Tin tức Đời sống 12/12: Sai lầm khiến trẻ bị vẹo cổ cha mẹ cần tránh
Cập nhật tin tức Đời sống ngày 12/12: Sai lầm khiến trẻ bị vẹo cổ cha mẹ cần tránh; Mối nguy khi lạm dụng đồ uống có đường...
Sai lầm khiến trẻ bị vẹo cổ cha mẹ cần tránh
Bác sĩ Đỗ Thị Lan, khoa Y học Cổ truyền và phục hồi chức năng, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, mới đây đơn vị tiếp nhận bệnh nhi 4 tuổi đến khám đầu bị vẹo cổ. Kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng của bé đã loại trừ được nguy cơ có các bệnh lý bẩm sinh, xơ hóa cơ.
Theo gia đình bệnh nhi, gia đình tập cho trẻ lẫy sớm từ hơn 2 tháng tuổi. Bé ở trong tư thế nằm sấp vươn đầu lâu, lúc mỏi sẽ tự hạ xuống.
Khoảng 4 tháng trẻ có dấu hiệu vẹo cổ nhưng cha mẹ chờ đợi để con tự hết. Hai tuần chờ đợi không thấy cải thiện bố mẹ đưa trẻ đi khám.
Vẹo cổ ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân như: Tư thế (ngôi ngược trong bào thai, sau sinh do bế ẵm đặt sai tư thế, vận động không đúng độ tuổi); Xơ hóa cơ ức đòn chũm; Do bệnh lý bẩm sinh như bại não, chậm phát triển vận động, biến dạng bẩm sinh cột sống cổ.
"Nguyên nhân tình trạng vẹo cổ của bệnh nhi 4 tháng tuổi là do gia đình tập lẫy quá sớm. Khi đó nhóm cơ vùng cổ còn yếu trẻ lẫy lại không được, còn bố mẹ hỗ trợ giữ đầu cổ nên tư thế ngóc cổ quá lâu khiến cơ cổ yếu, mỏi và dần trở thành vẹo sang 1 bên", bác sĩ Lan cho biết.
Trường hợp trẻ bị vẹo cổ do sai tư thế hay gặp ở những trẻ 4-6 tháng tuổi. Vẹo cổ có thể xuất hiện muộn hơn đến trên 1 tuổi khi cha mẹ cho con tập lẫy sớm, bế ẵm, đặt trẻ nằm sai tư thế, cho bú sai tư thế, xem tivi nhiều.
Nếu trẻ bị vẹo cổ do tư thế phát hiện sớm và biên độ vẹo cổ không nhiều, trẻ vận động cổ tốt thì bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ chăm sóc tập luyện tại nhà. Một số trường hợp trẻ phải can thiệp trị liệu.
Theo bác sĩ Lan điều trị vẹo cổ sẽ kết hợp đa mô thức y học cổ truyền và phục hồi chức năng bao gồm: Điện châm, xoa bóp bấm huyệt, điện xung, điện phân, kéo dãn cổ, hồng ngoại, siêu âm điều trị, nẹp cố định cổ. Điều này giúp làm mềm các nhóm cơ co cứng, giúp khỏe các nhóm cơ còn yếu, tập kiểm soát đầu cổ giữ cho đầu cổ trẻ đúng với tư thế sinh lý.
Mối nguy khi lạm dụng đồ uống có đường
Trong những năm qua, tiêu thụ đường ở Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể, đặc biệt là trong các sản phẩm đồ uống có đường.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt vào năm 2018 đạt 46,5 gam/ngày, cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là chỉ dưới 25 gam/ngày. Việc tiêu thụ đường vượt mức này được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
TS.BS Bùi Thị Mai Hương từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đường không chỉ có trong các thực phẩm chế biến sẵn mà còn có trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như trái cây, rau củ và sữa. Tuy nhiên, người dân Việt Nam lại tiêu thụ một lượng đường quá cao, vượt xa mức khuyến cáo của các tổ chức y tế quốc tế.
Một trong những tác nhân chính khiến mức tiêu thụ đường tăng cao là thói quen uống nước ngọt có ga. Theo nghiên cứu trên gần 2.000 người, hơn 57% người dân có thói quen uống nước ngọt có ga, trong đó 13% nam giới và hơn 10% nữ giới uống mỗi ngày. Một lon nước ngọt có ga có thể chứa tới 36 gam đường, gần đạt mức tiêu thụ đường toàn bộ trong một ngày.
Việc tiêu thụ lượng đường này quá mức không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, mà còn dẫn đến các vấn đề về tim mạch, huyết áp, và rối loạn chuyển hóa.
