Tin Thị trường: Suy thoái kinh tế tại Mỹ đe dọa giá dầu

Suy thoái kinh tế tại Mỹ ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu; Nhập khẩu dầu của Châu Á chạm mức thấp nhất trong hai năm...

Nguồn ảnh: OP

Nguồn ảnh: OP

Giá dầu quay đầu giảm do lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ

Tính đến đầu giờ chiều nay 5/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 72,8 USD/thùng - giảm 0,98%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 76,13 USD/thùng - giảm 0,89%.

Giá dầu hôm nay giảm khi các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, bất chấp những căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.

Giá dầu giảm còn xuất phát từ việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) kiên trì với kế hoạch loại bỏ dần việc cắt giảm sản lượng tự nguyện từ tháng 10.

Về phần mình, các nhà phân tích của ANZ cho biết thị trường đang kỳ vọng OPEC+ sẽ trì hoãn việc chấm dứt cắt giảm sản lượng tự nguyện sau Quý III.

Một cuộc khảo sát của Reuters được thực hiện vào tuần trước cho thấy, sản lượng dầu của OPEC đã tăng vào tháng 7 mặc dù nhóm này đã cắt giảm sản lượng.

Tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ổn định ở mức 482 giàn vào tuần trước.

Dữ liệu kinh tế yếu kém trên toàn cầu đã tác động đến giá dầu, do lo ngại rằng sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.

Trong khi đó, lượng tiêu thụ dầu diesel cũng giảm mạnh ở Trung Quốc, quốc gia đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ, đang gây sức ép lên giá dầu toàn cầu.

Được biết, Mỹ và Israel đang chuẩn bị cho những leo thang căng thẳng nghiêm trọng trong khu vực, sau khi Iran, cũng như các đồng minh Hamas và Hezbollah cam kết trả đũa Israel, sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh và Fuad Shukr - chỉ huy quân sự cấp cao của nhóm vũ trang Hezbollah vào tuần trước.

Nhập khẩu dầu của Châu Á chạm mức thấp nhất trong hai năm

Nhập khẩu dầu thô tại khu vực Châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 7 trong bối cảnh nhu cầu suy yếu tại các thị trường lớn nhất trong khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi nhập khẩu chậm hơn ở Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, có thể là do tính thời vụ, thì mức tiêu thụ của Trung Quốc đã làm thất vọng những nhà đầu cơ dầu giá lên từ đầu năm đến nay và khiến thị trường lo ngại về nhu cầu trong nửa cuối năm trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm hơn, cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra và nhu cầu nhiên liệu trì trệ.

Tính riêng tháng 7, nhập khẩu dầu thô của Châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất hàng ngày kể từ tháng 7 năm 2022. Tổng lượng dầu thô đến của khu vực này ước tính đạt 24,88 triệu thùng/ngày trong tháng trước, giảm 6,1% so với tháng 6, theo dữ liệu từ LSEG Oil Research.

Dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô từ đầu năm đến nay cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 - ở mức trung bình 26,78 triệu thùng/ngày từ tháng 1 đến tháng 7, nhập khẩu dầu của Châu Á giảm 340.000 thùng/ngày so với 7 tháng đầu năm ngoái.

Trong khi nhu cầu ở Ấn Độ thường giảm vào mùa gió mùa từ tháng 7 đến tháng 9, thì nhu cầu chững lại và nhập khẩu dầu thô giảm ở Trung Quốc do tăng trưởng kinh tế yếu hơn và nhu cầu nhiên liệu mờ nhạt dưới mức kỳ vọng.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đang trên đà giảm 2,1% hay 240.000 thùng/ngày trong tháng 1 đến tháng 7 so với dữ liệu của một năm trước đó.

Nhu cầu yếu đi rõ rệt và nhập khẩu chậm lại ở Trung Quốc là lực cản lớn nhất đối với giá dầu trong những tháng gần đây, thường làm lu mờ căng thẳng ở Trung Đông và sự sụt giảm gần đây của tồn kho dầu thô thương mại ở Mỹ.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc và nhu cầu nhiên liệu yếu hơn đã gây sức ép lên lợi nhuận lọc dầu trong những tháng gần đây, khiến các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc giảm sản lượng dầu thô.

Nhu cầu diesel của Trung Quốc kìm hãm triển vọng dầu mỏ

Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và sự gia tăng sử dụng LNG trong vận tải đường bộ đã gây áp lực lên nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc trong năm nay, làm giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, vốn là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong nhiều năm.

Nhu cầu diesel ở Trung Quốc đặc biệt yếu và các nhà phân tích dự đoán nhu cầu này sẽ tiếp tục trì trệ trong phần còn lại của năm.

Với nhu cầu dầu diesel sụt giảm và mức tiêu thụ xăng yếu, tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ ở mức dưới 3% trong năm nay so với năm 2023, theo ước tính của các nhà phân tích do hãng Reuters tổng hợp.

Tăng trưởng nhu cầu dầu hàng năm của Trung Quốc đạt trung bình 4,6% trong thập kỷ qua và tăng trở lại 11,7% vào năm ngoái sau gần ba năm đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bốn trong số năm nhà phân tích trong một cuộc khảo sát của Reuters cho biết, nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2024 có thể sẽ giảm từ 2-7% hàng năm.

Ngoài tăng trưởng kinh tế yếu hơn dự kiến và khủng hoảng bất động sản, nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc còn bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng hoạt động vận tải đường bộ chạy bằng nhiên liệu LNG.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tin-thi-truong-suy-thoai-kinh-te-tai-my-de-doa-gia-dau-715402.html
Zalo