Tin tức Đời sống 27/12: Bác sĩ cảnh báo 3 không vào buổi sáng tránh nguy hiểm đến tính mạng

Cập nhật tin tức Đời sống ngày 27/12: Bệnh nhân đột quỵ gia tăng, nhiều người bị tàn phế; Bác sĩ cảnh báo 3 không vào buổi sáng...

Bệnh nhân đột quỵ gia tăng, nhiều người bị tàn phế

Số người bị đột quỵ tại Việt Nam vẫn gia tăng và khiến nhiều người lâm vào cảnh tàn phế do nhiều nguyên nhân.

PGS.TS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, cho hay nghịch lý này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay mỗi năm, toàn cầu có 13,7 triệu người bị đột quỵ, khiến 5,5 triệu người chết. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Theo TS.BS. Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tần suất lưu hành bệnh đột quỵ tại Việt Nam là 1.100-1.200/100.000 người. Tỷ lệ tử vong là 210/100.000 dân, cao gấp 3 lần so với Thái Lan.

Theo TS. Võ Văn Tân, hiện nay, số người bị đột quỵ tại Việt Nam vẫn gia tăng và khiến nhiều người lâm vào cảnh tàn phế do nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là trình độ của các bệnh viện điều trị đột quỵ chưa đồng đều.

"Một số nơi đã có khả năng điều trị chuyên sâu, số khác lại chỉ có thể điều trị ban đầu. Điều này khiến nhiều người bệnh chưa được chăm sóc tốt", bác sĩ Tân nhận định.

Bên cạnh đó, công tác điều trị thứ phát và phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ còn chưa được chú trọng.

Ngoài ra, ý thức người dân về đột quỵ dù đã tăng lên nhưng vẫn chưa cao. Nhiều người bệnh trước khi nhập viện được người nhà xử lý bằng những phương pháp dân gian, bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị.

Quan trọng nhất, Việt Nam chưa có nhiều chương trình lớn về tầm soát yếu tố nguy cơ để dự phòng tiên phát cũng giống như kiểm soát yếu tố nguy cơ cho người đột quỵ.

Tỷ lệ ca mắc đột quỵ của Việt Nam cao gấp 3 lần Thái Lan dù có trình độ ngang bằng.

Tỷ lệ ca mắc đột quỵ của Việt Nam cao gấp 3 lần Thái Lan dù có trình độ ngang bằng.

Bổ sung ý kiến, PGS.TS. Thắng cũng cho hay, chiến lược tầm soát của Việt Nam đang tập trung vào nhóm bệnh nhân nguy cơ cao (hút thuốc lá, có các bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch, béo phì…) mà quên mất nhóm còn lại.

"Để quản lý bệnh trong cộng đồng, bên cạnh nâng cao kỹ thuật, trước tiên phải nghĩ đến công tác phòng ngừa. Thực hiện kỹ thuật mới có thể cứu nghìn người nhưng có chiến lược phòng ngừa tốt có thể cứu được triệu người", ông nhấn mạnh.

Theo ông Thắng, Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ và cụ thể để đánh giá nguy cơ gây đột quỵ trong cộng đồng. Thực tế, đây là điều không dễ thực hiện vì có thể mất rất nhiều chi phí và nhân lực.

Vì thế, ông đề xuất giải pháp khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe. Đây là phương pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả, giúp ngành y tế nắm bắt và theo dõi dịch tễ học.

"Khi sử dụng, người dân cần khai báo bệnh sử của mình. Từ những thông tin này, ngành y tế có thể vẽ ra bức tranh toàn cảnh về dịch tễ học, từ đó đưa ra được những cách tiếp cận phù hợp hơn trong việc phòng ngừa bệnh đột quỵ cho người dân".

Một dạng viêm phổi biến chứng nguy hiểm khó lường

Viêm phổi thùy là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương tổ chức phổi như viêm ống phế nang, nhu mô phổi, túi phế nang, tiểu phế quản tận cùng. Bác sĩ Hà Thị Duyên, khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, cho biết nguyên nhân gây viêm phổi thùy có thể nhiều yếu tố khác nhau nhưng chủ yếu là:

- Vi khuẩn không điển hình thường gặp nhất là Mycoplasma pneumoniae và một số loại vi khuẩn khác như liên cầu, tụ cầu...

