Tin thế giới 21/5: Tổng thống Ukraine 'thất vọng' với phương Tây; lãnh đạo Nga, Trung Quốc sắp 'tái ngộ'; Israel-Hamas bất ngờ chung tiếng nói
Tròn một nhiệm kỳ đầy chông gai của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tình hình Dải Gaza, ông Vladimir Putin sắp gặp lại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Iran ấn định ngày bầu cử... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Châu Âu
* Ukraine 'thất vọng' với việc phương Tây cung cấp viện trợ: Ngày 20/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc các đồng minh phương Tây đang mất quá nhiều thời gian để đưa ra các quyết định quan trọng về hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Mô tả việc cung cấp viện trợ của phương Tây là "thất vọng", đặc biệt là các hệ thống phòng không như hệ thống Patriot mà Ukraine phụ thuộc rất nhiều trong cuộc xung đột với Nga, ông Zelensky gọi đó là "một bước tiến lớn, nhưng trước đó, đã lùi hai bước".
Tổng thống Zelensky đề xuất những cách mà các đồng minh có thể giúp đỡ trực tiếp hơn, bao gồm cả việc bắn hạ tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraine trong một số trường hợp nhất định, đồng thời cho biết, Kiev cần ít nhất 120, 130 máy bay để chống cự trên bầu trời, đề cập cả F-16.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết, Kiev đang đàm phán với các đối tác quốc tế để sử dụng vũ khí của họ tấn công các khí tài quân sự của Nga ở biên giới và xa hơn bên trong lãnh thổ Nga. (Reuters)
* Châu Âu và Mỹ thất bại hoàn toàn trong chiến lược về Ukraine, theo lời Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, ngày 21/5.
Ông Szijjarto nhận định, xung đột ở Ukraine hoàn toàn không tiến gần hơn đến thời điểm kết thúc và các biện pháp trừng phạt đã gây ra tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế châu Âu, trong khi các quốc gia Tây Âu vốn “rất tự hào là đã thoát khỏi những nguồn năng lượng của Nga” trên thực tế lại đang mua mặt hàng này một cách gián tiếp, chẳng hạn như qua nguồn cung dầu mỏ từ Ấn Độ. (Prensa Latina)
* Tròn 5 năm một nhiệm kỳ Tổng thống Ukraine đầy chông gai của ông Zelensky vào ngày 20/5, nhà lãnh đạo thừa nhận, quân đội nước này đang trải qua "một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất" kể từ đầu xung đột với Nga, nổ ra ngày 24/2/2022.
Hiện, Ukraine vẫn chưa tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới do đang trong tình trạng thiết quân luật.
Tuy nhiên, người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) cho biết: “Đối với chúng tôi, ông Zelensky vẫn là Tổng thống của Ukraine và là người Tổng thư ký LHQ liên lạc khi ông cần liên lạc với nhà lãnh đạo Ukraine”. (Topwar)
* UNHCR quan ngại việc quốc tế giảm dần quan tâm tới Ukraine: Ngày 20/5, Đại diện tại Ukraine của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Karolina Lindholm Billing cho biết, viện trợ nhân đạo cho Ukraine đang giảm trở lại, trong khi tình hình ngày càng xấu đi, với khoảng 4 triệu người đã phải di dời.
Kế hoạch nhân đạo năm 2024 của LHQ dành cho Kiev lên tới 3,1 tỷ USD trong năm nay, bao gồm 599 triệu USD cho UNHCR, song trong quý đầu tiên, kế hoạch này chỉ được tài trợ khoảng 15%, kém hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi cuộc xung đột trở thành "cuộc chạy đua đường dài", bà Karolina Lindholm Billing nói thêm rằng: "Hỗ trợ tiền mặt, viện trợ nhân đạo bằng hiện vật, giúp đỡ về chỗ ở, sửa nhà, hỗ trợ tâm lý xã hội giờ đây ít hơn và khó dự báo hơn". (UNHCR)
* Hội đồng Bảo an LHQ phủ quyết dự thảo nghị quyết của Nga về ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ trong cuộc họp ngày 20/5. Có 7 nước ủng hộ, 7 nước phản đối và 1 nước bỏ phiếu trắng.
Phản ứng về việc này, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya tuyên bố, các nước thành viên phương Tây của Hội đồng Bảo an đã ngăn cản tổ chức này đưa ra quyết định cân bằng và phù hợp nhằm duy trì vũ trụ chỉ riêng cho mục đích sử dụng hòa bình.
