Tin thế giới 19/12: Quan hệ Nga-Trung đạt mức chưa từng có, Myanmar thông báo kế hoạch bầu cử, Nga sẵn sàng đàm phán về Ukraine
Ấn Độ và Trung Quốc đạt được 6 điểm đồng thuận về biên giới, châu Âu cân nhắc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách quốc phòng… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Myanmar thông báo kế hoạch bầu cử: Ngày 19//12, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa cho biết Bộ trưởng Ngoại giao do chính quyền quân sự Myanmar bổ nhiệm đã thông báo với quan chức từ 5 nước láng giềng về kế hoạch tổ chức bầu cử nhiều lần bị trì hoãn của chính quyền quân sự.
Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura nêu rõ, Bộ trưởng Ngoại giao Than Swe do chính quyền quân sự bổ nhiệm Myanmar đã gặp các nhà ngoại giao Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Lào và Thái Lan trong một "cuộc tham vấn không chính thức". Ông cho hay Myanmar đã "phác thảo một cách rất khái quát về tiến trình hướng tới một cuộc bầu cử" trong năm 2025. Tuy nhiên, những thông tin chi tiết, bao gồm cả ngày chính xác, đều chưa được thảo luận.
Cuộc tham vấn này được tổ chức ở Bangkok do Ngoại trưởng Maris Sangiampongsa chủ trì và diễn ra một ngày trước cuộc hội đàm không chính thức về Myanmar do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chủ trì. (AFP)
*Quan hệ Nga-Trung đạt mức chưa từng có: Ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quan hệ giữa nước này và Trung Quốc đã đạt đến mức chưa từng thấy trước đây. Phát biểu tại phiên hỏi đáp "Đường dây trực tiếp" thường niên kết hợp với cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Putin nhấn mạnh: Trong những năm qua, rất nhiều điều diễn ra trong quan hệ của chúng ta, nhưng trong những thập niên gần đây, mức độ và chất lượng quan hệ đã trở nên chưa từng có trong lịch sử của chúng ta.
Ông cho biết thêm Nga và Trung Quốc không làm bất cứ điều gì đi ngược lại lợi ích của hai nước, trong khi làm rất nhiều điều vì lợi ích của cả nhân dân Trung Quốc và Nga. Tổng thống Putin lưu ý, theo các ước tính khác nhau, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt 220-240 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng. (Reuters)
*Trung Quốc điều tàu sân bay Sơn Đông tập trận trên biển Đông: Theo hình ảnh vệ tinh được chụp hôm 17/2, Trung Quốc đã điều động tàu sân bay Sơn Đông đến khu vực Biển Đông đang tranh chấp trong bối cảnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lên kế hoạch tổ chức cuộc tập trận kéo dài 4 ngày trong khu vực.
Hình ảnh được chụp bởi vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho thấy tàu sân bay Sơn Đông, tàu sân bay thứ hai đang hoạt động của hải quân Trung Quốc, di chuyển về phía tây nam hướng tới khu vực tập trận quân sự ngoài khơi đảo Hải Nam. Tàu sân bay Sơn Đông, có căn cứ tại một căn cứ hải quân ở Tam Á trên đảo Hải Nam, trước đó đã tham gia cuộc tập trận song song đầu tiên của Trung Quốc với tàu sân bay Liêu Ninh vào cuối tháng 10 tại Biển Đông.
Động thái này diễn ra sau cuộc tập trận quy mô lớn của quân đội Trung Quốc gần Đài Loan (Trung Quốc) tuần trước. (Reuters)
*Ấn Độ và Trung Quốc đạt được 6 điểm đồng thuận về vấn đề biên giới: Ngày 18/12, tại cuộc họp theo cơ chế Đại diện Đặc biệt (SR) ở thủ đô Bắc Kinh, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đạt được 6 điểm đồng thuận nhằm giải quyết các vấn đề biên giới.
Ngoài ra, hai bên cũng đã trao đổi quan điểm sâu rộng về các vấn đề song phương, quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp, ổn định và có thể dự đoán được giữa Trung Quốc và Ấn Độ đối với hòa bình, ổn định quốc tế và khu vực.
Cùng ngày, trong cuộc gặp ông Adjit Doval, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính nhấn mạnh Bắc Kinh và New Delhi nên duy trì đà trao đổi cấp cao, đồng thời cho rằng hai bên cần nuôi dưỡng sự tin cậy chính trị lẫn nhau và từng bước nối lại đối thoại. (The Hindustan Times)
Châu Âu
*Châu Âu cân nhắc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine: Các quốc gia châu Âu đang thảo luận về kế hoạch triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình quy mô lớn tới Ukraine, với số lượng có thể lên tới 100.000 binh sĩ. Thông tin này được Reuters đưa tin dựa trên nguồn tin từ các quan chức châu Âu và Ukraine ngày 18/12.
