Tin thế giới 12/12: Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa Mỹ, Cảnh sát Hàn Quốc khám Văn phòng Tổng thống, EU tung trừng phạt mới lên Moscow

Nga có thể sắp phóng thêm tên lửa Oreshnik vào Ukraine, Philippines chuẩn bị vụ kiện mới chống Trung Quốc, Ukraine cung cấp UAV cho lực lượng đối lập ở Syria, Mỹ bắt công dân Trung Quốc chụp ảnh căn cứ quân sự bằng UAV… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để ngỏ việc cắt giảm số quân Mỹ đồn trú tại nước ngoài, bao gồm Hàn Quốc. (Nguồn: CNN)

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để ngỏ việc cắt giảm số quân Mỹ đồn trú tại nước ngoài, bao gồm Hàn Quốc. (Nguồn: CNN)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Hàn-Mỹ tái khẳng định liên minh “vững chắc” sau biến cố thiết quân luật: Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Seon-ho và Tướng Paul LaCamera - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Lực lượng Liên hợp Hàn-Mỹ (CFC) - ngày 12/12 tái khẳng định liên minh “vững chắc” giữa hai nước và cam kết tăng cường thế trận phòng thủ chung.

Những phát biểu trên được đưa ra khi ông Kim và Tướng LaCamera, đồng thời là Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc, đã tổ chức cuộc họp trực tuyến để thảo luận về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay hai bên đã ghi nhận tình hình an ninh nghiêm trọng, đồng thời nhất trí cần phải tiếp tục thúc đẩy các hoạt động huấn luyện và tập trận đã được lên kế hoạch từ trước, tăng cường liên lạc để răn đe các mối đe dọa từ Triều Tiên và kiểm soát tình hình hiện tại một cách ổn định. (Yonhap)

*Cảnh sát Hàn Quốc tiếp tục khám xét Văn phòng Tổng thống: Các quan chức Hàn Quốc ngày 12/12 cho biết cảnh sát đang tìm cách thực hiện một cuộc khám xét khác tại Văn phòng Tổng thống trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ ban bố thiết quân luật, một ngày sau khi nỗ lực trước đó của họ bị chặn lại.

Cục Điều tra quốc gia (NOI) phụ trách vụ việc đã cử các quan chức đến khu phức hợp Văn phòng Tổng thống ở Yongsan vào khoảng 14 giờ để thu thập tài liệu liên quan đến vụ áp đặt thiết quân luật bất thành hôm 3/12 của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Hôm 7/12, cảnh sát đã tìm cách khám xét các phòng quan trọng, bao gồm phòng họp Nội các, Cơ quan An ninh Tổng thống và phòng trú ẩn (boongke) bên trong trụ sở Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nằm liền kề khu phức hợp của Tổng thống. (Yonhap)

*Philippines chuẩn bị vụ kiện mới chống Trung Quốc ở Biển Đông: Philippines đang nỗ lực chuẩn bị cho vụ kiện mới nhằm vào Trung Quốc về cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Ông Andres Centino, Cố vấn chính sách hàng hải của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, cho biết Manila đang thu thập bằng chứng về các vụ vi phạm của Trung Quốc đối với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), 8 năm sau khi Philippines thắng vụ kiện đầu tiên chống lại Bắc Kinh.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, nhưng Bắc Kinh từ chối công nhận và tiếp tục các hoạt động tuần tra, khảo sát vùng biển của nước khác. (Financial Times)

*Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật điều tra đặc biệt đối với Tổng thống Yoon: Quốc hội Hàn Quốc do phe đối lập kiểm soát ngày 12/12 đã thông qua thêm một dự luật do cố vấn đặc biệt đề xuất nhằm điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan vụ áp đặt thiết quân luật bất thành và một dự luật đề xuất điều tra đặc biệt về đệ nhất phu nhân.

Dự luật điều tra do cố vấn đặc biệt đề xuất đối với Tổng thống Yoon đã được Quốc hội thông qua với 195 phiếu thuận, 86 phiếu chống và 2 phiếu trắng tại phiên họp toàn thể.

Ngoài ra, đảng Dân chủ đối lập sẽ đưa ra kiến nghị luận tội mới đối với Tổng thống Yoon trong ngày hôm nay và báo cáo lên phiên họp toàn thể vào ngày 13/12. Đảng đối lập dự kiến đưa kiến nghị ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể Quốc hội sắp tới vào ngày 14/12.

Theo luật, một kiến nghị luận tội phải được đưa ra bỏ phiếu trong khoảng thời gian từ 24 đến 72 giờ sau khi được báo cáo lên phiên họp toàn thể. (Yonhap)

Châu Âu

*EU nhất trí về gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga: Ngày 11/12, Đại sứ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Trên mạng xã hội X, Hungary - nước hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU - giải thích các lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào tàu của các nước thứ 3 hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine cũng như bổ sung nhiều cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt.