Ông Nebenzya cảnh báo, việc phương Tây quân sự hóa vũ trụ sẽ cần đến sự phân tích và phản ứng của Nga, nhưng nước này sẽ vẫn cam kết thực hiện các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, đồng thời sẽ cùng với các quốc gia thành viên LHQ có trách nhiệm tiếp tục nỗ lực hết sức để giữ hòa bình cho vũ trụ.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 21/5 cho rằng, Mỹ "một lần nữa chứng minh rằng, ưu tiên thực sự của nước này trong lĩnh vực không gian không nhằm mục đích giữ cho không gian không có bất kỳ loại vũ khí nào, mà là bố trí vũ khí trong không gian”. (AFP)
* Ba Lan bắt giữ 9 người vì hành động phá hoại trong nước, theo thông báo của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, tối 20/5 (giờ địa phương).
Các hành động phá hoại bao gồm hủy hoại và đốt phá, ảnh hưởng không chỉ Ba Lan mà còn đến các nước láng giềng như Lithuania, Latvia và có thể là Thụy Điển. (Reuters)
* Tổng thống Slovakia hủy họp với các đảng chính trị ở Quốc hội trong ngày 21/5 do thiếu sự thống nhất của các bên.
Cuộc họp vốn được lên kế hoạch nhằm xoa dịu tình hình và loại bỏ bạo lực trong xã hội Slovakia sau vụ ám sát Thủ tướng Robert Fico hôm 15/5.
Bình luận về vấn đề này, đảng Tự do và đoàn kết (SaS) cho rằng, việc hủy bỏ hội nghị bàn tròn là bằng chứng cho thấy một số chính trị gia Slovakia vẫn "chưa thể vượt qua được cái bóng của chính mình". (TASR)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Lãnh đạo Nga, Trung Quốc sẽ gặp lại nhau vào tháng 7 tại Kazakhstan, theo thông tin Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 20/5, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Đây sẽ là cuộc gặp thứ 2 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trong vòng 2 tháng, sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 16/5 và cam kết tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng từ phương Tây.
Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố, Trung Quốc và Nga cần tăng cường hỗ trợ lẫn nhau và đẩy mạnh nỗ lực chung để đảm bảo sự ổn định trong khu vực chung, nhấn mạnh một SCO gắn kết chặt chẽ “không chỉ đáp ứng được lợi ích chung của các quốc gia thành viên, mà còn phù hợp với xu hướng đa cực trên thế giới”.
Hai nhà ngoại giao hàng đầu hai nước cũng trao đổi quan điểm về “nhiều vấn đề cấp bách, trong đó có tiến trình hòa bình ở Trung Đông, những diễn biến ở khu vực Biển Đỏ và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên”. (SCMP)
* Hàn Quốc-Nhật Bản nhất trí phối hợp về an ninh mạng: Ngày 21/5, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee-keun và người đồng cấp Nhật Bản Yasuhiro Tsuyuki họp tại Tokyo, nhất trí tăng cường hợp tác để hạn chế sự gia tăng các vấn đề an ninh và tội phạm mạng, bao gồm hành vi "khủng bố" mạng từ Triều Tiên.
Hai bên cũng thảo luận về việc chuẩn bị các biện pháp cụ thể ở cấp cơ quan cảnh sát để hỗ trợ nhóm tư vấn mạng cấp cao, mà Seoul, Tokyo và Washington đã nhất trí thành lập vào năm ngoái để chặn đứng các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. (Yonhap)
* Australia tìm cách thúc đẩy hợp tác ở Ấn Độ Dương: Trong tuần này, Ngoại trưởng Australia Penny Wong sẽ thăm Bangladesh và Singapore để thúc đẩy quan hệ và lợi ích của Canberra ở khu vực Ấn Độ Dương.
Australia muốn tăng cường hợp tác với Bangladesh về thương mại và đầu tư, đồng thời tìm ra giải pháp thiết thực cho những thách thức chung như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải khu vực và nạn buôn người.
Trong khi đó, Canberra sẽ tìm kiếm hợp tác kinh tế và an ninh, cũng như quan hệ chặt chẽ với các đối tác Singapore về những thách thức chung trong khu vực.
Ngày 20/5,Canberra cũng đã khai trương trụ sở mới của Trung tâm quan hệ Australia-Ấn Độ tại thành phố Parramatta và triển khai nhiều sáng kiến hợp tác song phương, bao gồm tham vấn về lộ trình kinh tế hai nước trong tương lai và đàm phán hiệp định thương mại tự do mới. (New India Abroad)
* Nhật Bản lọt top các điểm đến du lịch hàng đầu thế giới: Ngày 21/5, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố danh sách các điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, trong đó Mỹ chiếm vị trí thứ nhất, tiếp đó là Tây Ban Nha và Nhật Bản.
Theo báo cáo phát triển du lịch và lữ hành của WEF, Nhật Bản là quốc gia có thứ hạng cao nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đạt điểm cao về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và cơ sở hạ tầng giao thông.
Xếp hạng theo các tiêu chí riêng lẻ, Nhật Bản đứng thứ 2 về tài nguyên văn hóa như các địa điểm khảo cổ và cơ sở giải trí, đứng thứ 4 về cơ sở hạ tầng mặt đất đối với mạng lưới đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, nước này đạt điểm tương đối thấp về khả năng cạnh tranh về giá, dịch vụ du lịch và các chỉ số cơ sở hạ tầng.