- Virus: virus cúm, sởi, ho gà...

- Ký sinh trùng

Bệnh có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm, chủ yếu là khi thời tiết giao mùa và gặp nhiều nhất vào mùa đông xuân. Ảnh: Divulgacao.

Bệnh có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm, chủ yếu là khi thời tiết giao mùa và gặp nhiều nhất vào mùa đông xuân. Ảnh: Divulgacao.

Theo bác sĩ Duyên, người dễ mắc viêm phổi thùy là trẻ em, người già, mắc các bệnh mạn tính, giảm miễn dịch, nghiện rượu, suy dinh dưỡng hoặc từng bị các bệnh phổi trước đó (viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, hen phế quản). Trong đó, trẻ em chiếm đa số.

Bệnh có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm, chủ yếu là khi thời tiết giao mùa và gặp nhiều nhất vào mùa đông xuân. Lúc này, tỷ lệ trẻ em và người cao tuổi mắc bệnh cao.

Bác sĩ cảnh báo 3 không vào buổi sáng

Lão Ngô (Trung Quốc) thức dậy sớm để đi tập thể dục ngoài trời lạnh giá. Một lúc sau, ông rơi vào tình trạng nguy kịch.

Theo Aboluowang, sau khi biết về thói quen sinh hoạt của Lão Ngô, các bác sĩ đã đưa ra một số cảnh báo.

Không nên dậy quá sớm

Bác sĩ Hàn Lệ Bội (Đại học Y Trung Quốc Bắc Kinh) cho rằng dậy quá sớm thực sự không tốt cho tim, đặc biệt với những người lớn tuổi thường xuyên tỉnh lúc 4-5h.

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng từ 3h tới 5h sáng là thời điểm điều hòa khí huyết. Nếu bạn không duy trì trạng thái ngủ ngon vào thời điểm này có thể dẫn tới lưu thông máu kém ở tim và các cơ quan khác nhau, thậm chí gây nhồi máu cơ tim và tử vong đột ngột.

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 60% số trường hợp tử vong trên toàn cầu xảy ra vào sáng sớm, trong đó có nhiều ca bệnh tim mạch. Các nhà khoa học từ Bệnh viện Đa khoa Leeds (Anh) ghi nhận nguy cơ đau tim trong thời kỳ lạnh giá từ tháng 11 đến tháng 4 cao hơn 50% so với giai đoạn ấm áp khác.

Không tiếp xúc chân trần với mặt đất khi ngủ dậy

Các chuyên gia thường xuyên nhắc mọi người không để cơ thể lập tức tiếp xúc với cái lạnh khi mới ngủ dậy. Năm 2023, tạp chí Nghiên cứu Giấc ngủ công bố nghiên cứu so sánh tình trạng sức khỏe của những người có thói quen ngủ dậy khác nhau. Họ nhận thấy rằng việc thường xuyên nằm trên giường khoảng 30 phút sau khi thức đem lại cảm giác dễ chịu, ít mệt mỏi, duy trì trạng thái tích cực hơn so với vội vã thức dậy.

Ngoài ra, một hành động cần tránh vào sáng sớm là để chân trần tiếp xúc với sàn lạnh, dễ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, đặc biệt là nhóm trung niên và cao tuổi có sức đề kháng suy giảm.

Không tập luyện quá sớm vào buổi sáng

Mọi người không nên vận động mạnh quá sớm, đặc biệt vào mùa đông. Khi nhiệt độ xuống thấp, tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và một số bệnh khác.

Tốt nhất, bạn nên đợi nhiệt độ tăng lên hoặc tập thể dục sau khi trời bắt đầu có nắng 1 tiếng để tránh những nguy cơ không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, khoảng thời gian trước khi mặt trời lặn (khoảng 17h) cũng thích hợp để vận động cơ thể.

T.M (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-27-12-bac-si-canh-bao-3-khong-vao-buoi-sang-tranh-nguy-hiem-den-tinh-mang-204241227115229483.htm
Zalo