Tin thế giới 31/3: Tổng thống Mỹ bất ngờ 'gắt' với Nga, cảnh báo Ukraine đối mặt rắc rối lớn; Myanmar quốc tang; 3 nước Trung Á lập tình hữu nghị
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump 'rất tức giận' với người đồng cấp Nga Putin vì đã đặt câu hỏi về uy tín của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: Getty Images)
Châu Âu
* Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế dầu mỏ Nga nếu không đạt được thỏa thuận giữa Washington-Moscow về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Ông cho biết sẽ cấm các nhà nhập khẩu dầu mỏ Nga kinh doanh tại Mỹ nếu không đạt thỏa thuận, đồng thời áp thuế 25-50% đối với toàn bộ dầu mỏ.
Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự "rất tức giận" với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì hoài nghi uy tín của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong lập trường của ông đối với Moscow. (NBC News)
* Ukraine muốn hủy thỏa thuận khoáng sản với Mỹ, theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/3.
Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang tìm cách rút khỏi thỏa thuận đất hiếm và sẽ đối mặt với "rắc rối lớn" nếu làm vậy. Ông nhấn mạnh, dù Ukraine muốn gia nhập NATO, điều đó "sẽ không bao giờ xảy ra" và ông Zelensky "hiểu rõ điều đó".(Reuters)
* Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb muốn Mỹ đặt thời hạn cho việc thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Ukraine để có thể thực hiện được, theo đó, ngày 20/4 sẽ là thời điểm tốt nhất để ngừng bắn hoàn toàn mà không có bất kì điều kiện nào.
Ông Stubb cho rằng, thời hạn trên là cần thiết, bởi vì khi đó là Lễ Phục sinh và vì Tổng thống Donald Trump sẽ tại vị tròn ba tháng. (Reuters)
* Thụy Điển cam kết tài trợ 7,6 triệu USD cho các nỗ lực rà phá bom mìn và cho phương tiện bay không người lái (UAV) của Ukraine như một phần của Nhóm Liên lạc quốc phòng (UDCG), gồm 50 quốc gia điều phối hoạt động hỗ trợ quân sự quốc tế cho Kiev. (The Kyiv Independent)
* Châu Âu cần hướng tới tự chủ về kinh tế, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị tung ra một làn sóng thuế quan mới vào ngày 2/4, theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde.
Bà Lagarde cảnh báo châu Âu đang đối mặt "khoảnh khắc hiện sinh" để "cùng nhau quyết định kiểm soát vận mệnh của mình nhiều hơn và đó là một bước tiến tới độc lập... Để đưa mình vào vị thế đàm phán hiệu quả, phải chứng minh rằng chúng ta sẽ không lùi bước". (AFP)
* Italy điều tra vụ UAV nghi của Nga trinh sát cơ sở nghiên cứu hạt nhân khi tờ Corriere della Sera ngày 31/3 đưa tin, một UAV không xác định, được cho là có nguồn gốc từ Nga, được phát hiện bay 5 lần ở khu vực bố trí Trung tâm nghiên cứu chung (JRC) của Ủy ban châu Âu (EC) tại Ispra, miền Bắc Italy, trong suốt một tuần.
Tờ Corriere della Sera cho biết, UAV chủ yếu tập trung hoạt động ở khu vực JRC, nơi có các phòng thí nghiệm tiên tiến và cơ sở hạ tầng nghiên cứu hạt nhân, an ninh, không gian, phát triển bền vững và vận tải. Hiện vẫn chưa rõ liệu UAV trên có bay qua các cơ sở chiến lược khác trong khu vực hay không.
* Biểu tình tại thủ đô Berlin của Đức để phản đối việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ Thị trưởng thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) Ekrem Imamoglu, thành viên của đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập.
Ban tổ chức cho biết khoảng 1.000 người đã tham gia cuộc biểu tình trong khi cảnh sát ước tính con số này khoảng 400 người. (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân trong động đất ở Myanmar kéo dài một tuần, từ ngày 31/3-6/4, theo lời lãnh đạo chính quyền quân sự Min Aung Hlaing.
Đến chiều 31/3, “72 giờ vàng” đang trôi qua, nhưng các đội cứu hộ vẫn nỗ lực chạy đua với thời gian nhằm tìm kiếm người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ Richter tại Myanmar vào chiều 28/3.
Cho đến nay, mặc dù chính quyền quân sự Myanmar vẫn giữ nguyên số người thiệt mạng ở mức khoảng 1.700 và hơn 3.400 người bị thương, nhưng con số thực tế có thể cao hơn do lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận nhiều khu vực do gặp những khó khăn về thiết bị hạng nặng. (TASS)
* Ba nước Trung Á là Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan ký thỏa thuận mang tính lịch sử về điểm giao cắt biên giới, chấm dứt tình trạng thiếu pháp lý về việc này từ thời độc lập. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa tổng thống của ba nước tại Khujand, Tajikistan.
