Tin thế giới 12/2: Nga gạt phắt ý tưởng mới của Ukraine, Tổng thống Pháp có kế hoạch đến Đông Nam Á, Trung Quốc nhắc nhở Mỹ về vấn đề Đài Loan
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
![Cựu Chủ tịch Quốc hội Constantine Tassoulas trở thành Tổng thống mới của Hy Lạp. (Nguồn: X)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_194_51460576/9a20f925ce6b27357e7a.jpg)
Cựu Chủ tịch Quốc hội Constantine Tassoulas trở thành Tổng thống mới của Hy Lạp. (Nguồn: X)
Châu Âu
* Nga bác đề xuất trao đổi lãnh thổ mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với tờ Guardian ngày 11/2 nhằm chấm dứt xung đột.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Dmitry Medvedev ngày 12/2, đề xuất của Kiev về việc trao đổi các vùng lãnh thổ ở khu vực Kursk của Nga mà Ukraine đang kiểm soát để lấy các khu vực của Ukraine hiện do Moscow kiểm soát là "vô nghĩa".
Theo ông Medvedev, Nga đã chứng minh có thể đạt được hòa bình thông qua sức mạnh. (Reuters)
* Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột, nhưng một nền hòa bình công bằng và lâu dài chỉ có thể đạt được khi Kiev mạnh mẽ trên mặt trận, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov khi ông tới Brussels, Bỉ, để tham dự cuộc họp của Nhóm liên lạc về các vấn đề quốc phòng của Ukraine (định dạng Rammstein) ngày 12/2.
Quan chức Ukraine cho biết thêm, Ukraine "đang nỗ lực tăng cường quốc phòng và an ninh của toàn bộ châu Âu". (UNN)
* Cảnh sát châu Âu (Europol) triệt phá và bắt giữ 4 tin tặc người Nga trong nhóm ransomware 8Base, với sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật 14 quốc gia, trong bối cảnh các vụ tấn công mạng dưới hình thức này ngày càng gia tăng.
8Base là một trong những nhóm ransomware hoạt động mạnh nhất trong năm 2024. Chúng sử dụng một biến thể của ransomware Phobos để tấn công và tống tiền các doanh nghiệp và tổ chức trên khắp châu Âu và một số khu vực khác. (AFP)
* Hy Lạp có tổng thống mới là cựu Chủ tịch Quốc hội Constantine Tassoulas. Ông Tassoulas của đảng Dân chủ mới (ND) bảo thủ cầm quyền đã giành được 160 phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu thứ 4 tại Quốc hội, tương tự các vòng bỏ phiếu trước.
Ông Tassoulas, chính trị gia kỳ cựu của đảng ND, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp trong 3 nhiệm kỳ kể từ năm 2019. Ông cũng từng giữ chức Bộ trưởng Văn hóa và thể thao năm 2014. (Reuters)
* Thủ tướng Slovakia Robert Fico để ngỏ khả năng điều chỉnh nhân sự chính phủ nếu hai đảng Tiếng nói - dân chủ xã hội (Hlas-SD) và Quốc gia Slovakia (SNS) trong liên minh cầm quyền không giải quyết được bất đồng nội bộ.
Trong thông báo trên mạng xã hội, Thủ tướng Fico yêu cầu thời hạn chót là ngày 17/2, hai đảng này phải đạt được thỏa thuận với nhóm nghị sĩ rời khỏi đảng. Nếu không, ông sẽ trình đề xuất điều chỉnh nội các lên Tổng thống Peter Pellegrini vào cùng ngày. (Slovak Spectator)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Tổng thống Pháp lên lịch thăm Indonesia vào tháng 5, theo tuyên bố của Bộ Truyền thông và kỹ thuật số Indonesia ngày 12/2 sau khi ông Macron chia sẻ thông tin trên với Bộ trưởng bộ này Meutya Hafid trong cuộc gặp tại Paris, ngày 11/2.
Chuyến thăm của Tổng thống Macron sẽ đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Pháp kể từ khi quan hệ đối tác chiến lược giữa nước này và Indonesia được thiết lập vào năm 2011. (Antara)
* Trung Quốc tuyên bố "hoàn toàn tự tin và có đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ", sau khi hai tàu hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong tuần này.
Trong buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Chu Phượng Liên cho rằng, Mỹ cần xử lý các vấn đề liên quan Đài Loan một cách thận trọng và phù hợp, không gửi đi tín hiệu sai lầm cho các thế lực đòi độc lập tại bán đảo này. (THX)
* Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu công du châu Âu từ ngày 12-17/2 với các điểm dừng chân tại Vương quốc Anh, Ireland và Đức.
