Tin thế giới 7/1: Động đất mạnh ở Nhật Bản và Trung Quốc, Iran tập trận quân sự gần cơ sở hạt nhân, ông Trump kêu gọi Canada hợp nhất với Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump phải hầu tòa trước lễ nhậm chức, Thụy Sỹ, Pháp báo động đỏ trước làn sóng khủng bố gia tăng, Hàn Quốc gia hạn lệnh bắt Tổng thống Yoon, Thủ tướng Canada từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Tự do, đồng nghĩa với việc ông sẽ từ chức Thủ tướng. (Ảnh: Anh Sơn)

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Tự do, đồng nghĩa với việc ông sẽ từ chức Thủ tướng. (Ảnh: Anh Sơn)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Hàn Quốc: Gia hạn lệnh bắt Tổng thống Yoon: Ngày 7/1, Tòa án quận Tây Seoul đã chấp thuận gia hạn lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Yoon Suk-yeol theo đề nghị của Cơ quan Điều tra quan chức cấp cao (CIO) với cáo buộc chủ mưu nổi loạn.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc một tổng thống đương nhiệm phải đối mặt với lệnh bắt giữ. Nỗ lực thực thi lệnh bắt đầu tiên vào ngày 3/1 đã thất bại sau hơn 5 giờ đối đầu với cơ quan bảo vệ tổng thống.

CIO dự kiến sẽ sớm tiến hành nỗ lực bắt giữ mới sau khi phối hợp với Cục Điều tra quốc gia. (Yonhap)

*Nhật Bản: Động đất mạnh 6,0 độ ngoài khơi đảo Torishima: Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA), một trận động đất có độ lớn 6,0 đã xảy ra tại khu vực đảo Torishima ở miền Nam Nhật Bản ngày 7/1.

JMA cho biết, trận động đất xảy ra vào lúc 17 giờ 32 phút theo giờ địa phương, có tâm chấn ở vùng biển gần quần đảo Torishima, đạt cấp độ 2 trên thang đo cường độ địa chấn 7 cấp của Nhật Bản.

Tâm chấn nằm ở độ sâu 420 km, vị trí vĩ độ 31,4 độ Bắc và kinh độ 138,7 độ Đông. JMA cho biết thêm không có cảnh báo sóng thần được ban bố sau trận động đất này. (THX)

*Trung Quốc chỉ trích Mỹ "đàn áp vô cớ": Trung Quốc ngày 7/1 cáo buộc Mỹ "đàn áp vô cớ" sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ bổ sung tập đoàn công nghệ Tencent và nhà sản xuất pin CATL của Trung Quốc vào danh sách các công ty mà họ cho là có liên kết với quân đội Bắc Kinh.

Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Quách Gia Khôn nhấn mạnh: "Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối việc phía Mỹ khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia, thiết lập các danh sách phân biệt đối xử khác nhau, đàn áp vô cớ các doanh nghiệp Trung Quốc và kiềm chế sự phát triển chất lượng cao của Trung Quốc". (AFP)

*Philippines kiên quyết bảo vệ vùng biển trước các hành vi xâm nhập: Ngày 7/1, Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) nhấn mạnh họ sẽ không nao núng trong việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển và trên không, bất chấp sự hiện diện của tàu Hải cảnh Trung Quốc 5901 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

Phát ngôn viên Hải quân Philippines phụ trách khu vực Biển Tây Philippines, Phó Đô đốc Roy Vincent Trinidad bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của tàu Trung Quốc - hoặc bất kỳ tàu nước ngoài nào - trong vùng biển Philippines, đồng thời khẳng định cam kết của đất nước này trong việc tăng cường hiện diện tại Biển Tây Philippines.

Phát ngôn viên PCG phụ trách khu vực Biển Tây Philippines, Chuẩn Đô đốc Jay Tarriela cho biết tàu BRP Cabra đang duy trì giám sát cảnh giác đối với tàu Trung Quốc. (ABS)

*Hàng chục người thương vong trong động đất mạnh ở Tây Tạng: Theo ban chỉ huy cứu trợ thiên tai khu vực, 32 người đã thiệt mạng và 38 người bị thương trong trận động đất có độ lớn 6,8 làm rung chuyển huyện Dingri thuộc thành phố Xigaze ở Khu tự trị Tây Tạng vào lúc 9h05 ngày 7/1 (giờ Bắc Kinh).