Theo các nguồn tin ngoại giao, lực lượng này dự kiến sẽ được thành lập với sự tham gia của 5-8 quốc gia, trong đó có các cường quốc châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Italy và Ba Lan. Phái bộ gìn giữ hòa bình của EU sẽ được triển khai sau khi đạt được lệnh ngừng bắn tại các khu vực xung đột. (TASS)
*Nga sẵn sàng đàm phán và nhượng bộ về Ukraine: Ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán và nhượng bộ về Ukraine, nhưng cũng cần phía bên kia sẵn sàng cho điều đó.
Ngoài ra, ông Putin đã cáo buộc Ukraine liên tiếp thực hiện các hành động nhằm vào công dân Nga, khi đề cập đến vụ sát hại Trung tướng Igor Kirillov, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga ở thủ đô Moscow.
Trước đó, Nga thông báo đã bắt giữ một người đàn ông Uzbekistan thú nhận từng đặt và kích nổ quả bom giết chết Tướng Kirillov ở Moscow theo chỉ đạo của Cơ quan An ninh Ukraine SBU. (Reuters)
*Ba Lan triệu Đại biện lâm thời Belarus liên quan hành động gây hấn: Ngày 19/12, Ba Lan đã triệu Đại biện lâm thời Belarus Alexei Ponkratiev để phản đối điều mà Warsaw gọi là "hành động gây hấn" của cơ quan tình báo Belarus KGB nhằm vào các nhà ngoại giao Ba Lan được bổ nhiệm công tác tại Belarus và các nước khác.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ba Lan không nêu rõ những hành động cụ thể mà họ cáo buộc KGB đã thực hiện, và chưa lập tức phản hồi yêu cầu bình luận thêm. Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho rằng việc tiếp tục thực hiện những hành động khiêu khích như vậy sẽ bị "đáp trả tương xứng từ phía Ba Lan". (Reuters)
*Tổng thống Putin phủ nhận Nga thất bại ở Syria: Ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga không thất bại ở Syria và Moscow đã đưa ra đề xuất với những người cầm quyền mới ở Damascus về việc duy trì các căn cứ quân sự của Nga tại đó.
Trong lần đầu tiên công khai bình luận về vấn đề này, Tổng thống Putin cho biết ông chưa gặp cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi ông này bị lật đổ và buộc phải chạy sang Moscow đầu tháng này.
Tổng thống Putin lưu ý: "Các bạn muốn miêu tả mọi thứ đang diễn ra ở Syria như một kiểu thất bại của Nga. Tôi cam đoan với các bạn, không phải vậy. (THX)
*Tổng thống Nga sẵn sàng "đấu" tên lửa với Mỹ: Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/12 đề xuất một cuộc "đấu" tên lửa với Mỹ nhằm chứng minh tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik mới của Nga có thể đánh bại bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào của Mỹ.
Nga lần đầu tiên phóng tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine vào ngày 21/11, động thái mà ông Putin coi là phản ứng trước việc Ukraine lần đầu sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh để tấn công lãnh thổ Nga với sự cho phép của phương Tây. (Reuters)
*Châu Âu trừng phạt cựu điệp viên Nga: Ngày 19/12, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một cựu điệp viên Nga, người được cho là có các hoạt động thúc đẩy chương trình nghị sự của Điện Kremlin bên trong nước Đức, đã bị tiết lộ trong một cuộc điều tra của Reuters. Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào bất kỳ quốc gia thành viên nào của khối.
Trong cuộc điều tra được công bố vào năm 2023, Reuters tiết lộ rằng doanh nhân Oleg Eremenko là cựu sĩ quan trong cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga, người đã thiết lập mối quan hệ với các phong trào cực tả của Đức và đang vận động hành lang để Berlin chấm dứt việc cô lập nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin.
Về phần mình, Moscow đã cáo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu thêu dệt chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga này để che giấu sự suy giảm uy tín của chính họ. (AFP)
Trung Đông-châu Phi
*Iraq bắt đầu hồi hương binh lính Syria: Theo giới chức Iraq, nước này từ ngày 19/12 bắt đầu hồi hương các binh lính phục vụ cho chính quyền Tổng thống Syria bị lật đổ Bashar al-Assad về nước.
Thông báo của phía Iraq nêu rõ: "Chiến dịch được thực hiện sau khi phối hợp với các cơ quan chức năng hữu quan của Syria".
Thời gian qua, khoảng 2.000 binh lính Syria đã vượt biên qua biên giới với Iraq trong cuộc tiến công của lực lượng đối lập lật đổ chính quyền Tổng thống Assad diễn ra vào đầu tháng này. Ngày 8/12, phe đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã tiến quân vào thủ đô Damascus của Syria mà không gặp phải sự kháng cự nào từ chính quyền Assad. Chính quyền Assad sau đó chấp nhận chuyển giao quyền lực cho phe đối lập. (Al Jazeera)
*Mỹ thừa nhận thất bại trong việc thay đổi chế độ ở Iran: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/12 (giờ địa phương) đã công khai thừa nhận những nỗ lực của nước này trong 20 năm qua nhằm tìm cách thay đổi chế độ ở Iran đã không mang lại nhiều thành công.
Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran từ tháng 4/1980, dưới thời Tổng thống Jimmy Carter liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin năm 1979. Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây do Mỹ áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran nhằm ngăn chặn nước này phát triển hạt nhân. (Reuters)
*Nga chuyển hệ thống phòng không S-400 ra khỏi Syria. Theo nguồn tin từ tờ Wall Street Journal (WSJ), Nga đã bắt đầu di chuyển các hệ thống phòng không tiên tiến và vũ khí hiện đại từ các căn cứ ở Syria sang miền Đông Libya. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ.
Đáng chú ý, Moscow không chỉ dừng lại ở việc di chuyển các hệ thống phòng không mà còn đang cân nhắc mở rộng hiện diện lâu dài tại Libya. Theo WSJ, các quan chức cấp cao Nga đã thảo luận với Tướng Haftar về kế hoạch sử dụng cảng Benghazi và Tobruk. Đặc biệt, việc hiện đại hóa các cơ sở tại Tobruk để phục vụ tàu chiến Nga có thể sẽ giúp Moscow tăng cường đáng kể khả năng hoạt động tại khu vực Địa Trung Hải.
Hiện Điện Kremlin và đại diện LNA chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin này. Cũng chưa rõ liệu các hệ thống vũ khí này sẽ được đặt cố định tại Libya hay sẽ được chuyển về Nga trong tương lai. (WSJ)
*Houthi nhận trách nhiệm vụ tấn công vào Israel: Nhóm Houthi của Yemen ngày 19/12 tuyên bố lực lượng này đã tấn công hai mục tiêu quân sự tại thành phố Tel Aviv của Israel bằng "hai tên lửa đạn đạo siêu vượt âm" vào sáng sớm cùng ngày.
Người phát ngôn quân sự của Houthi Yahya Sarea cho biết: “Để ủng hộ nhân dân Palestine tại Gaza... chúng tôi đã thực hiện một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào hai mục tiêu quân sự nhạy cảm của Israel tại khu vực Jaffa (Tel Aviv) bằng hai tên lửa đạn đạo siêu vượt âm..."
Vụ tấn công bằng tên lửa của Houthi đã bị lực lượng phòng không Israel đánh chặn thành công. Tuy nhiên, mảnh vỡ của đầu đạn đã rơi trúng một trường học, gây thiệt hại lớn về vật chất. Ngay sau đó, Israel đã tiến hành các vụ không kích cường độ cao vào ba hải cảng ở Yemen do Houthi kiểm soát khiến ít nhất 9 người thiệt mạng. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Venezuela cáo buộc sĩ quan Argentina âm mưu khủng bố: Căng thẳng ngoại giao giữa Venezuela và Argentina tiếp tục leo thang khi Ngoại trưởng Venezuela Yván Gil đưa ra cáo buộc nghiêm trọng về âm mưu khủng bố liên quan đến một hạ sĩ quan Argentina bị bắt giữ tại Venezuela.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội, Ngoại trưởng Gil chỉ trích gay gắt chính quyền Argentina, đặc biệt là Tổng thống Milei và Bộ trưởng Nội vụ Patricia Bullrich, về việc cố tình đưa các phần tử bạo lực vào Venezuela.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Colombia Luis Gilberto Murillo tiết lộ về nỗ lực trung gian hòa giải của nước này. Theo chỉ đạo của Tổng thống Gustavo Petro, Colombia đang tích cực làm việc với chính quyền Venezuela để đảm bảo an toàn cho 6 người thuộc phe đối lập đang tị nạn chính trị tại Đại sứ quán Argentina ở Caracas. (AFP)
*Mỹ trừng phạt chương trình tên lửa Pakistan và dự án Nord Stream 2: Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/12 đã công bố loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của Pakistan và dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 của Nga.
Đối với Pakistan, các biện pháp trừng phạt nhằm vào 4 tổ chức bị cáo buộc đóng góp vào hoạt động phổ biến hoặc vận chuyển các loại tên lửa đạn đạo.
Liên quan đến dự án Nord Stream 2, Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số tổ chức tham gia xây dựng đường ống trước đó đã bị đưa vào “danh sách đen”, đồng thời triển khai các biện pháp mới đối với một số chủ sở hữu tàu đang bị trừng phạt. (Reuters)
*Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách quốc phòng: Thượng viện Mỹ ngày 18/12 đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 895 tỷ USD dành cho Lầu Năm Góc, mặc dù trong đó có điều khoản gây tranh cãi liên quan đến chăm sóc y tế cho trẻ vị thành niên chuyển giới.
100 thành viên của Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) với tỷ lệ 85 phiếu thuận và 14 phiếu chống. NDAA mới cho phép nâng mức chi tiêu quân sự hàng năm của Mỹ lên kỷ lục 895 tỷ USD, bao gồm các thương vụ mua sắm tàu chiến, máy bay và vũ khí, cùng những điều khoản nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh với các đối thủ địa chính trị như Trung Quốc và Nga. (Reuters)