Tại Anh, ông Vương Nghị sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Trung Quốc-Anh lần thứ 10 với người đồng cấp nước chủ nhà David Lammy.
Sau đó, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc sẽ thăm Ireland để hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Ireland Simon Harris. Tiếp đó, ông Vương Nghị sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich tại Đức (14-16/2).
* Trung Quốc tuần tra quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản có tên Điếu Ngư/Senkaku. Tuyên bố của Hải cảnh Trung Quốc (CCG) khẳng định, cuộc tuần tra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Trung Quốc theo luật pháp.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Trung Quốc qua kênh ngoại giao sau khi phát hiện 4 tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng lãnh thổ tranh chấp này. (Kyodo)
* Hàn-Nhật tái khẳng định hợp tác ba bên với Mỹ, trong cuộc hội đàm ngày 12/2 giữa Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Shin Won-sik với người đồng cấp Nhật Bản Okano Masataka.
Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh: "Hai bên tái khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác song phương, cũng như hợp tác ba bên với Mỹ, để đối phó với tình hình nghiêm trọng do các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng, cùng hợp tác quân sự bất hợp pháp của nước này với Nga". (Yonhap)
* Bangladesh ấn định thời điểm tổng tuyển cử vào tháng 12 và công tác chuẩn bị đang được triển khai, theo thông báo của Ủy ban Bầu cử nước này (EC).
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp giữa Ủy viên Bầu cử Abul Fazal Mohammad Sanaullah và các nhà ngoại giao của 17 quốc gia phương Tây, cùng đại diện Liên hợp quốc và Liên minh Châu Âu (EU). (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* Israel tăng quân tới Dải Gaza theo lệnh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 11/2, sau khi Hamas đe dọa hủy bỏ việc trao trả con tin theo lịch trình vào ngày 15/2. Thủ tướng Netanyahu cũng ra lệnh cho các tướng lĩnh quân đội chuẩn bị cho mọi tình huống nếu Hamas không phóng thích con tin đúng thời hạn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich tuyên bố, nước này nên cắt điện, nước và viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, đồng thời cảnh báo Hamas rằng, mỗi con tin bị sát hại sẽ dẫn đến việc Israel sát nhập với 5% diện tích vùng lãnh thổ này. (AP)
* Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) sẽ họp khẩn để tái khẳng định “lập trường lâu dài của người Palestine, người Arab và người Hồi giáo về vấn đề Palestine”, đề cập các quyền bất khả xâm phạm của người dân Palestine, đặc biệt là quyền tự quyết và quyền được sống trên quê hương.
Trong vài ngày qua, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã điện đàm với những người đồng cấp từ các quốc gia thành viên OIC như Saudi Arabia, Pakistan, Iran và Jordan để thảo luận về vấn đề Palestine và đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để triệu tập cuộc họp khẩn trên.
Cuộc họp dự kiến sẽ diễn sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Arab (AL), được lên kế hoạch vào ngày 27/2 tại Cairo. (Arab News)
* Tấn công đẫm máu do lực lượng phiến quân ở CHDC Congo thực hiện đã khiến ít nhất 51 người thiệt mạng tại tỉnh Ituri, phía Đông Bắc nước này, làm dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực sắc tộc tiếp tục leo thang trong khu vực. (Al jazeera)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đã có "tiến bộ lớn" trong các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine sau khi công dân Mỹ Marc Fogel, người từng bị giam giữ ở Nga, được trả tự do.
Phát biểu tại buổi đón ông Fogel tại Nhà Trắng ngày 11/2, Tổng thống Trump đánh giá, việc Nga trả tự do cho ông Fogel có thể là một yếu tố rất quan trọng trong việc kết thúc xung đột tại Ukraine, đồng thời thể hiện sự cảm kích đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (RIA)
* Mỹ cử Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đến Ukraine và gặp Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky, song thời gian chưa được công bố.
Trong bài đăng thông báo tin trên trên mạng Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine "phải và sẽ sớm kết thúc", đồng thời cho biết đã có "quá nhiều cái chết và sự tàn phá". (AFP)
* Mexico không loại trừ khả năng Mỹ tăng cường do thám khu vực biên giới trong những tuần qua, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Mexico Ricardo Trevilla, ngày 11/2.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ và Mexico trong liên tục đăng tải thông tin về việc quân đội Mỹ đang tăng cường hoạt động giám sát các băng đảng ma túy tại Mexico. (CBS News)