Tin thế giới 26/5: Nga xuất kích đợt UAV chưa từng có nhằm vào Ukraine, Trung Quốc chuẩn bị 'vũ khí' mới, Tổng thống Venezuela thắng đậm
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Ukraine cho biết, Nga phóng một số lượng kỷ lục UAV loại Shahed vào nước này ngày 26/5. (Nguồn: Kyivpost)
Châu Âu
* Nga phóng 355 thiết bị bay không người lái (UAV) vào UAV trong một đêm, được xác nhận là cuộc tấn công lớn nhất bằng UAV vào Ukraine kể từ khi xung đột giữa hai nước nổ ra vào năm 2022.
Lực lượng không quân Ukraine xác nhận trong số đó bao gồm "UAV mồi nhử" và 9 tên lửa hành trình nhằm vào Ukraine ngày 26/5. Cuộc tấn công sử dụng số lượng UAV kỷ lục. Chính quyền thủ đô Kiev cho biết các báo động không kích ở khu vực này kéo dài 6 tiếng đồng hồ. (AFP)
* Nga tiến hành các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Ukraine để đáp trả các cuộc tấn công của Kiev vào cơ sở hạ tầng dân sự của Moscow, theo lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/5.
Đêm 24 rạng sáng 25/5, Nga đã phóng số lượng thiết bị bay không người lái (UAV) kỷ lục vào Ukraine, khiến 13 người trên khắp đất nước thiệt mạng, trong khi quân đội Ukraine bắn 33 loạt đạn dược khác nhau vào các khu định cư ở Donetsk trong 24 giờ. (TASS)
* Một vùng đệm sẽ bao trùm gần như toàn bộ Ukraine, chỉ trừ một phần nhỏ ở phía Tây nếu viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev tiếp tục, theo lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.
Hôm 22/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo về quyết định thiết lập một vùng đệm an ninh dọc biên giới với Ukraine. (TASS)
* Đức phải được trang bị đầy đủ vũ khí và các khí tài khác vào năm 2029, theo lời Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng nước này Carsten Breuer.
Theo Reuters, thông tin trên được trích từ tài liệu có tiêu đề “Những ưu tiên chỉ đạo đối với việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu”, do ông Breuer ký ngày 19/5. Tài liệu nêu rõ Đức sẽ đạt được mục tiêu nhờ nguồn tài chính bổ sung sau khi nới lỏng quy định về phanh nợ cách đây vài tuần.
* Nga chưa từng và sẽ không tạo ra bất cứ mối đe dọa nào đối với an ninh, sự độc lập và chủ quyền của Moldova, theo lời Đại sứ Nga tại Moldova Oleg Ozerov.
Ông Ozerov khẳng định: "Trong khuôn khổ hiệp ước hữu nghị và hợp tác hiện có… Nga ủng hộ việc củng cố chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tính trung lập của Moldova. Những bước đi đang được thực hiện nhằm xem xét lại các thành tố này không phải là lập trường của chúng tôi". (RIA)
* Tổng thống đắc cử Romania Nicusor Dan thăm Warsaw ngay trước lễ nhậm chức và một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai ở Ba Lan. Trong bài phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Warsaw, Tổng thống đắc cử Romania bày tỏ sự ủng hộ cho ứng viên tổng thống Rafal Trzaskowski được Liên minh Công dân trung dung của Thủ tướng Donald Tusk hậu thuẫn.
Ông cho biết đã mang đến Warsaw “một thông điệp ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), thông điệp về pháp quyền, để Ba Lan và Romania cùng chung tay trong EU và thúc đẩy mục tiêu tương tự, vì an ninh ở khu vực phía Đông”. (Euronews)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Trung Quốc chuẩn bị "vũ khí" kinh tế mới trong bối cảnh trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, bao gồm cả những biện pháp phi truyền thống, theo lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Ông Lý Cường cho hay, sự phân mảnh của các chuỗi công nghiệp và cung ứng ngày càng sâu sắc, các rào cản thương mại gia tăng, gây tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế với nhiều đối tác quốc tế hơn nữa, nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc tại nước ngoài. (THX)
* Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra tại Malaysia, lãnh đạo các nước thành viên và Timor Leste đã dự phiên họp hẹp trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Lãnh đạo các nước chia sẻ, là khu vực giao thoa của nhiều lợi ích địa chính trị và địa kinh tế, đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ, ASEAN càng cần tăng cường đoàn kết, khẳng định giá trị của đối thoại, hợp tác và chủ nghĩa đa phương, nâng cao tự chủ chiến lược, phát huy mạnh mẽ tiếng nói chung, đóng góp tích cực và xây dựng vào các tiến trình toàn cầu.
Lãnh đạo các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Các nước ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch Malaysia và Đặc phái viên của Chủ tịch về Myanmar, ủng hộ phát huy vai trò của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar, thực hiện hiệu quả Đồng thuận 5 điểm. ASEAN tái cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, minh bạch và tự do, tăng cường đầu tư và thương mại nội khối, mở rộng liên kết kinh tế với các đối tác bên ngoài.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta - một văn kiện quan trọng định hướng cho 20 năm tới của khối. (THX, TTXVN)
* Triều Tiên bắt giữ 4 quan chức sau vụ hạ thủy thất bại tàu chiến 5.000 tấn, gồm Phó Trưởng ban Công nghiệp quốc phòng trung ương đảng Ri Hyong-son, kỹ sư trưởng tại nhà máy đóng tàu Chongjin Kang Jong-chol, trưởng xưởng đóng thân tàu Han Kyong-hak và Phó giám đốc phụ trách các vấn đề hành chính Kim Yong-hak.
