Tin thế giới 25/9: Điều gì khiến Nga liên tục tuyên bố 'sai lầm nghiêm trọng'? Tổng thống Biden 'chốt' nhiệm kỳ bằng chuyến thăm châu Phi duy nhất
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Âu
* Điện Kremlin liên tục cảnh báo “sai lầm nghiêm trọng” khi lên tiếng bác bỏ những phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Liên hợp quốc (LHQ) rằng, chỉ có thể ép buộc Moscow hòa đàm và Kiev sẽ không thương lượng theo điều kiện của Moscow để chấm dứt xung đột.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, đó là một "sai lầm nghiêm trọng, có hệ thống" và chắc chắn sẽ "gây ra hậu quả đối với chính quyền Kiev".
Ông khẳng định, Moscow ủng hộ hòa bình, nhưng với điều kiện đảm bảo sự ổn định của mình và đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt: "Không đạt được những mục tiêu này thì không thể ép buộc Nga”. (AFP)
* Anh đang nỗ lực giúp Ukraine có "vị thế mạnh nhất" trong xung đột với Nga trước khi mùa Đông tới, theo lời Ngoại trưởng Anh David Lammy. Tuy nhiên ông từ chối xác nhận liệu London có cho phép Kiev sử dụng vũ khí chính xác tầm xa của Anh để tấn công vào sâu bên trong nước Nga hay không. (AFP)
* Tàu ngầm chiến lược Nga Emperor Alexander III và Krasnoyarsk đến căn cứ Vilyuchinsk ở bán đảo Kamchatka của Hạm đội Thái Bình Dương. Các tàu ngầm hiện đại nhất này được phiên chế trong Hạm đội Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ răn đe chiến lược, duy trì và tăng cường tiềm lực chiến đấu cũng như sức mạnh quân sự. (TASS)
* Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ xem xét đàm phán về phân định ranh giới biển ở phía Đông Địa Trung Hải, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hy Lạp hôm 25/9. Thỏa thuận này là rất quan trọng để xác định quyền đối với các mỏ khí đốt tiềm năng và các kế hoạch cơ sở hạ tầng điện. (Reuters)
* Lãnh đạo đảng Xanh trong liên minh cầm quyền ở Đức tuyên bố từ chức sau những thất bại nặng nề của đảng này trong ba cuộc bầu cử quốc hội cấp bang tại Thuringia, Saxony và Brandenburg vừa qua. Tuy nhiên, Ban chấp hành liên bang của đảng này sẽ tiếp tục làm việc cho đến Đại hội đảng vào tháng 11 tới. (Spiegel)
* Nga ủng hộ thêm ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) cho châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24/9.
Ông Lavrov cho rằng, các nước đang phát triển không có đủ đại diện trong HĐBA của tổ chức quốc tế này và "chúng ta cần thỏa mãn nguyện vọng của châu Phi. Có những quan điểm tập thể chung ở châu Phi mà chúng tôi tôn trọng”. (TASS)
* Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp người đồng cấp Iran Masoud Pezeshkian ở New York ngày 24/9, trong đó ông hối thúc nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo dùng ảnh hưởng để xoa dịu căng thẳng đang gia tăng ở Lebanon, cũng như cảnh báo Tehran về việc ủng hộ Nga trong xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Macron cũng nói với người đồng cấp Pezeshkian rằng, quan hệ song phương chỉ được cải thiện nếu Tehran trả tự do ngay lập tức cho 3 công dân Pháp đang bị giam giữ tại nước này. (Reuters, AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Trung Quốc phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa về phía Thái Bình Dương, không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào và phù hợp với luật pháp quốc tế, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 25/9. (Reuters)
* Trung Quốc tuyên bố cam kết hỗ trợ Iran bảo vệ chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá quốc gia, trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Vương Nghị với Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Masoud Pezeshkian tại New York, ngày 24/9.
Trong khi đó, mô tả mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tehran là sâu sắc và có tính lịch sử, Tổng thống Iran khẳng định "rất coi trọng Trung Quốc và muốn làm sâu sắc và phát triển hợp tác trong mọi lĩnh vực". (AFP)
* Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi là chìa khóa cho tương lai của châu Á, thậm chí ảnh hưởng tới tương lai trật tự toàn cầu, mặc dù “sự trỗi dậy song song” của hai nước láng giềng này cũng gây ra “vấn đề đáng chú ý", theo lời Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, ngày 24/9. (SCMP)
* Quân đội Philippines ủng hộ duy trì vĩnh viễn hệ thống tên lửa của Mỹ, theo tuyên bố của Tổng tư lệnh quân đội quốc gia Đông Nam Á này, Tướng Romeo Brawner, ngày 25/9.
Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung Typhon ở miền Bắc Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm, nhưng không rút hệ thống này sau các cuộc tập trận. Hai nước có một hiệp ước phòng thủ chung. (AFP)
* Hàn Quốc-Cuba lần đầu tiên đối thoại cấp Ngoại trưởng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu năm nay, diễn ra bên lề khóa họp thường niên của Đại hội đồng LHQ tại New York (Mỹ).
Tại cuộc gặp kéo dài khoảng nửa giờ, các ngoại trưởng hai nước đã thảo luận một loạt vấn đề song phương, trong đó có kế hoạch thiết lập các phái bộ ngoại giao tại hai nước vào trước cuối năm nay. (Yonhap)
Trung Đông-châu Phi
* Israel tăng cường không kích nhằm vào các mục tiêu Hezbollah ở miền Nam Lebanon và khu vực Beqaa trong ngày 25/9, theo thông báo của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF)
Theo IDF, khoảng 40 quả đạn đã được phóng vào miền Bắc Israel từ Lebanon, kích hoạt còi báo động trong khu vực. (AFP)
* Hezbollah phóng một tên lửa đạn đạo Qader 1 vào trụ sở cơ quan tình báo Israel (Mossad) gần Tel Aviv của Israel vào sáng 25/9. Cùng ngày, các hệ thống phòng không Israel đã đánh chặn một tên lửa, được phát hiện bay từ Lebanon, sau khi tiếng còi báo động vang lên ở Trung tâm kinh tế Tel Aviv. (AFP)
* Lebanon hy vọng Mỹ có thể can thiệp để giúp đỡ cho cuộc khủng hoảng đang leo thang giữa Beirut với Israel, dù bày tỏ thất vọng về phát biểu "không mạnh mẽ, không hứa hẹn" của Tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng LHQ về vấn đề này.
Trước đó, trong bài phát biểu tại LHQ, Tổng thống Biden đã tìm cách xoa dịu căng thẳng, khẳng định chiến tranh toàn diện không có lợi cho bất kỳ ai và giải pháp ngoại giao vẫn có thể thực hiện được. (Reuters)
* Iran sẵn sàng chấm dứt thế bế tắc với phương Tây về vấn đề hạt nhân, theo lời Tổng thống nước này Masoud Pezeshkian tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ.
Ông Pezeshkian nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nếu các cam kết của thỏa thuận được thực hiện đầy đủ và thiện chí, việc đối thoại về các vấn đề khác có thể được tiến hành". (Reuters)
* Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thất vọng về vai trò của các thế lực nước ngoài trong cuộc chiến giành quyền lực tàn bạo ở Sudan, dẫn đến tình trạng bạo lực khủng khiếp, khi phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 24/9.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó kêu gọi tất cả các quốc gia cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí cho các tướng lĩnh đối địch ở Sudan, hối thúc "cùng lên tiếng và nói với họ: Ngừng xâu xé quốc gia của các bạn. Ngừng chặn viện trợ cho người dân Sudan và chấm dứt cuộc chiến này ngay bây giờ". (AFP)
* Mali xem xét điều chỉnh chiến lược an ninh trong cuộc gặp của Tổng tư lệnh quân đội của nước này với các quan chức quân sự cấp cao, sau vụ khủng bố đẫm máu tại thủ đô Bamako khiến 75 người thiệt mạng và hơn 250 người bị thương hôm 17/9. (Reuters)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Angola vào tháng tới trong chuyến thăm đầu tiên và có lẽ là duy nhất của ông tới châu Phi với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Theo kế hoạch, ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ dừng chân tại Đức khi nỗ lực củng cố các liên minh của Mỹ trong những tháng cuối cùng tại nhiệm. Chuyến đi diễn ra từ ngày 10-15/10. (White House)
* Bà Kamala Harris dẫn trước ông Donald Trump trong cuộc thăm dò trước bầu cử do Reuters/Ipsos công bố ngày 24/9, theo đó, Phó Tổng thống Mỹ Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, đang dẫn trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump với tỷ lệ 47%-40%.
* Mỹ sẵn sàng nối lại đối thoại về kiểm soát vũ khí với Nga, theo lời Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 24/9. Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev hoan nghênh quan điểm này, song nhấn mạnh hai bên chỉ có thể đàm phán nếu Washington thay đổi chính sách đối với Moscow. (Haberrus)
* Mỹ sẽ thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu, theo lời ông Jedidiah Royal, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lầu Năm Góc sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Hawaii trong khoảng 2 tuần nữa, với sự tham gia của ít nhất 12 đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu. (CNA)
* Mỹ thông qua thỏa thuận trị giá 740 triệu USD để cung cấp tên lửa Stinger cho Ai Cập, giúp tăng cường an ninh cho quốc gia Bắc Phi, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định khu vực Trung Đông. (AFP)