Tin thế giới 5/2: Kế hoạch 'chấn động' toàn cầu của Tổng thống Trump, Mỹ tính rút quân hoàn toàn khỏi Syria, Nga nhắm tới châu Phi
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất ý tưởng nước này sẽ kiểm soát Dải Gaza và cưỡng chế tái định cư người Palestine ở nước khác. (Nguồn: Inkl)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_05_194_51404839/5543e6d3d99d30c3698c.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất ý tưởng nước này sẽ kiểm soát Dải Gaza và cưỡng chế tái định cư người Palestine ở nước khác. (Nguồn: Inkl)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất kế hoạch chấn động - tiếp quản và sở hữu Dải Gaza, tái định cư người Palestine ở các nước khác - bất kể họ có muốn rời đi hay không - và biến vùng lãnh thổ này thành "Riviera của Trung Đông".
Tổng thống Trump đưa ra đề xuất gây chấn động này trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ có thể "thay đổi lịch sử" và "đáng để chú ý".
Đề xuất trên bị nhiều quốc gia, trong đó có Palestine, Pháp Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... cùng nhiều chuyên gia và những người ủng hộ nhân quyền phản đối.
Ngày 4/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Cách duy nhất để giải quyết xung đột Trung Đông là thông qua việc thành lập một nhà nước Palestine tồn tại song song với Israel". (AFP)
* Mỹ soạn thảo kế hoạch rút toàn bộ quân đội khỏi Syria, theo lời hai quan chức quốc phòng cường quốc này.
Theo báo cáo, Tổng thống Donald Trump và các quan chức thân cận gần đây đã bày tỏ mong muốn rút quân đội Mỹ khỏi Syria, các quan chức Bộ Quốc phòng bắt đầu vạch ra các kế hoạch rút quân hoàn toàn trong 30, 60 hoặc 90 ngày. (NBC)
* Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp nhằm tái áp đặt sức ép tối đa lên Iran, tuy nhiên ông cũng bày tỏ hy vọng sẽ không phải sử dụng sắc lệnh này nhiều.
Trong một phát biểu khác với các phóng viên, ông Trump cho biết, ông đã ra chỉ thị cho các cố vấn xóa sổ Iran nếu nước này ám sát ông. (Reuters)
* Tổng thống Trump ký văn bản chấm dứt sự tham gia của Mỹ ở Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) và dừng tài trợ cho Cơ quan cứu trợ và việc làm của LHQ cho người tị nạn Palestine (UNRWA).
Phản ứng trước động thái này, văn phòng báo chí của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 4/2 cho biết: “Lần cuối cùng, Mỹ giữ cương vị thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ là từ năm 2022-2024. Nước này đang giữ cương vị quan sát viên. Hiện chưa rõ những hậu quả có thể xảy ra liên quan tới quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ”. (AFP)
Châu Âu
* Nga có ý định mở rộng hiện diện ở châu Phi bằng cách mở đại sứ quán tại một số nước ở lục địa này, theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 4/2. Theo đó, ông Lavrov tuyên bố các đại sứ quán Nga tại Niger và Sierra Leone sẽ sớm hoạt động trở lại.
Đại sứ quán Nga cũng sẽ được mở tại Nam Sudan, đồng thời Moscow có kế hoạch mở các phái bộ ngoại giao mới tại Gambia, Liberia, Liên minh đảo Comoros và Togo. (TASS)
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ đồng ý đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm "nếu đó là cách duy nhất để mang lại hòa bình cho người dân Ukraine và không để mất thêm người, đồng thời cho biết thêm sẽ có "4 bên tham gia". (AFP)
* Nga thắt chặt quy định đối với người nước ngoài, theo đó, cảnh sát có quyền ra quyết định trục xuất người nhập cư nếu họ vi phạm các quy định trong Bộ luật hành chính. Trước đó, chỉ có tòa án mới có thể ra quyết định này.