Trong bảng xếp hạng tổng thể đánh giá 119 quốc gia và khu vực, Pháp đứng thứ 4, tiếp theo là Australia ở vị trí thứ 5. Trong số các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác, Trung Quốc đứng thứ 8, Singapore (thứ 13) và Hàn Quốc (thứ 14). (Kyodo)
Trung Đông-châu Phi
* Phản ứng trái chiều về đề nghị bắt giữ lãnh đạo Israel, Hamas củaTòa án Hình sự quốc tế (ICC).
Theo đó, cả Hamas và Israel bất ngờ có cùng phản ứng khi đều phản đối việc Trưởng Công tố viên ICC Karim Khan đề nghị ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel và 3 thủ lĩnh của Hamas.
Mỹ và Anh cũng phản đối động thái của ICC, thậm chí, Hạ viện Mỹ cảnh báo, nếu tòa án này thực sự ra lệnh bắt giữ Thủ tướng và Bộ trưởng Israel, Washington sẽ xem xét các biện pháp đáp trả.
Tuy nhiên, Nam Phi đã ra tuyên bố hoan nghênh động thái của Trưởng Công tố viên ICC.
Truong khi đó, ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân bày tỏ hy vọng ICC sẽ "duy trì quan điểm khách quan, vô tư và thực thi quyền hạn theo quy định của pháp luật".
Khẳng định có “sự đồng thuận áp đảo trong cộng đồng quốc tế nhằm kết thúc ngay lập tức cuộc chiến ở Gaza và chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với nhân dân Palestine”, ông Uông Văn Bân nhấn mạnh, Bắc Kinh ủng hộ “những nỗ lực thúc đẩy một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề này". (Reuters, AFP)
* Houthi bắn hạ máy bay không người lái (UAV) MQ9 của Mỹ ở tỉnh al-Bayda, miền Nam Yemen trong ngày 21/5, theo người phát ngôn quân sự của phong trào này Yahya Saree. (Reuters)
* Iran ấn định thời điểm tổ chức bầu cử Tổng thống bất thường vào ngày 28/6. Hội đồng Giám hộ Iran đã được yêu cầu bắt đầu đăng ký các ứng cử viên tổng thống trước ngày 28/5.
Hội đồng Giám hộ (cơ quan siêu nghị viện bao gồm các thành viên của giới tăng lữ) chịu trách nhiệm thẩm định tư cách của các ứng cử viên tranh cử vào các vị trí điều hành trong chính phủ nước này, bao gồm cả chức vụ Tổng thống Iran.
Vụ việc diễn ra sau khi Tổng thống nước này Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian tử nạn trong vụ trực thăng rơi ngày 19/5.
Ngày 21/5, Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jajali khẳng định, Tehran sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách đối ngoại sau cái chết của các ông Raisi và Amir-Abdollahian. (TASS)
* Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cải tổ Nội các và bổ nhiệm bà Aisha Mohammed làm Bộ trưởng Quốc phòng mới trong ngày 20/5, có hiệu lực ngay ngày 21/5.
Cuộc cải tổ này đánh dấu sự trở lại của bà Aisha Mohammed tại Bộ Quốc phòng, nơi bà từng giữ chức vụ nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Ethiopia trong một thời gian ngắn vào tháng 10/2018. Thời điểm đó, ông Abiy đã công bố thông tin phụ nữ chiếm tỷ lệ 50% trong Nội các Ethiopia. (THX)
Châu Mỹ
* Mỹ-Saudi Arabia sắp đạt được thỏa thuận an ninh song phương khi Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan giành được tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán với đối tác ở Riyadh vào cuối tuần qua.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, hai bên đang "ở gần hơn bao giờ hết" về một thỏa thuận hiện đang ở giai đoạn "gần cuối cùng". (Reuters)
* Các nước Mỹ Latinh chúc mừng Tổng thống CH Dominicana tái đắc cử: Ngày 20/5, chính phủ Cuba, Venezuela và nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã chúc mừng Tổng thống Cộng hòa Dominica Luis Abinader tái đắc cử.
Sau khi 94,39% số phiếu được kiểm, ông Abinader, đại diện đảng Cách mạng hiện đại (PRM) cầm quyền, đã đạt được 57,18% số phiếu bầu, bỏ xa đối thủ Leonel Fernández (29,32%), người từng nắm giữ 3 nhiệm kỳ Tổng thống không liên tiếp ở quốc gia vùng Caribbean này.
Với số phiếu bầu ủng hộ hợp lệ quá bán, Tổng thống đương nhiệm Abinader đã giành chiến thắng quyết định để tiếp tục lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ thứ hai mà không cần thêm một vòng bỏ phiếu. (TTXVN)