Ba Tổng thống còn ký Tuyên bố Khujand về tình hữu nghị vĩnh cửu cũng như tham gia lễ khánh thành Khu phức hợp hữu nghị tại biên giới ba nước. Công trình được xây dựng như một tượng đài cho tình hữu nghị của nhân dân Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan. (TASS)
* Số người thiệt mạng tại Thái Lan tăng lên 19 trong dư chấn do động đất mạnh ở Myanmar gây ra. Mặc dù chịu tác động từ trận động đất, nhưng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan ngày 31/3 cho biết vẫn duy trì dự báo đón 38 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Trả lời báo giới, Bộ trưởng Sorawong Thienthong giải thích, tác động của thảm họa động đất này chỉ mang tính ngắn hạn và không gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tỉnh, thành của Thái Lan. (Bangkok Post)
* Seoul bác bỏ đồn đoán về thay đổi vai trò lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), khẳng định liên minh quân sự Hàn-Mỹ vẫn duy trì thế trận phòng thủ vững chắc trước mọi tình huống, sau khi xuất hiện thông tin cho rằng, Washington có thể ưu tiên phòng thủ nội địa.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha Kyou khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 31/3 rằng: "Nhiệm vụ chính của USFK là bảo đảm hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và điều này không hề thay đổi". (Yonhap)
Trung Đông-châu Phi
* Iran sẽ đáp trả bất kỳ sự đe dọa nào từ Washington, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Tehran về việc "ném bom theo cách mà nước Cộng hòa Hồi giáo chưa từng thấy trước đây" nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập Đại sứ Thụy Sỹ, người đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Tehran để trao công hàm chính thức cảnh báo Washington về quyết tâm của nước Cộng hòa Hồi giáo trong việc phản ứng dứt khoát và ngay lập tức đối với bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài.
Trong khi đó, Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, cảnh báo đáp trả mạnh mẽ nếu nước Cộng hòa Hồi giáo bị Mỹ tấn công. (Tasnim)
* Israel xây dựng tuyến đường chia cắt Bờ Tây, sẽ phân tách giao thông giữa người Palestine và người Israel gần khu định cư cực lớn Maale Adumim, phía Đông Jerusalem, nơi sinh sống của hơn 40.000 người, theo tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Theo tuyên bố, nội các an ninh đã chấp thuận đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Israel về vấn đề này ngày 30/3. (Times of Israel)
* Hamas kêu gọi đấu tranh chống lại kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm di dời hơn hai triệu người dân Gaza đến các nước láng giềng như Ai Cập và Jordan. (AFP)
* Mỹ tiếp tục không kích các mục tiêu Houthi tại Yemen khi tối 30/3, giới chức y tế tại quốc gia Trung Đông cho biết, ít nhất 1 người đã thiệt mạng và 5 người bị thương trong các cuộc tấn công này.
Theo kênh truyền hình al-Masirah do Houthi điều hành, Mỹ đã tiến hành 4 cuộc không kích vào khu vực Jadir ở phía Bắc Sanaa; 13 cuộc không kích khác vào các địa điểm ở khu vực Al Malikah và Sarif ở phía Đông Bắc thủ đô. Tuy nhiên, kênh này không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thương vong hoặc thiệt hại.
* Liên minh Sahel (AES) gồm Burkina Faso, Mali và Niger áp thuế chung 0,5% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ bên ngoài khối, theo lệnh của Tổng thống lâm thời Mali Assimi Goita.
Mức thuế này có thể được điều chỉnh theo quyết định của Hội đồng nguyên thủ quốc gia AES. Các quốc gia thứ ba được xác định là những nước không thuộc AES và không có thỏa thuận hải quan với liên minh. (AFP)
Châu Mỹ
* Tổng thống Trump hé lộ khả năng tìm kiếm nhiệm kỳ 3 khi tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn ngày 30/3 rằng: "Tôi không đùa. Nhưng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến việc đó... Có những phương pháp mà bạn có thể làm điều đó, như bạn biết đấy".
Khi được hỏi về kịch bản Phó Tổng thống JD Vance tranh cử tổng thống rồi nhường lại vị trí, ông Trump xác nhận đây là "một trong những" phương án đang được cân nhắc.
Theo Tu chính án thứ 22 của Hiến pháp Mỹ, tổng thống chỉ được giữ chức tối đa hai nhiệm kỳ, dù liên tiếp hay không. Việc sửa đổi quy định này đòi hỏi sự chấp thuận của 2/3 Hạ viện và Thượng viện hoặc một hội nghị lập hiến do ít nhất 2/3 số bang triệu tập. (AFP)