Trong khi đó, nhật báo Nangfang đưa tin hiện đã ghi nhận 36 người thiệt mạng trong vụ động đất.

Theo báo cáo của Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc, tâm chấn được ghi nhận ở vĩ độ 28,5 độ Bắc và kinh độ 87,45 độ Đông. Trận động đất xảy ra ở độ sâu 10 km. (THX)

*Malaysia, Singapore công bố thỏa thuận về khu kinh tế chung: Ngày 7/1, Malaysia và Singapore đã công bố thỏa thuận về một đặc khu kinh tế ở bang Johor phía Nam Malaysia, nhằm hỗ trợ đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và người dân giữa hai nước.

Hai nước láng giềng Đông Nam Á này đã đồng ý về nguyên tắc cùng phát triển đặc khu kinh tế từ một năm trước. Thỏa thuận ngày 7/1 được công bố trong chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và các bộ trưởng nội các cấp cao.

Hàng nghìn người Malaysia qua lại Singapore mỗi ngày để làm việc và học tập, gây tắc nghẽn giao thông thường xuyên trên tuyến đường bộ xuyên biển Causeway nối liền hai nước - một trong những cửa khẩu biên giới nhộn nhịp nhất thế giới. (Reuters)

Châu Âu

*Thụy Sĩ báo động đỏ trước làn sóng khủng bố gia tăng: Công tố viên liên bang Thụy Sĩ Stefan Blättler vừa cảnh báo về sự gia tăng đáng báo động của các cuộc điều tra liên quan đến khủng bố tại quốc gia này, với số lượng vụ việc tăng gấp đôi kể từ năm 2022.

Theo thông tin từ phía công tố viên, hiện có khoảng 120 vụ việc đang được cơ quan chức năng Thụy Sĩ điều tra, trong đó đa số liên quan đến các hoạt động thánh chiến.

Các hoạt động này bao gồm tuyên truyền khủng bố trên không gian mạng, nguồn tài chính từ Thụy Sĩ chuyển cho các tổ chức khủng bố và việc công dân di chuyển đến các quốc gia có lực lượng thánh chiến hoạt động.

Ông Blättler chỉ trích chính phủ liên bang đã không quan tâm đúng mức đến an ninh nội địa trong thời gian dài, đồng thời kêu gọi Thụy Sĩ cần có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm băng đảng, tránh tình trạng bạo lực và tống tiền như đã xảy ra tại Bỉ và Thụy Điển. (AP)

*Phần Lan sửa chữa hai tuyến cáp viễn thông qua Biển Baltic: Ngày 6/1, nhà điều hành Elisa của Phần Lan cho biết hai tuyến cáp viễn thông nối Estonia và Phần Lan qua Biển Baltic đã được sửa chữa sau nghi ngờ bị phá hoại.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc an ninh của Elisa, ông Jaakko Wallenius xác nhận việc sửa chữa diễn ra trong ngày 6/1, đồng thời tiết lộ các tuyến cáp dường như đã bị một mỏ neo cắt đứt.

Nhà chức trách Phần Lan đang điều tra vụ nghi ngờ phá hoại 4 tuyến cáp viễn thông và một đường dây điện vào ngày 25/12, chỉ vài tuần sau khi các tuyến cáp khác trong khu vực bị cắt đứt. Các nhà điều tra nghi ngờ tàu chở dầu Eagle S treo cờ Quần đảo Cook có liên quan đến vụ hư hỏng tuyến cáp điện ngầm.

Tàu Eagle S đang đậu ở ngoài khơi bờ biển Porkkala, cách thủ đô Helsinki khoảng 30km về phía Nam, trong khi 8 thủy thủ trên tàu bị cấm rời khỏi lãnh thổ Phần Lan. (AFP)

*Anh xem xét hình sự hóa việc tạo và chia sẻ nội dung deepfake khiêu dâm: Nhằm đối phó tình trạng gia tăng các nội dung khiêu dâm, ngày 7/1, Chính phủ Anh thông báo việc tạo dựng và chia sẻ các nội dung giả mạo (deepfake) mang tính khiêu dâm sẽ bị coi là phạm tội hình sự.

