Tin tức Đời sống 25/12: Trời lạnh, người trẻ cần cảnh giác với đột quỵ
Cập nhật tin tức Đời sống ngày 25/12: 5 lời khuyên giúp duy trì thói quen đi bộ; Trời lạnh, người trẻ cần cảnh giác với đột quỵ...
5 lời khuyên giúp duy trì thói quen đi bộ
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), đi bộ, chạy đều là hình thức tập luyện tốt cho cơ thể. Trung bình một người cần ít nhất 150 phút tập luyện mỗi tuần.
So với các hình thức tập luyện khác, đi bộ là đơn giản nhất, ai cũng thực hiện được nếu đủ kiên trì. Những người làm việc văn phòng nguy cơ mắc bệnh xương khớp, đau lưng, dễ stress, căng thẳng. Việc duy trì thói quen đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe, phát triển cơ bắp và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Dưới đây là 5 lời khuyên giúp duy trì thói quen đi bộ hiệu quả.
Thứ nhất, bạn lập kế hoạch đi bộ vào một giờ cụ thể trong ngày có thể sáng - tối phù hợp với công việc.
Thứ hai, bạn nên rủ người đồng hành giúp bạn cảm thấy thoải mái, có người nói chuyện và hỗ trợ nếu xảy ra bất thường về sức khỏe.
Thứ ba, chia nhỏ thời gian đi bộ. Bạn nên nhớ đi liên tục trong 60 - 80 phút sẽ không tốt bằng đều đặn. Bạn có thể đi bộ 30 phút/lần. Bạn muốn đi bộ 60 phút/ngày nên chia làm hai lần.
Thứ tư, thường xuyên thay đổi lịch trình đi bộ. Ví dụ, mỗi ngày bạn chọn một cung đường đi bộ sẽ giúp bạn thấy hứng thú hơn.
Thứ năm, bạn có thể tự thưởng cho mình những đôi giày dành cho đi bộ thật tốt. Giày sẽ giúp việc đi bộ ít đau chân, di chuyển dễ dàng hơn.
Trong quá trình đi bộ, bạn nên nhớ, chỉ cần tập đều chứ không cần tập nhiều, nhất là với người cân nặng vượt quá chỉ số cơ thể. Bạn nên kết hợp ăn uống đủ chất, sinh hoạt hợp lý.
Trời lạnh, người trẻ cần cảnh giác với đột quỵ
Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 50-60 ca đột quỵ nặng và phức tạp. Đáng lưu ý, đột quỵ ở người trẻ (từ 45 tuổi trở xuống) có xu hướng tăng hơn trong vài năm gần đây, chiếm khoảng 15% trên tổng số ca bệnh mà nơi đây tiếp nhận.
Bác sĩ Nguyễn Minh Anh (Trung tâm Đột quỵ) cho biết, theo nghiên cứu tại Việt Nam, số ca đột quỵ thường gia tăng trong mùa lạnh với tỷ lệ tăng khoảng 15-20%. Tuy nhiên, tại Trung tâm Đột quỵ, con số này thậm chí có thể tăng từ 25% đến 30%.
Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do khi thời tiết lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn gây ra co giãn mạch máu đột ngột. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những bệnh nhân có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, hay những người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia. Đột quỵ chia thành 2 dạng: Đột quỵ do nhồi máu não và chảy máu não. Trong mùa lạnh, các ca đột quỵ chảy máu não cũng phổ biến hơn và thường để lại triệu chứng, tàn phế lâm sàng nặng nề hơn so với đột quỵ nhồi máu não.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đã khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) thông tin thêm, có khoảng 60-70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm. Bởi vì đây là thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.
"Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch", Tiến sĩ -bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức lý giải.
Đề cập đến những yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ, theo các chuyên gia y tế, đó là lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử; thừa cân béo phì, lười vận động; chưa có ý thức rõ ràng bảo vệ sức khỏe; cuộc sống xã hội tương đối nhiều áp lực, stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc… Người trẻ bị đột quỵ nếu không được cấp cứu trong "giờ vàng" (4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng đột quỵ), phát hiện và điều trị muộn thì cơ hội phục hồi rất khó khăn. Không ít người đã trở thành tàn phế.
Các chuyên gia cũng lưu ý, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó, khả năng vận động của người bệnh có thể sớm trở lại. Điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.
Phát hiện sớm ung thư da từ những dấu hiệu bất thường
Bệnh viện Bạch Mai vừa thông tin, mới đây, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ mới tiếp nhận và điều trị ca bệnh bị ung thư da cho một bệnh nhân (50 tuổi, ở Bắc Giang).
Qua lời kể bệnh nhân, cách đây khoảng hai năm, trên mặt xuất hiện 1 chấm bé chỉ bằng đầu tăm, sờ vào thấy hơi kệnh, nghĩ đơn giản chỉ là mụn trứng cá già, đóng đen lại. Sau đó, chấm sẫm màu bắt đầu lan rộng, nhưng người bệnh chỉ nghĩ theo tuổi tác thì da xuất hiện nám, đồi mồi, xạm da.
Tuy nhiên, sau 1 năm, mảng da sẫm màu phát triển và bỏng vảy nhanh hơn nên quyết định thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi xét nghiệm sinh thiết mẫu biểu mô, bệnh nhân được kết luận ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy.
Theo thông tin của Bệnh viện Bạch Mai, ung thư nói chung xảy ra khi có sự phát triển một cách bất thường và không theo trật tự của các tế bào, gây ra các khối u ác tính làm suy nhược hệ miễn dịch cơ thể. Ung thư da cũng là tình trạng các tế bào da phát triển bất thường, không kiểm soát.
Bệnh được chia làm 3 dạng chính: Ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư da đến từ nhiều yếu tố như di truyền, môi trường sống và thói quen hàng ngày.
T.M (tổng hợp)