Người vi phạm bị áp dụng chế độ trục xuất sẽ bị đưa vào danh sách người bị kiểm soát, bị hạn chế nhiều quyền trong thời gian đến khi rời khỏi nước Nga, bao gồm bị cấm thay đổi chỗ ở nếu không có sự cho phép của cơ quan nội vụ, cấm rời khỏi lãnh thổ chủ thể liên bang mà họ đang sống, cấm mua và đăng ký bất động sản... (TASS)
* Tân Thủ tướng Bỉ Bart De Wever công bố trọng tâm chính sách của chính phủ mới với các chính sách kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt hơn, điều chỉnh luật loại bỏ năng lượng hạt nhân và tăng chi tiêu quốc phòng nhằm đáp ứng các mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo kế hoạch, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng của Bỉ sẽ đạt 2% GDP vào năm 2029 và tăng lên 2,5% vào năm 2034, so với mức 1,3% GDP hiện tại. (AFP)
* Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ tìm cách áp các khoản phí mới đối với hàng nhập khẩu thương mại điện tử, như một phần trong nỗ lực ngăn chặn xu hướng gia tăng khối lượng sản phẩm “có hại” chảy vào Liên minh châu Âu (EU).
EC kêu gọi giới lập pháp EU và các quốc gia thành viên “cân nhắc” áp phí xử lý đối với các giao dịch mua hàng trực tuyến được nhập khẩu trực tiếp tới người tiêu dùng, để thanh toán “chi phí giám sát việc tuân thủ của hàng tỷ lô hàng như vậy đối với hệ thống quy định của EU”. (AFP)
* EU tăng cường hỗ trợ an ninh năng lượng cho Moldova khi công bố gói hỗ trợ trị giá 250 triệu Euro (tương đương 258 triệu USD) cho Chisinau trong năm 2025. Đây là khoản hỗ trợ nhằm giúp quốc gia Đông Âu này tăng cường an ninh năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt do Nga cắt nguồn cung. (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Hạ viện Philippines ủng hộ kiến nghị luận tội Phó Tổng thống Sara Duterte sau khi có 215 trên tổng số 306 thành viên đồng ý với việc này, mở đường cho tiến trình xem xét tiếp theo ở Thượng viện.
Dự kiến, một nghị quyết luận tội sẽ được chuyển lên Thượng viện và ban đánh giá gồm 23 Thượng nghị sĩ sẽ tiến hành xem xét về việc này. Tùy theo mức độ đánh giá và kết luận, bà Sara Duterte có thể bị bãi nhiệm và cấm giữ các chức vụ công suốt đời.
Bà Sara Duterte, con gái cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, đang phải đối mặt với một số cáo buộc nghiêm trọng, trong đó có âm mưu ám sát Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Bà Sara Duterte bác bỏ mọi cáo buộc. Tổng thống Marcos Jr. tuyên bố không ủng hộ kiến nghị luận tội. (Reuters)
* Mỹ, Nhật Bản, Australia phối hợp tiến hành hoạt động trên biển ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines trong ngày 5/2 nhằm thể hiện cam kết tập thể nhằm tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, ủng hộ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Theo tuyên bố của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (PACOM), các đơn vị hải quân và không quân của các nước tham gia sẽ hoạt động cùng nhau để tăng cường hợp tác và khả năng phối hợp tác chiến, phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng an toàn hàng hải cũng như quyền và lợi ích của các quốc gia khác. (PACOM)
* Trung Quốc trao công hàm phản đối Mỹ về những phát ngôn "vô trách nhiệm" liên quan kênh đào Panama và những "tấn công" nhằm vào quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc với Panama về kênh đào này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bình luận về quyết định của Panama liên quan việc không tiếp tục tham gia sáng kiến Vành đai và con đường, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nêu rõ: "Hiện nay, hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ sáng kiến này đang diễn ra bình thường", đồng thời kêu gọi các bên liên quan sẽ giữ vững niềm tin, không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp từ bên ngoài. (Reuters)
* Ấn Độ mua tên lửa hành trình chống hạm của Nga, động thái sẽ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu cho hạm đội tàu ngầm của Hải quân quốc gia châu Á. Tuy nhiên, hiện không rõ tên cũng như số lượng tên lửa trong hợp đồng mà hai bên ký kết. (Times of India)
Trung Đông-châu Phi
* Iran có thể giải quyết lo ngại của Mỹ về vũ khí hạt nhân, xét đến việc Tehran phản đối vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo lời Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi.
Bên cạnh đó, một quan chức cấp cao Iran cho biết, nước này sẵn sàng trao cho Washington cơ hội giải quyết các bất đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, quan chức Iran khẳng định, Tehran muốn Mỹ “kiềm chế Israel nếu Washington đang tìm kiếm một thỏa thuận” với nước Cộng hòa Hồi giáo. (Tasnim)
* Hamas lên án kế hoạch bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc "tiếp quản" Dải Gaza, gọi đây là kế hoạch "phân biệt chủng tộc" và nhằm xóa bỏ sự nghiệp Palestine. (AFP)