TS.Hương cảnh báo, việc tiêu thụ đường quá mức còn ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ, liên quan đến các vấn đề về trí nhớ và khả năng nhận thức, đồng thời gây nghiện đường, khiến người tiêu dùng khó từ bỏ thói quen này.
Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị cần giảm lượng đường tự do trong khẩu phần ăn, đặc biệt là các thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.
WHO khuyến cáo, lượng đường tự do nên giảm xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ mỗi ngày, và nếu có thể, nên giảm xuống dưới 5% để bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ không nên tiêu thụ quá 25g đường (tương đương 6 thìa cà phê) mỗi ngày.
Một giải pháp hiệu quả để giảm lượng đường tiêu thụ là lựa chọn thực phẩm và đồ uống có ít đường hoặc không bổ sung đường. Người tiêu dùng nên làm quen với thói quen đọc nhãn thực phẩm để chọn các sản phẩm có ít đường, đặc biệt là trong các loại sữa và đồ uống chế biến sẵn.
Đối với các nhà sản xuất, việc giảm bớt lượng đường bổ sung và thay thế bằng các nguyên liệu tự nhiên như chà là, cam, chanh hoặc các chất tạo ngọt ít calo là một xu hướng đáng khuyến khích.
Bên cạnh đó, TS.Hương khuyến cáo người tiêu dùng thay thế nước ngọt có đường bằng nước lọc, nước ép không đường, trà đá không đường hoặc các loại đồ uống ít ngọt khác để bảo vệ sức khỏe. Người dân cũng có thể thử sử dụng gia vị như quế, gừng, hoặc vani để tạo hương vị cho món ăn mà không cần thêm đường.
Làm gì để phòng viêm họng lúc giao mùa?
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời tiết giao mùa, niêm mạc vùng họng dễ bị viêm gây đau rát, ho nhiều và khàn tiếng, để phòng ngừa hoặc giảm nhẹ triệu chứng, mọi người có thể tham khảo một số cách sau.
Quá trình giao tiếp sẽ khiến các giọt bắn nước bọt hay dịch tiết mũi bay trong không khí. Gặp người có biểu hiện viêm họng, bạn cần giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc, ho, hắt hơi, trước và sau khi ăn để phòng bệnh.
Thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh khiến niêm mạc cổ họng trở nên yếu ớt, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Để phòng ngừa, bạn nên tắm bằng nước ấm ở phòng kín, tránh gió lùa, lau khô người ngay sau khi tắm. Đêm ngủ cần đóng kín cửa, tránh gió lạnh vào phòng. Tránh để điều hòa hoặc quạt gió phả thẳng vào người. Khi nhiệt độ xuống thấp, bạn nên giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu.
Môi trường sống nhiều bụi bẩn và mất vệ sinh là điều kiện tốt cho vi khuẩn, virus sinh sôi. Để phòng bệnh, bạn cần giữ không gian nhà cửa thông thoáng. Thường xuyên lau dọn các vật dụng như bàn phím, điện thoại, điều khiển... Khi đi du lịch, bạn nên sát trùng các đồ vật như điều khiển tivi và điều hòa.
Trong khoang miệng con người chứa khoảng 700 loại vi khuẩn. Đây là tác nhân gây các bệnh về hô hấp, viêm họng và viêm amidan. Ngoài ra, sau một ngày ăn uống, miệng và cổ họng tích tụ nhiều mảng bám. Nếu không vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, các mảng bám lâu ngày sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, tấn công răng miệng và cổ họng gây viêm.
Do đó, bạn nên đánh răng hai lần mỗi ngày, ít nhất hai phút mỗi lần. Thay bàn chải đánh răng theo chu kỳ ba tháng. Vệ sinh miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
Đối với người thường xuyên bị viêm họng, cần cẩn trọng hơn trong sinh hoạt để tránh bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Nên hạn chế thực phẩm cứng, đồ ngọt, đồ lạnh hay đồ cay nóng gây hại niêm mạc họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.
Hạn chế uống nước đá, bật điều hòa lạnh, quạt gió thẳng đầu, tắm ngay khi vừa đi nắng để phòng ngừa viêm họng. Hạn chế các chất kích thích, thuốc lá, rượu, bia gây suy giảm miễn dịch.
Theo bác sĩ Đào, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày để tập luyện, tăng đề kháng và cải thiện sức khỏe. Khi có biểu hiện mắc các bệnh viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang cần đến cơ sở y tế và điều trị sớm. "Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tại nhà, đặc biệt là kháng sinh", bác sĩ Đào nói.
T.M (tổng hợp)