Sự việc xảy ra trong buổi lễ hạ thủy ngày 21/5, khi phần đáy của tàu khu trục mới đóng bị biến dạng. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un bày tỏ sự giận dữ, gọi đây là "hành động tội ác do sự bất cẩn tuyệt đối". (KCNA)
* Ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc đảng Dân chủ Lee Jae-myung sẽ theo đuổi việc khôi phục liên lạc giữa nước này và Triều Tiên, trong đó bao gồm cả đường dây nóng quân sự, nếu đắc cử trong cuộc bầu của Tổng thống vào đầu tháng 6 tới.
Ông cam kết sẽ "quản lý ổn định" quan hệ với Trung Quốc, điều mà theo ông đã rơi xuống "tình trạng tồi tệ nhất" dưới thời chính quyền tiền nhiệm, đồng thời khẳng định sẽ phát triển mối quan hệ Mỹ-Hàn thành một "liên minh chiến lược toàn diện" và giải quyết theo nguyên tắc các vấn đề lịch sử và lãnh thổ trong quá khứ. (Yonhap)
Trung Đông-châu Phi
* Israel kiểm soát 77% lãnh thổ Gaza, theo thông báo của phong trào Hamas ngày 25/5. Trong khi đó, ngày 26/5, theo Bộ Y tế Gaza, Israel đã tiến hành một cuộc không kích vào một trường học ở Dải Gaza khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.
Quân đội Israel giải thích cuộc không kích nhằm vào một trung tâm chỉ huy và kiểm soát hoạt động bên trong trường học - nơi nhóm Hamas và phong trào thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad) sử dụng để thu thập thông tin tình báo cho các cuộc tấn công. Israel đổ lỗi cho Hamas về cái chết của dân thường khi cáo buộc lực lượng này hoạt động trong các khu dân cư. (AP)
* Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Kristi Noem bất ngờ đến Israel ngày 25/5 theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, nhằm thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết sau vụ 2 nhân viên Đại sứ quán Israel tại Washington bị sát hại.
Trong chuyến thăm, bà đã gặp Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu, "bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với Thủ tướng và nhà nước Israel", cũng như đánh giá cao "cách ông Netanyahu tiến hành chiến dịch" ở Gaza. (AFP)
* Malta sẽ chính thức công nhận nhà nước Palestine vào ngày 20/6, theo lời Thủ tướng quốc gia Địa Trung Hải Robert Abela ngày 25/5.
Tuyên bố của ông Abela chấm dứt hơn 4 thập kỷ cân nhắc về vấn đề trên của Malta, đánh dấu sự công nhận ngoại giao chính thức đầu tiên của quốc gia Địa Trung Hải đối với Palestine. (THX)
* Iran không cân nhắc việc tạm thời ngừng làm giàu uranium để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei ngày 26/5 khi trả lời câu hỏi về việc Tehran có thể đóng băng hoạt động làm giàu uranium trong 3 năm để đạt được thỏa thuận hay không.
Ông Baghaei khẳng định: "Iran sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Nếu có thiện chí từ phía Mỹ, chúng tôi cũng lạc quan, nhưng nếu các cuộc đàm phán nhằm mục đích hạn chế quyền lợi của Iran thì sẽ chẳng đi đến đâu".
Theo ông Baghaei, Iran đang chờ thêm thông tin chi tiết từ nước trung gian hòa giải Oman về thời điểm diễn ra vòng đàm phán tiếp theo. (Reuters)
Châu Mỹ
* Đảng Xã hội thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền của Thủ tướng Nicolas Maduro đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử địa phương và Quốc hội diễn ra ngày 25/5, với gần 83% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp, qua đó giúp đảng này giữ vững thế đa số tại Quốc hội.
Bên cạnh đó, PSUV cũng giành được 23/24 vị trí Thống đốc bang trong khi phe đối lập chỉ giành được một chức Thống đốc, giảm so với 4 vị trí đã giành được trong cuộc bầu cử năm 2021.
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) Carlos Quintero cho biết, số cử tri đi bỏ phiếu là 8,9 triệu người, tương đương với con số trong cuộc bầu cử năm 2021. Kết quả bầu cử cơ quan lập pháp trên được cho sẽ mở đường giúp đảng cầm quyền tiếp tục kiểm soát Văn phòng Tổng chưởng lý và Tòa án Tối cao. (AFP)
* Mỹ nâng cấp căn cứ hải quân chiến lược của Philippines tại Biển Đông có tên Căn cứ hải quân Vịnh Oyster. Dự án có tổng kinh phí từ 1-5 triệu USD, dự kiến triển khai từ tháng 6 hoặc chậm nhất là tháng 7 năm nay. Các hạng mục nâng cấp chính bao gồm lắp đặt cần cẩu giàn 5 tấn phục vụ di chuyển tàu thuyền, xây dựng 2 phòng đa năng và cải tạo đường dốc lên xuống tàu.
Bên cạnh đó, Mỹ có kế hoạch xây dựng một cơ sở lưu trữ mới rộng 19.979m2 tại Vịnh Subic hoặc Khu cảng tự do Clark - lớn gấp ba lần các kho hiện tại của họ tại Kho tiếp vận hải quân Vịnh Subic. Dự kiến việc thuê đất được thực hiện vào năm 2026 với thời hạn 10 năm. (Zona-militar)