Deepfake là các video, hình ảnh hoặc clip âm thanh được tạo dựng bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để trông giống thật. Công nghệ này thường bị lợi dụng để tạo ra các hình ảnh khiêu dâm giả mạo nhằm bôi nhọ danh dự và gây tổn hại đến danh tiếng của cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Với sự gia tăng chóng mặt của các vụ lạm dụng deepfake, lên đến hơn 400% kể từ năm 2017, chính phủ đã quyết định bổ sung quy định mới để đối phó với loại tội phạm này. Các tội danh mới sẽ được đưa vào Dự luật Tội phạm và Cảnh sát, dự kiến sẽ được Chính phủ Anh trình lên quốc hội trong thời gian tới. (Reuters)

*Pháp thắt chặt an ninh tại các sự kiện, địa điểm tập trung đông người: Ngày 6/1, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Retailleau đã yêu cầu thắt chặt an ninh tại các sự kiện lớn được tổ chức trên toàn quốc nhằm đảm bảo an ninh cho người dân trong những ngày đầu Năm mới 2025. Pháp đưa ra bước đi này sau khi xảy ra hai vụ lao xe vào đám đông tại Mỹ và Đức, khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.

Để ứng phó với các sự kiện có nguy cơ cao bị tấn công, Bộ trưởng Retailleau cho biết có thể ban hành sắc lệnh cho phép các đơn vị tổ chức hạn chế quyền ra vào. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nhân viên bảo vệ và đảm bảo các kế hoạch kiểm tra an ninh tại lối ra vào được thực hiện hiệu quả.

Bộ trưởng cũng yêu cầu đặc biệt lưu ý đến kế hoạch giao thông, sơ tán và triển khai “các hệ thống bảo vệ mạnh mẽ” để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng cách lao xe vào đám đông. (AFP)

Trung Đông-châu Phi

*Israel kêu gọi quốc tế gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công người Kurd: Ngày 7/1, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Israel Eden Bar Tal cho rằng các cường quốc trên thế giới cần gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào người Kurd ở miền Bắc Syria.

Phát biểu với báo giới, ông Eden Bar Tal nói: "Cộng đồng quốc tế phải kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng những hành động hung hăng và giết chóc này. Người Kurd phải được cộng đồng quốc tế bảo vệ". (Reuters)

*Iran tập trận quân sự gần cơ sở hạt nhân: Truyền thông nhà nước Iran ngày 7/1 đưa tin quân đội Iran đã bắt đầu tập trận gần nhà máy làm giàu hạt nhân Natanz ở miền Trung đất nước, như một phần của các cuộc diễn tập được lên kế hoạch trên toàn quốc.

Cuộc tập trận mang tên "Eqtedar" có sự tham gia của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng với quân đội chính quy.

Tuần trước, trang tin Mỹ Axios đưa tin Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã trình bày với Tổng thống Joe Biden các phương án cho một cuộc tấn công tiềm tàng của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân của Iran nếu Tehran tiến tới phát triển vũ khí hạt nhân trước ngày 20/1, thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. (AFP)

*Israel cung cấp hệ thống chống UAV cho quốc gia NATO: Công ty quốc phòng Israel Elbit Systems cho biết sẽ cung cấp hệ thống chống thiết bị bay không người lái (UAV) cho một quốc gia thành viên NATO ở châu Âu với tổng trị giá 60 triệu USD.

Thông báo ngày 6/1 của Elbit Systems nêu rõ: "Elbit Systems Ltd. đã được trao hợp đồng trị giá khoảng 60 triệu USD để cung cấp Hệ thống chống thiết bị bay không người lái đa lớp (C-UAS) cho một quốc gia NATO ở châu Âu. Hợp đồng sẽ được thực hiện trong thời hạn 3 năm".

Elbit Systems cũng sẽ cung cấp hệ thống mô-đun ReDrone, có khả năng phát hiện, nhận dạng và vô hiệu hóa UAV cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Theo cổng thông tin News.ro, công ty đã ký hợp đồng này với Romania. (Sputniknews)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Mỹ quan ngại về hoạt động mạng "độc hại" của Trung Quốc: Bộ Tài chính Mỹ cho biết ngày 6/1, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng và nêu quan ngại về "hoạt động mạng độc hại" do các tác nhân được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn thực hiện.

Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ thông báo một số lượng máy tính không xác định của cơ quan này đã bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập sau một vụ vi phạm tại công ty BeyondTrust, nhà thầu cung cấp dịch vụ an ninh mạng.

