Tin Thị trường: Giá dầu thế giới tiếp tục duy trì sắc đỏ
Giá dầu thế giới hôm nay duy trì sắc đỏ; Giá khí tự nhiên tiếp tục giảm nhẹ...

Ảnh: Energi
Giá dầu thế giới hôm nay duy trì sắc đỏ
Tính đến đầu giờ chiều nay 14/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 61,40 USD/thùng - giảm 0,16%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 64,66 USD/thùng - giảm 0,15%.
Sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước, giá dầu thế giới đồng loạt quay đầu giảm trong phiên giao dịch đầu tuần này.
Tuần này, các nhà giao dịch sẽ hướng sự tập trung vào dữ liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 để làm sáng tỏ sức mua của người tiêu dùng Mỹ.
Một cuộc khảo sát hồi cuối tuần trước cho thấy, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 4 và mối lo lạm phát trong 12 tháng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981 trong bối cảnh lo lắng về căng thẳng thương mại leo thang.
Thị trường dầu vẫn rất nhạy cảm với diễn biến trên mặt trận thương mại. Các nhà đầu tư hy vọng có bằng chứng về sự tiến triển giữa Mỹ và các quốc gia mà ông Trump đã tạm dừng các khoản thuế lớn trong 90 ngày.
Cuộc chiến thương mại ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ vẫn tiếp tục là tâm điểm. Trong một lưu ý, các chiến lược gia của Citi nhận định, các cuộc đàm phán với Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng đối với thị trường.
Giá khí tự nhiên tiếp tục giảm nhẹ
Ghi nhận vào đầu giờ chiều 14/4 (theo giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại Mỹ tiếp tục giảm mạnh 1,87% xuống mức 3.461 USD/mmBTU tại thời điểm khảo sát.
Đây là phiên điều chỉnh giảm thứ hai liên tiếp, sau khi thị trường trải qua giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong tuần đầu tháng 4. Các chuyên gia phân tích cho rằng sự điều chỉnh lần này chủ yếu đến từ yếu tố mùa vụ và kỳ vọng tồn kho tăng.
Nhu cầu tiêu thụ giảm do thời tiết mùa xuân ấm lên tại Bắc bán cầu, khiến lượng khí sử dụng cho sưởi ấm giảm đáng kể.
Dự báo tồn kho khí đốt tại Mỹ và Châu Âu vượt trung bình nhiều năm, tạo tâm lý dư cung trong ngắn hạn.
Trong khi đó, đồng USD mạnh lên, khiến giá các mặt hàng định giá bằng USD, bao gồm khí đốt tự nhiên, chịu áp lực giảm.
Xét về dài hạn, giá khí tự nhiên vẫn cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024, khi trung bình chỉ ở mức 2,3 – 2,6 USD/MMBtu trong Quý II năm ngoái. Điều này cho thấy thị trường vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi biến động địa chính trị, chính sách sản lượng từ Nga và Trung Đông, cùng với quá trình chuyển dịch năng lượng tại Châu Âu.
Các nước không thể thoát thâm hụt thương mại với Mỹ nhờ mua LNG
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh rằng các nước phải tăng cường mua năng lượng của nước này để giảm thặng dư thương mại lớn.
Một số quốc gia mua năng lượng truyền thống của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, đã ra hiệu rằng họ có thể sẵn sàng mua thêm dầu, LNG hoặc than của Mỹ để xoa dịu Tổng thống Trump, người đang tập trung vào việc khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ mà Mỹ đang phải gánh chịu với hầu hết các quốc gia.
Việc nhập khẩu năng lượng nhiều hơn từ các đối tác thương mại có thể làm giảm một số thâm hụt thương mại của Mỹ, song không thể khắc phục hoặc xóa bỏ những thâm hụt này.
Đối với hầu hết các quốc gia, năng lượng là nguồn tăng trưởng khả thi duy nhất trong nhập khẩu từ Mỹ. Điển hình như, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU đã bày tỏ sự sẵn sàng tăng nhập khẩu LNG hoặc dầu từ Mỹ.
Ngay cả khi người mua cam kết tăng đáng kể lượng dầu và khí đốt nhập khẩu từ Mỹ, thì thâm hụt vẫn sẽ vẫn còn. Mặt khác, các nhà xuất khẩu của Mỹ không thể cung cấp các mặt hàng năng lượng cần thiết để giảm đáng kể thâm hụt thương mại.