nguyên nhân chính là doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần thuộc nhóm “thực phẩm mới” theo quy định của EU.
Cụ thể, Đức và Áo đã phát hiện ra các sản phẩm như hạt é khô (thành phần được sử dụng trong nước giải khát) và thịt ốc bươu chưa được EU cấp phép. Các sản phẩm này đã bị thu hồi hoặc buộc phải rút khỏi thị trường.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng mắc sai sót trong việc khai báo thành phần sản phẩm. Điển hình như ghi nhãn sai nguyên liệu dễ gây dị ứng. Ví dụ, tôm tẩm bột đông lạnh không khai báo chất gây dị ứng (trứng có trong bột tẩm) và bột điều hữu cơ không đề cập đến đậu phộng, dẫn đến việc các sản phẩm này bị thu hồi.
Cùng với đó, sử dụng phụ gia trái phép hoặc vượt mức quy định. Nghiêm trọng nhất là trường hợp sản phẩm bít tết cá ngừ, khi phát hiện dư lượng acid ascorbic (E300) đạt 513mg/kg, vượt quá mức tối đa cho phép là 300mg/kg.
Ngoài ra, vi phạm quy định đối với “sản phẩm hỗn hợp”. Doanh nghiệp không thực hiện kiểm dịch thú y hoặc không khai báo đầy đủ các thành phần từ động vật tại cửa khẩu.