Bộ Tài chính cho biết hai quan chức cũng đã thảo luận về các diễn biến kinh tế. Bà Yellen nhắc lại quan ngại về các chính sách và thông lệ phi thị trường cũng như vấn đề dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc. (Reuters)

*Venezuela phản đối Mỹ can thiệp nội bộ: Ngày 6/1, Chính phủ Venezuela đã lên tiếng phản đối sự ủng hộ của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho cựu ứng cử viên đối lập Edmundo González, cho rằng đây được coi là một phần trong "chiến lược can thiệp lỗi thời" của Washington chống lại quốc gia Nam Mỹ này. Chính phủ Venezuela cũng cảnh báo sẽ kiên quyết đối đầu với bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại sự ổn định của đất nước.

Trước đó, Tổng thống Biden đã tiếp ông González trong khuôn khổ chuyến công du quốc tế nhằm tìm kiếm sự ủng hộ chính trị để đảm nhận chức tổng thống Venezuela vào ngày 10/1 tới. Từ ngày 4/1, ông González đã bắt đầu chuyến công du một loạt nước trong châu lục gồm Argentina và Uruguay, và dự kiến sẽ tới Panama và Cộng hòa Dominica để tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế.(AFP)

*Ông Trump kêu gọi Canada hợp nhất với Mỹ: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã có phản ứng mạnh mẽ trước thông báo từ chức của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, khi ông nhấn mạnh rằng Canada nên trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.

Trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của mình, Trump cho biết: "Nhiều người ở Canada yêu thích việc trở thành tiểu bang thứ 51. Hoa Kỳ không thể tiếp tục chịu đựng thâm hụt thương mại lớn và các khoản trợ cấp mà Canada cần để tồn tại. Justin Trudeau biết điều này và đã từ chức".

Trước đó, ông Trump đã đe dọa áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu Canada hợp nhất với Mỹ, "sẽ không có thuế, và thuế sẽ giảm mạnh", đồng thời khẳng định rằng nếu hai quốc gia trở thành một, "đó sẽ là một quốc gia vĩ đại!".(THX)

*Tổng thống đắc cử Mỹ phải hầu tòa trước lễ nhậm chức: Ngày 6/1, thẩm phán tại New York (Mỹ) Juan Merchan đã bác bỏ yêu cầu hoãn phiên tuyên án ngày 10/1 của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump liên quan đến cáo buộc chi tiền “bịt miệng”. Như vậy, trước lễ nhậm chức 10 ngày, ông Trump sẽ phải ra tòa và có nguy cơ sẽ trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên bị tuyên án hình sự.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ được phép lựa chọn xuất hiện trực tiếp hoặc trực tuyến tại phiên tuyên án vụ kiện. Các luật sư của ông Trump sau đó đã thông báo với thẩm phán Merchan rằng ông Trump sẽ tham dự phiên tòa qua video thay vì trực tiếp, do những đòi hỏi của quá trình chuyển giao tổng thống.

Tuần trước, Thẩm phán Merchan cũng đã bác bỏ yêu cầu hủy bỏ bản án của ông Trump, song cho biết ông không có ý định đưa ra bất kỳ án tù nào đối với 34 tội danh giả mạo hồ sơ kinh doanh mà ông Trump đã bị kết tội. (Reuters)

*Thủ tướng Canada tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Tự do: Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 6/1 tuyên bố ông sẽ từ chức lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền, nhưng vẫn tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng cho tới khi một nhà lãnh đạo mới được lựa chọn.

Tuyên bố từ chức được đưa ra khi ông Trudeau chịu sức ép từ nội bộ đảng Tự do, trong bối cảnh kết quả của những cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy đảng này sẽ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Ông Trudeau, sinh năm 1971, nhậm chức vào tháng 11/2015 và tái đắc cử hai lần, trở thành một trong những Thủ tướng tại vị lâu nhất ở Canada. Tuy vậy, uy tín của ông bắt đầu giảm sút từ 2 năm qua trong bối cảnh công chúng phản ứng giận giữ về vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao và tình trạng thiếu hụt nhà ở. (AFP)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-71-dong-dat-manh-o-nhat-ban-va-trung-quoc-iran-tap-tran-quan-su-gan-co-so-hat-nhan-ong-trump-keu-goi-canada-hop-nhat-voi-my-300045.html
Zalo