Theo các nguồn tin ngoại giao, gói trừng phạt này cũng bao gồm việc gia hạn 6 tháng cho Cộng hòa Czech nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga, chủ yếu qua Slovakia.

Gói trừng phạt này, nhiều khả năng sẽ được chính thức thông qua tại hội nghị Ngoại trưởng EU vào ngày 16/12, sẽ nhắm vào gần 30 thực thể, hơn 50 cá nhân và 45 tàu chở dầu.

Hiện có 2.200 cá nhân và thực thể cùng hơn 45 tàu chở dầu nằm trong danh sách trừng phạt của EU. (Reuters)

*Ukraine tấn công sân bay Nga bằng tên lửa Mỹ: Quân đội Nga cho biết Ukraine đã tấn công một sân bay ở miền Nam nước Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào sáng sớm 11/12.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, 6 tên lửa ATACMS đã được sử dụng trong nỗ lực tấn công một sân bay quân sự ở Taganrog, một thành phố cảng ở vùng Rostov phía Nam của Nga bên bờ biển Azov. Bộ này nêu rõ: "2 trong số các tên lửa này đã bị hệ thống phòng không Pantsir bắn hạ, trong khi những tên lửa còn lại đã bị thiết bị tác chiến điện tử đánh chặn".

Bộ này cho hay không có quân nhân nào bị thương, nhưng các mảnh đạn rơi xuống đã "làm hư hại nhẹ" các phương tiện quân sự và tòa nhà gần đó.

Tháng 11 vừa qua, Nga đã phản ứng giận dữ sau khi Washington cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tập kích lãnh thổ Nga. Tên lửa này do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất và có tầm bắn tối đa là 300 km. (AFP)

*Nga có thể sớm phóng thêm tên lửa Oreshnik vào Ukraine: Một quan chức Mỹ ngày 11/12 tiết lộ Nga có thể phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm nữa vào Ukraine trong những ngày tới, nhưng Washington không coi tên lửa Oreshnik là một vũ khí thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến này.

Hôm 21/11 vừa qua, Nga đã lần đầu tiên phóng tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine, động thái mà Tổng thống Vladimir Putin coi là sự phản ứng trước việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo ATACM của Mỹ và Storm Shadows của Anh để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga với sự cho phép của phương Tây.

Tổng thống Putin tuyên bố rằng Oreshnik không thể bị đánh chặn và có sức công phá tương đương vũ khí hạt nhân, ngay cả khi được lắp đầu đạn thông thường. Ông cho biết Nga có thể sử dụng Oreshnik một lần nữa, bao gồm cả việc tấn công "các trung tâm ra quyết định" ở Kiev, nếu Ukraine tiếp tục tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây. (AFP)

*Bulgaria, Romania trở thành thành viên khối Schengen từ đầu năm 2025: Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/12 đã thông qua quyết định công nhận Bulgaria và Romania là 2 thành viên đầy đủ của khu vực đi lại tự do Schengen kể từ đầu năm 2025.

Bộ trưởng Nội vụ Sandor Pinter của Hungary - quốc gia giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU - tuyên bố: “Đây là khoảnh khắc lịch sử khi cuối cùng Bulgaria và Romania đã được chào đón (trở thành thành viên khối Schengen)”. (AFP)

Trung Đông – châu Phi

*Thủ tướng Israel tuyên bố sẽ chiếm giữ Jerusalem vĩnh viễn: Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, ngày 11/12 tuyên bố Nhà nước Do Thái duy trì quyền kiểm soát vĩnh viễn đối với tất cả các khu vực ở Jerusalem và sẽ không cho phép ai chia cắt vùng đất tranh chấp này.

Tuyên bố được nhà lãnh đạo Israel đưa ra trong bài phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội Israel (Knesset) nhân chuyến thăm của Tổng thống Paraguay Santiago Pena, và khai trương Đại sứ quán nước này tại thành phố Jerusalem vào ngày 12/12. Ông Netanyahu nêu rõ: "Chúng ta đã thống nhất Jerusalem cách đây 57 năm và khu vực này sẽ không bao giờ bị chia cắt nữa.

Jerusalem là một trong những điểm tranh chấp chủ chốt trong cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine. Sau cuộc chiến năm 1967, Israel chiếm giữ Đông Jerusalem và coi đây là phần không thể tách rời, bất chấp việc này đi ngược lại nghị quyết của Liên hợp quốc. (Al Jazeera)

*IS nhận trách nhiệm vụ đánh bom liều chết tại Afghanistan: Nhóm phiến quân cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết khiến quyền Bộ trưởng Hồi hương và Tị nạn Afghanistan thiệt mạng ngày 11/12.

Theo báo cáo do hãng tin "Amaq" liên kết với IS công bố, một chiến binh IS đã kích nổ áo gài bom, khiến Bộ trưởng Khalil Rahman Haqqani và một số đồng nghiệp cùng vệ sĩ của ông thiệt mạng.

Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cùng với Qatar, Saudi Arabia, Pakistan và Iran…đã lên án vụ tấn công đẫm máu này. (THX/AFP)

*Tấn công khủng bố ở phía Tây Niger khiến nhiều binh sĩ thương vong: Quân đội Niger ngày 11/12 thông báo, một vụ tấn công của nhóm khủng bố ở khu vực phía Tây nước này, gần biên giới Burkina Faso, đã khiến 10 binh sĩ thiệt mạng và 7 người khác bị thương.

Theo nguồn tin, vụ tấn công xảy ra vào chiều 10/12 khi hàng trăm tay súng đi xe máy tấn công vào Biệt đội Petelkole nhằm giành quyền kiểm soát khu vực này. Trong cuộc đụng độ, lực lượng Niger đã tiêu diệt 26 kẻ tấn công. Vụ tấn công diễn ra chỉ vài ngày sau khi một đoàn xe dân sự bị tập kích ở cùng khu vực, khiến 21 người thiệt mạng.

Hiện chính quyền quân sự Niger đang tiến hành chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn mang tên Niya ở khu vực này. Niger, cũng như các nước láng giềng Burkina Faso và Mali, đã và đang phải đối mặt với các cuộc tấn công của các nhóm có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. (Al Jazeera)

*Ukraine cung cấp UAV cho lực lượng đối lập ở Syria: Các lực lượng đối lập ở Syria đã nhận được khoảng 150 thiết bị bay không người lái (UAV) cũng như sự hỗ trợ bí mật khác từ các đặc vụ tình báo Ukraine vào tháng trước, nhiều tuần trước khi phiến quân mở cuộc tiến công lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad cuối tuần qua.

Tờ Washington Post tối 10/12 dẫn các nguồn thạo tin về hoạt động quân sự của Ukraine cho biết cách đây khoảng 4-5 tuần, tình báo nước này đã cử khoảng 20 người điều khiển và khoảng 150 UAV góc nhìn thứ nhất tới hỗ trợ lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhánh cũ của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố, mà không đưa ra bằng chứng, rằng phiến quân đã nhận được UAV từ Ukraine và được huấn luyện cách vận hành - một cáo buộc mà Bộ Ngoại giao Ukraine khi đó "hoàn toàn" bác bỏ. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Chính quyền Tổng thống Biden không thay đổi chính sách đối với Cuba: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12/12 khẳng định chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden không có kế hoạch thay đổi bất kỳ chính sách nào liên quan đến Cuba trước khi ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng mãn nhiệm vào ngày 20/1/2025.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: “Tôi không lường trước bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của chúng ta đối với Cuba”. Đây cũng chính là câu trả lời của ông Blinken khi được hỏi về việc liệu Chính phủ Mỹ có đang cân nhắc khả năng đưa Cuba ra khỏi danh sách “đen” các quốc gia tài trợ cho khủng bố hay không.

Những quốc gia bị đưa vào danh sách không hỗ trợ Mỹ chống khủng bố trên toàn thế giới sẽ bị cấm xuất khẩu vũ khí và dịch vụ quốc phòng, cùng với những quy định hạn chế khác. Quyết định đưa Cuba trở lại danh sách này là một trong những hành động ngoại giao cuối cùng của ông Trump trước khi rời Nhà Trắng hồi năm 2021. Bước đi đó đươc xem là đỉnh điểm của 4 năm leo thang áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Cuba dưới thời “chính quyền Trump 1.0”. (Reuters)

*Mỹ bắt công dân Trung Quốc điều khiển UAV chụp ảnh căn cứ quân sự: Một công dân Trung Quốc đã bị buộc tội điều khiển thiết bị bay không người lái (UAV) bay qua Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg ở bang California và ghi lại hình ảnh cơ sở quân sự này.

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 11/12 cho biết Yinpiao Zhou, 39 tuổi, đã bị bắt khi đang chuẩn bị lên chuyến bay từ San Francisco trở về Trung Quốc.

Luật sư Mỹ Martin Estrada cho hay: "Bị cáo bị buộc tội đã điều khiển UAV bay qua và chụp ảnh một căn cứ quân sự, hành vi này vi phạm pháp luật. An ninh quốc gia chúng ta là vô cùng quan trọng và văn phòng của tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy sự an toàn của quân nhân và các cơ sở của quốc gia chúng ta".

Theo các tài liệu cáo buộc, các hệ thống tại Vandenberg đã theo dõi một UAV khi nó bay cách cơ sở quân sự này khoảng 1,6 km vào cuối tháng 11. (AFP)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-1212-ukraine-tan-cong-nga-bang-ten-lua-my-canh-sat-han-quoc-kham-van-phong-tong-thong-eu-tung-trung-phat-moi-len-moscow-297156.html
Zalo